'Cô giáo quá bất lực khi nhờ trò lớn tát trò bé'

'Cô giáo quá bất lực khi nhờ trò lớn tát trò bé'
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng, việc cô giáo bất lực đến mức nhờ học sinh "trị" học sinh là điều không thể chấp nhận. Sở đã yêu cầu Phòng giáo dục huyện Từ Liêm báo cáo sự việc.

> Cô giáo cho HS lớp 5 đánh HS lớp 2
> Cô giáo bị mời ra công an phường vì đánh học trò
> Một học sinh mầm non bị cô giáo tát sưng mặt
> Cô giáo dọa nhốt bé 3 tuổi vào máy giặt

'Cô giáo quá bất lực khi nhờ trò lớn tát trò bé' ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích. Ảnh: VnExpress.

Bà đánh giá thế nào về tình trạng vừa qua tại Hà Nội liên tiếp xảy ra việc giáo viên có hành vi phản giáo dục đối với học sinh?

Mặc dù cũng đã đi dạy và làm công tác quản lý ở trường 20 năm nhưng tôi không thể tưởng tượng sao giáo viên lại có thể hành xử với trò như vậy. Việc vi phạm thân thể hoặc xúc phạm danh dự học sinh không những đã vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn là điều đáng lên án, không thể chấp nhận được.

Nhiều ý kiến cho rằng, giáo viên, nhất là ở bậc mầm non phải chịu áp lực rất lớn khi chăm sóc, dạy dỗ nhiều trẻ một lúc. Các cô phải làm từ sáng tới tối trong khi thu nhập thấp, điều kiện sống chưa ổn định. Do vậy, áp lực công việc cộng với áp lực gia đình đã khiến giáo viên có những hành động không kìm chế được.

Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, bất luận trong trường hợp nào, khi đã vào lớp là không được phép hành xử phản giáo dục. Nghề giáo đòi hỏi phải có lòng nhân ái, yêu nghề, tình thương trò và sự nhân văn trong cách cư xử.

Nhiều giáo viên có khả năng kìm chế rất tốt, có biện pháp, kinh nghiệm giáo dục học sinh rất tốt nên được mọi người yêu quý. Nhưng vẫn có giáo viên thiếu khả năng, năng lực sư phạm.

Ý kiến cụ thể của bà về hành vi phản giáo dục ở Tiểu học Trưng Vương và Tiểu học Thụy Phương?

Hôm qua, ngay khi biết vụ việc ở trường Thụy Phương, tôi đã yêu cầu Phòng giáo dục Từ Liêm báo cáo sự việc. Nhưng hiện Sở vẫn chưa nhận được báo cáo do trường chưa báo sự việc lên Phòng.

Không hiểu tại sao một giáo viên 27 năm trong ngành lại có việc làm ấu trĩ, phản giáo dục đến vậy. Cô giáo lại bất lực đến mức nhờ học sinh trị học sinh thì còn giáo dục được gì? Giáo dục học sinh giải quyết công việc bằng bạo lực là điều không thể chấp nhận được. Trường học phải là nơi bình yên nhất, an toàn nhất. Cô giáo cũng phải bảo vệ học sinh khi có sự vụ gì.

Còn trường hợp cô giáo tát học sinh ở Tiểu học Trưng Vương, Sở đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Hoàn Kiếm xử lý nghiêm túc để làm gương cho các trường hợp khác.

Theo bà, cách tuyển sinh ở các trường sư phạm hiện nay có những bất hợp lý gì?

Chúng ta chưa quan tâm tới việc tuyển giáo viên vào các trường sư phạm, chưa có cách kiểm tra, lựa chọn đúng đắn. Sư phạm là nghề đặc thù đòi hỏi phải có năng khiếu, khả năng nhất định để sau này làm việc với con người chứ không phải với máy móc.

Có những người tính rất là nóng nảy nhưng vẫn lựa chọn nghề giáo, một nghề yêu cầu phải kìm chế cao nên rất dễ xảy ra việc đáng tiếc. Giá như họ làm việc khác thì có thể vẫn hữu ích cho xã hội.

Cũng từng là nhà giáo và nay chuyển sang làm công tác quản lý, bà có chia sẻ gì với người giáo viên hiện nay?

Giáo viên giờ vất vả hơn trước rất nhiều. Chỉ riêng ở bậc mầm non, các cô phải làm việc từ sáng tới tối nhưng lương lại rất thấp. Với thu nhập 1 triệu một tháng, đời sống giáo viên mầm non thực sự khó khăn. Nghề không đảm bảo cho họ sống một cách ổn định bằng lương nên nhiều giáo viên vẫn phải lo cơm áo gạo tiền. Do vậy, hiện cũng khó có thể đòi hỏi thầy cô phải yêu nghề.

Bây giờ, người làm công việc đơn giản không cần đào tạo như lau dọn nhà cửa cũng có thu nhập chừng 80.000 đồng một ngày. Trong khi, lương giáo viên mầm non thì lại chỉ được chừng 30.000 đồng.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa giáo viên có những hành động vi phạm đạo đức nhà giáo. Nếu còn đứng trong nghề thì phải tuân theo những quy định của ngành, yêu cầu bắt buộc của người giáo viên. Còn nếu không chấp nhận được thì phải tính toán để chuyển sang công việc khác.

Một số ý kiến cho rằng, hiện chúng ta quá nuông chiều con trẻ nên đã khiến giáo viên nhiều khi không kìm được mình. Vậy gia đình có trách nhiệm thế nào trong việc giáo dục con em?

Cơ chế thị trường đã tác động tới rất nhiều gia đình. Do bố mẹ mải làm ăn nên đã phó mặc việc chăm sóc giáo dục con cho người giúp việc hoặc nhà trường. Có những trẻ được nuông chiều quá mức, có người chăm sóc đến tận chân răng kẽ tóc, không tự làm được những việc phục vụ bản thân. Ngay từ bậc mầm non, các cô đã giáo dục trẻ làm những việc vặt, nhưng về nhà trẻ lại không biết làm gì.

Khi học sinh hư, một phần trách nhiệm thuộc về gia đình và xã hội, không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà trường. Do vậy, phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội thì mới tạo được môi trường tốt để giáo dục trẻ.

Theo Tiến Dũng
VnExpress

MỚI - NÓNG