Cô giáo bị ép quỳ gối, bạo lực lên ngôi?

Nhà báo Trương Anh Ngọc
Nhà báo Trương Anh Ngọc
TPO - “Tất cả xoay quanh một chữ quỳ, nghĩa là phải tìm mọi cách để làm nhục nhau, phá nát nhân cách và lòng tự trọng của nhau để đạt một mục đích, một chuẩn mực nào đó ngoài mọi giá trị xã hội”- Nhà báo Trương Anh Ngọc nêu quan điểm.

Mấy ngày qua, vụ việc cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh vì phạt học sinh quỳ gối đã khiến các giáo viên tranh luận không ngừng. Dư luận “nổi sóng” và không ít người bất bình vì cô đã làm mất đi hình ảnh người thầy trong mắt học sinh.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, khi một cô giáo bị một phụ huynh học sinh bắt phải quỳ xuống, để "đáp trả" lại cái việc chính cô đã bắt con ông ta phải quỳ vì nó không ngoan, chúng ta đã có một trường hợp tuyệt vời về quan hệ vay trả trong đời thực éo le đến mức nào.

Cũng theo nhà báo Anh Ngọc, tất cả xoay quanh một chữ quỳ, nghĩa là phải tìm mọi cách để làm nhục nhau, phá nát nhân cách và lòng tự trọng của nhau để đạt một mục đích, một chuẩn mực nào đó ngoài mọi giá trị xã hội. 

“Điều đáng buồn là chuyện quỳ này xảy ra dưới mái trường, nơi mà người ta không chỉ dạy và học về kiến thức, mà còn cả về nhân cách làm người”- nhà báo Anh Ngọc chia sẻ.

Cô giáo quỳ gối, bạo lực lên ngôi?

Nhận định về trường hợp này, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, cô giáo không đúng, phụ huynh cũng sai, và đứa trẻ, người đã phải quỳ trước đó như một cách trừng phạt vì hư, học được gì từ cô giáo ấy cũng như chính người phụ huynh của mình? 

“Lớn lên, rồi nó, cũng như những đứa trẻ khác đã chứng kiến cảnh cô giáo quỳ hoặc chúng bị cô bắt quỳ, cũng sẽ bắt người khác phải quỳ để phục tùng?”- nhà báo Anh Ngọc đặt câu hỏi.

Cũng theo anh Ngọc, trường hợp này là một ví dụ tiêu biểu về mối quan hệ tay ba điển hình trong giáo dục hiện tại, giữa giáo viên-học sinh-phụ huynh. Thường thì không phải phụ huynh nào cũng "anh hùng" đến mức làm nhục được cô giáo.

“Thứ bạo lực học đường ấy rốt cuộc sẽ sinh ra thứ gì? Những đứa trẻ chai sạn với bạo lực, và sẽ dùng chính bạo lực, chứ không phải lý lẽ và pháp luật, để buộc người khác tuân theo, bất luận đúng sai”- anh Ngọc nói.

Nhà báo Anh Ngọc chia sẻ thêm, anh vẫn còn nhớ nhiều năm về trước, hồi còn đá bóng ở trong khu tập thể, mỗi khi thua trận hoặc bị ghi bàn, đội thua phải bò dưới háng của đội thắng. Cái cảnh những đứa dạng háng ra, cười rất sung sướng, để đội thua bò qua. 

“Lớn lên rồi, mới nhận ra rằng, cái cảnh ê chề ấy vẫn có thể lặp lại theo cách này hay cách kia, dù không nhất thiết phải đúng là quỳ. Đứa bé con vị phụ huynh kia rồi cũng sẽ hiểu được điều này khi lớn lên, dù biết đâu đấy, bây giờ, có thể nó đang hả hê vì đã được bố "báo thù"”- anh Ngọc chia sẻ.

MỚI - NÓNG