Chuyển từ đào tạo có sẵn sang đào tạo theo nhu cầu

Chuyển từ đào tạo có sẵn sang đào tạo theo nhu cầu
TPO - Để cải cách toàn diện giáo dục, đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngành giáo dục sẽ chuyển phương pháp đào tạo từ cái có sẵn sang hướng đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chiều nay, 7/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu quốc hội xoay quanh những vấn đề của ngành giáo dục.

Cuối giờ chiều, Bộ trưởng đã có bài phát biểu “trình bày khái quát một số tiếp thu cụ thể”. Bộ trưởng Nhân thừa nhận, bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành giáo dục đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

“Những khó khăn đó là phương pháp dạy và học, vấn đề ngân sách, cơ hội bình đẳng học tập, giảm tải nội dung của chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng, trình độ thầy, cô giáo, chấn chỉnh kỷ cương trong dạy và học, chống tiêu cực…”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, những vấn đề như mở rộng giáo dục dạy nghề chuyên nghiệp, chấn chỉnh đào tạo tại chức ở các bậc học, cải thiện thu nhập đời sống của giáo viên, chi tiêu ngân sách cho giáo dục hiệu quả, mối quan hệ giữa Bộ GD&ĐT với các tỉnh, các Bộ và các nhà trường cũng đang được lãnh đạo ngành xem xét.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, giải quyết được tổng thể những khó khăn này là không dễ vì cơ chế.

Ví dụ ở bậc đại học, tuy là cơ quan cao nhất nhưng Bộ GD&ĐT cũng chỉ quản lý khoảng 29% trong số 311 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Số còn lại là do các bộ ngành khác và các địa phương đảm nhiệm.

Thực tế này chứng tỏ, không phải lúc nào Bộ GD&ĐT cũng chủ động hoàn toàn trong mọi công việc của ngành.

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Trình bày trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ở ta hiện nay chưa có một cơ quan, tổ chức nào thống kê xã hội cần bao nhiêu kĩ sư, thiếu bao nhiêu thạc sĩ, ở chuyên ngành gì? Không ai biết thực tế đó, dẫn đến tình trạng vừa đào tạo, vừa mò mẫm đường đi.

“Có người từng tâm sự, trường tôi có truyền thống đào tạo giáo viên rất tốt nhưng đào tạo ra, sinh viên lại không có việc làm, đề nghị Bộ giải quyết. Thực ra phải làm ngược lại, chính trường đó phải dự báo xã hội có cần ngành mình đào tạo không, rồi liên kết đào tạo theo nhu cầu thực tế. Phải nhanh chóng thay đổi suy nghĩ cứ đào tạo tràn lan rồi yêu cầu Bộ giải quyết”, Bộ trưởng khẳng định.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, ngành sẽ có biện pháp đồng bộ, nhằm từng bước tháo gỡ những bất cập tồn tại bấy lâu nay.

Trong đó, giải pháp chung và mang tính đột phá là chuyển từ đào tạo dựa trên khả năng sẵn có (thầy, cô, trường lớp, sách vở… có thế nào đào tạo thế ấy) sang phương án đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng sẽ xem xét chính sách thu hút các trường đại học uy tín nước ngoài tham gia vào đào tạo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, từng bước quy hoạch lại việc xây dựng các trường đại học, tránh tình trạng theo phong trào, tỉnh nào cũng có đại học, cao đẳng mà không chú ý đến chất lượng.

Phổ cập đại học

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Theo đó, ngành phổ thông nói chung, thiếu khoảng 20.000 giáo viên.

Ở đại học, nếu đảm bảo tỉ lệ 1 giảng viên có 20 sinh viên thì cũng thiếu 22.000 giảng viên. Nếu theo yêu cầu của chính phủ, năm 2010, 1/4 đội ngũ giảng viên ĐH là tiến sĩ thì ta thiếu 5.500 tiến sĩ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, vấn đề phổ cập giáo dục của một quốc gia phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế. Bộ trưởng điểm lại: Đầu thế kỉ trước, người Việt Nam không biết đọc, viết. Năm 1945, Chính phủ phát động phong trào xóa nạn mù chữ, trong vòng 11 năm, cơ bản xóa bỏ nạn mù chữ.

Đến năm 1954, bước vào thời kỳ hòa bình, chúng ta phát triển giáo dục phổ thông nhưng lúc đó cũng chưa thể khẳng định là đã phổ cập giáo dục tiểu học. Chỉ đến sau 1975, thống nhất đất nước, đến những năm 1980, mới phổ cập giáo dục tiểu học.

“Hiện giờ, các địa phương đang phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Sắp tới, chúng ta cũng phải từng bước phổ cập đại học, không chỉ có 20% dân số mà phải 40 - 50% dân số học đại học như các nước. Cái này phụ thuộc vào trình độ phát triển”, ông Nhân nói.

Xây móng ngôi nhà giáo dục

Giải trình với những thắc mắc của đại biểu Quốc hội vì sao chọn phong trào “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” làm khâu đột phá, ưu tiên giải quyết, Bộ trưởng cho biết:

Giáo dục có 5 nguyên tắc cơ bản là:

- Học sinh muốn có kết quả học tập tốt, phải nỗ lực;

- Trung thực là một nội dung của đạo đức mà mỗi thầy cô phải là tấm gương sáng cho học trò phấn đấu noi theo.

- Đánh giá kết quả học tập của học sinh phải khách quan và công bằng.

- Học sinh, phụ huynh khi có hành vi trái pháp luật, đạo đức phải biết xấu hổ và nghe lời thầy cô nhắc nhở.

- Thầy cô giáo tích cực chăm lo cho học sinh phải được nhà trường thừa nhận và xã hội khen thưởng tương xứng.

Chừng nào 5 nguyên tắc này còn bị công khai vi phạm thì sẽ không có động lực để bàn đến những vấn đề khác.

“Thiết lập trật tự kỉ cương, quan hệ thầy trò trong giáo dục chính là quan tâm đến móng của ngôi nhà. Chúng ta không ai cần cái móng nhà mà cần có ngôi nhà, nhưng nếu muốn có nhà to phải có móng tốt. Móng không tốt, nhà không làm được”, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, ngành giáo dục không thể "xây nền móng" trong một vài tháng mà phải “trường ký kháng chiến”. Ít nhất là đến năm 2010, mới hy vọng có được ngôi nhà cao, cửa rộng.

Cũng với việc thiết lập nền móng vững chắc cho ngôi nhà giáo dục, một trong những biện pháp hỗ trợ khác là nâng cao thu nhập, đời sống cho đội ngũ giáo viên.

Về vấn đề này, người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ đang chuẩn bị đề án nâng lương cho giáo viên để sang năm trình Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó,  tới đây, Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Vụ hoặc Cục giáo viên để chuyên chăm lo cho đời sống của cán bộ trong ngành.

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG