Cô gái Hà Tĩnh trúng tuyển đại học Mỹ với học bổng 5,5 tỷ

Nguyễn Ngọc Phương Linh trúng tuyển hai đại học Mỹ với tổng giá trị học bổng lên tới hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: NVCC
Nguyễn Ngọc Phương Linh trúng tuyển hai đại học Mỹ với tổng giá trị học bổng lên tới hơn 10 tỷ đồng. Ảnh: NVCC
Đạt 28,83 điểm thi THPT quốc gia, Phương Linh học Đại học Ngoại thương, nhưng sớm bỏ ngang để dành một năm chuẩn bị xin học bổng du học.

Nguyễn Ngọc Phương Linh là cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Hà Tĩnh. Trong đợt tuyển sinh năm 2018 của các trường Mỹ, em trúng tuyển Đại học Dickinson với mức hỗ trợ tài chính 5,5 tỷ đồng và nhận được thư chấp nhận từ Đại học Duke Kunshan (chi nhánh Đại học Duke của Mỹ tại Trung Quốc) với học bổng trị giá 5 tỷ.

Trước đó hơn một năm, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Phương Linh là á khoa toàn quốc khối A1 với 28,83 điểm. Em cũng là thủ khoa kép khối A1 và D của tỉnh Hà Tĩnh. Với số điểm này, cô gái sinh năm 1998 trúng tuyển ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Nhập học được thời gian ngắn, em quyết định bỏ để tham gia hoạt động xã hội và chuẩn bị hồ sơ du học.

"Đó là lần liều lĩnh đáng giá nhất từ trước tới giờ của em. Đỗ đại học, em tham gia một số hoạt động ngoại khóa quy mô lớn, gặp nhiều người giỏi và hiểu về cơ hội khi được ra nước ngoài học tập nên tính bỏ học. Lúc đầu hơi lo nhưng được bố mẹ ủng hộ mạnh mẽ nên em liều", Linh nói. Vốn độc lập từ nhỏ nên Linh chỉ cần đưa ra lời giải thích hợp lý là có được niềm tin từ bố mẹ.

Hơn một năm không tới trường, Linh lựa chọn một số chương trình dài hơi chứ không tham gia vào những hoạt động xã hội ngắn ngày mang tính phong trào. Là thành viên tích cực của Sách hóa nông thôn (Books for Rural Areas) - dự án được UNESCO và Quốc hội Mỹ trao giải thưởng trong năm 2016 và 2017, Linh đã hoàn thành 70 tủ sách cho vùng cao ở Hà Tĩnh, chia sẻ về tầm quan trọng của việc đọc và truyền cảm hứng cho các em nhỏ ở đó.

Muốn thử sức với môi trường quốc tế, cô gái đến từ Hà Tĩnh ứng tuyển chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP). Vượt qua hàng nghìn thanh niên cả nước, Linh trở thành một trong 28 đại biểu của đoàn Việt Nam tham dự chương trình kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12/2017.

"Sách hóa nông thôn và SSEAYP là hai chương trình thay đổi em khá nhiều. Trước đây, em không có kinh nghiệm, không tự tin. Khi tham gia các chương trình ngoại khóa với mô hình lớn như vậy, em liều lĩnh hơn, hoàn thiện các kỹ năng mềm, nâng cao khả năng ngoại ngữ và được gặp gỡ rất nhiều người giỏi trên mọi lĩnh vực", Linh nói.

Biết chắc sẽ học đại học muộn hơn các bạn, Linh không hối hận vì đã tích lũy được kiến thức xã hội làm hành trang trong chặng đường dài sắp tới ở Mỹ.

Cô gái Hà Tĩnh trúng tuyển đại học Mỹ với học bổng 5,5 tỷ ảnh 1 Phương Linh trong lễ ra mắt đoàn Việt Nam tham gia SSEAYP tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Thời gian tham gia SSEAYP cũng là lúc Phương Linh chuẩn bị cho các bài thi chuẩn hóa, viết luận và giấy tờ du học. Linh làm bốn bài thi chuẩn hóa từ tháng 3 đến tháng 10 và dành từ 1 đến 3 tháng để ôn luyện cho mỗi bài. Kết quả, em đạt ACT 35/36, SAT II Toán 800/800, SAT II Lý 800/800 và TOEFL 110/120 điểm.

Bài luận chính được Linh lên ý tưởng từ tháng 6/2017 và là phần tốn nhiều thời gian nhất. Linh kể lại lần đầu tiên làm việc nhóm để tổ chức một buổi trình diễn thời trang bằng giấy cho các em nhỏ ở làng trẻ SOS Hà Tĩnh năm lớp 10.

"Em luôn nghĩ mình có năng khiếu nghệ thuật thì việc này đơn giản, nhưng lúc bắt tay làm mới thấy nhiều vấn đề. Lúc đầu, em đã thất bại nặng nề trong việc kết nối mọi người, không thể vực dậy tinh thần cả nhóm khi gặp khó khăn. Sau khi bình tĩnh lại, nhìn nhận mọi thứ rõ hơn, cùng ngồi nói chuyện, em hiểu được giá trị của mỗi người trong nhóm, giá trị của làm việc nhóm và cảm thấy trân trọng mọi người xung quanh hơn", Linh chia sẻ nội dung trong bài luận.

Sau khi tham gia SSEAYP, nữ sinh Hà Tĩnh chỉ còn 15 ngày để hoàn thành các bài luận phụ. Đây là lý do khiến em không thể nộp đơn vào nhiều trường. Tuy nhiên, Linh vẫn đủ thời gian để thuyết phục được Dickinson - trường giáo dục khai phóng nổi tiếng của Mỹ và thêm một đại học khác.

Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1995), đại biểu đoàn Việt Nam cùng đi Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản với Phương Linh, bày tỏ sự mến phục với cô gái nhỏ tuổi nhất đoàn. "Linh rất thông minh, hoạt bát và hòa đồng với mọi người. Lúc tham gia SSEAYP, Linh ứng tuyển du học Mỹ nên rất bận nhưng em vẫn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ do đoàn Việt Nam giao", Toàn nói.

Cô gái Hà Tĩnh trúng tuyển đại học Mỹ với học bổng 5,5 tỷ ảnh 2 Phương Linh sẽ có bốn năm trải nghiệm mô hình giáo dục khai phóng tại Đại học Dickinson (Mỹ). Ảnh: NVCC

Theo kế hoạch, Phương Linh sẽ nhập học Đại học Dickinson vào tháng 8 tới. Em dự định học ngành Kinh tế vì rất thích tìm hiểu về kinh tế vĩ mô. Trong bốn năm đại học, ngoài tiếp thu kiến thức nền, em dự định xin tham gia các công trình nghiên cứu của nhà trường liên quan đến kinh tế để trau dồi kinh nghiệm cho việc học thạc sĩ, đi làm và dần tạo dựng những nghiên cứu riêng.

Nhờ liều lĩnh, Linh đã đạt được ước mơ lớn trên con đường học tập. "Hãy làm điều mình muốn, sau này bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì những điều đã làm mà chỉ hối tiếc về những điều chưa làm hoặc không làm”, Linh dẫn câu nói đã chi phối em rất nhiều để lời nhắn nhủ tới các bạn trẻ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.