Sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử:

Có chấm dứt cảnh cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng?

TPO - Tới đây, Chương trình giáo dục được Bộ GD&ĐT triển khai cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục vẫn tỏ ra lo lắng khi cho rằng cách dạy học hiện nay vẫn theo lối quyền uy, áp đặt, không tôn trọng học sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mới đây vừa có cuộc họp với nhóm nghiên cứu xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD&ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.

“Gốc” chưa tốt thì làm “ngọn” làm gì? 

Trước thông tin Bộ sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử vào đầu năm học mới, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch hội Tâm lý khoa học Hà Nội cho rằng, đây là việc cơ bản cần làm. Bộ quy tắc sẽ giúp cho các nhà trường điều chỉnh đúng.

TS Tâm lý giáo dục Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng rất ủng hộ chủ trương Bộ sẽ xây dựng và ban hành một Bộ quy tắc ứng xử khung theo hướng thiết thực, khả thi, hướng tới hành vi, có thể đo được. 

Tuy nhiên để giải quyết mọi vấn đề thì bộ quy tắc này phải phát huy hiệu tính dân chủ trong nhà trường. “Nhà trường phải được tự chủ thì mới tuyển được giáo viên đúng. Hiện nay, dân chủ trong nhà trường không có, học sinh không dám nói, giáo viên không dám nói, quản lý thì bị áp lực cấp trên xuống. Vậy nếu không có văn hóa dân chủ trong nhà trường thì làm sao quy tắc ứng xử phát huy được’- TS Lâm khẳng định.

TS Lâm cũng cho rằng, hiện nay trong nhà trường vẫn giáo dục theo lối quyền uy nghĩa là giáo viên áp đặt học sinh, không tôn trọng học sinh. Trên thực tế không phải bây giờ bộ mới có bộ quy tắc ứng xử vì các các trường đều đã có. Nhưng trong trường học cái “gốc” chưa tốt thì làm cái ngọn để làm gì, sớm muộn nó vẫn bị “sập”.

“Chúng ta phải đưa văn hóa dân chủ trọng trong nhà trường, học sinh phải được coi trọng, văn hóa phải có đã. Điều này phải giải quyết trước chứ”- TS Lâm khẳng định. 

Giáo viên cũng cần có chứng chỉ hành nghề, kiểm tra định kỳ

TS Trần Thành Nam cho rằng, để tránh bạo lực học đường cần đồng thời thực hiện nhiều giải pháp khác bên cạnh việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử.

TS Nam chỉ ra, giảm thiểu những áp lực học đường mà học sinh và giáo viên đang phải đối mặt, cần sớm tuyển dụng cán bộ chuyên trách trong nhà trường giúp đỡ học sinh và giáo viên cân bằng lại trước các căng thẳng, áp lực cuộc sống; nắm bắt tâm lý, tư tưởng của học sinh trong cuộc sống thực và cả cuộc sống trên mạng để triển khai các hoạt động phòng ngừa. 

“Trong bối cảnh cán bộ Tư vấn tâm lý học đường chuyên trách theo thông tư 31 của Bộ chưa được định hình, với những sự kiện xảy ra trong thời gian qua, ít nhất các cơ sở giáo dục cũng nên phản ứng nhanh liên hệ với các cán bộ tâm lý thực hành tại các Trường Đại học uy tín trong nước xuống địa bàn để thực hiện công tác sơ cứu tâm lý cho cô – trò”- TS Nam nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nam, cần có các chế tài đưa việc dạy người trở lại đúng vị thế của nó. Đơn cử là cần có những hành động cụ thể để lấy lại vị thế của môn Giáo dục công dân, Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, việc chỉnh sửa lại sách giáo khoa các môn học khác từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực cũng phải hướng đến các phẩm chất đạo đức và năng lực hành vi một cách nhất quán.

Ngoài ra, TS Nam cho rằng, cần xem xét điều chỉnh lại chương trình đào tạo giáo sinh, bổ sung thêm học phần về Đạo đức nghề giáo. Xây dựng lại học phần kỹ năng quản lý lớp học hiệu quả. Chúng ta có thể suy nghĩ đến những chứng chỉ nghề, kiểm tra định kỳ để đảm bảo những giáo viên đứng lớp đều có năng lực hành vi ứng xử và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Điều này cũng làm tăng tính chuyên nghiệp và vị thế nghề nghiệp.

Cuối cùng, TS Nam chỉ ra, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan (như gia đình, công an, các tổ chức bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em) trong việc giám sát và quản lý việc tiếp cận và mang theo vũ khí đến trường học, các băng nhóm học đường, việc bị bắt nạt và bắt nạt trên mạng và trong cuộc sống thực để tạo ra không gian trường học an toàn và thân thiện.

MỚI - NÓNG