Cơ chế giá dịch vụ đào tạo tác động lớn đến xã hội

TP - Việc quy định mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo cần phải được xem xét thấu đáo.

Bày tỏ sự thống nhất với chủ trương “chi phí giáo dục phải được tính đúng, tính đủ làm căn cứ xác định cơ chế thu, nguồn thu để đầu tư đảm bảo chất lượng”, ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng: Việc quy định mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo cần phải được xem xét thấu đáo, không quy định chung chung như trong luật. Bởi đây là nội dung tác động lớn đến xã hội, liên quan trực tiếp đến khả năng đóng góp của nhân dân.

Theo bà Hải, hiện nay ngoài cấp tiểu học đã được miễn học phí thì có khoảng 7,6 triệu học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông tại các trường công lập. Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định ngay trong luật trách nhiệm về tài chính của nhà nước hỗ trợ học phí cho từng cấp học, quy định lộ trình miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, quy định trách nhiệm về tài chính của học sinh, gia đình, chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước cho học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hải đảo.

“Việc cụ thể hóa trong luật vừa đảm bảo tính minh bạch, là cơ sở để ngân sách nhà nước cân đối hàng năm, đồng thời để nhân dân an tâm”, bà Hải phân tích.

Về dự định áp dụng tín dụng sư phạm, nhiều ĐB cho rằng ngành sư phạm đã tới lúc bão hoà, ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp để miễn phí cho sinh viên khối ngành này, nên huỷ bỏ quy định miễn học phí với sinh viên sư phạm là cần thiết.

Tuy nhiên, theo ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ), học phí không phải là vấn đề chính của tình trạng đầu vào sư phạm thấp, mà câu chuyện nằm ở sức hấp dẫn của ngành học, môi trường làm việc và các chế độ đối với nhà giáo.

“Đây mới là các “thỏi nam châm” quyết định sức hấp dẫn không chỉ của riêng sư phạm mà của bất cứ ngành nào”, bà Bình nói. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, học phí trong dự thảo đề cập là tính đúng, tính đủ nhưng với cấp học mầm non, phổ thông, đặc biệt phổ cập, nhà nước vẫn phải có trách nhiệm cơ bản. Do đó, dù là tính đúng, tính đủ nhưng thực tế sẽ có nhiều chính sách của nhà nước để bao cấp, học bổng, miễn học phí.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.