Cô giáo trẻ giữa những tù nhân

Cô giáo trẻ giữa những tù nhân
Nhiều phạm nhân cải tạo tại trại giam Đắk Tân (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) thường gọi thiếu úy Nguyễn Thị Hiền - cán bộ giáo dục - với cái tên gần gũi “cô giáo Hiền”.

25 tuổi, được đào tạo để ra trường làm cô giáo dạy văn nhưng Hiền lại chọn hướng đi cho mình là vào... trại giam. Hằng ngày, “học trò” của cô giáo Hiền là các phạm nhân đang được giam giữ cải tạo. Lớp học của Hiền không có giáo án, không phấn trắng bảng đen mà chỉ có những câu chuyện về tình người.

 Cô giáo Hiền trong giờ lên lớp tại trại giam Đắk Tân - Ảnh: T.B.Dũng (Tuổi Trẻ)
Cô giáo Hiền trong giờ lên lớp tại trại giam Đắk Tân - Ảnh: T.B.Dũng (Tuổi Trẻ) .

Một buổi học trong tù

13h, sau hồi kẻng báo giờ lao động, cô giáo Nguyễn Thị Hiền bận đồ công an nghiêm chỉnh bước vào hội trường để lên lớp. Gần 30 “học trò” là các phạm nhân đã ngồi ngay ngắn ở các hàng ghế.

“Hôm nay các anh chị sẽ được học về luật giam giữ cải tạo và giáo dục công dân” - cô giáo nói rồi bắt đầu buổi học bằng một mẩu chuyện: “Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa cơm chẳng đủ ăn, mẹ thường lấy cơm của mình chia đều cho các con ăn. Mẹ bảo: Mẹ không đói. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ, mẹ trả lại rồi bảo: Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá”.

Cô giáo kể tiếp: “Lên cấp II, để nộp đủ học phí cho cậu bé và anh chị, vừa làm thợ may, mẹ vừa đến hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi dán vào mỗi tối để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ: Con trai, đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ!”...

Giọng cô giáo đều đều kể trong sự chăm chú của những người tù. Rồi giọng cô giáo chợt chùng xuống: “Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đã là một doanh nhân thành đạt, nghe tin mẹ ốm cậu đáp máy bay từ nơi xa về thăm. Nhìn mẹ bị bệnh tật giày vò đến chết đi sống lại, con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ lại bảo: Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu. Rồi mẹ nhắm mắt... Lúc này cậu con trai chợt hiểu ra những lời nói dối của mẹ, nhưng mẹ đã đi rất xa”.

Cô giáo vừa dứt lời, phía dưới hội trường một phạm nhân nam có khuôn mặt rất trẻ bỗng ôm mặt khóc. Phạm nhân này là N.B.G. - 19 tuổi, đang chấp hành án 6 năm tù vì tội đánh người gây thương tích.

Hồi mới vào đây G. bị sốc rất nặng, suốt ngày chỉ biết khóc và không chịu ăn uống. Hoàn cảnh của G. rất đáng thương, bố mất sớm, mẹ đi làm thuê và giờ bà cũng đã già yếu không ai chăm sóc. Bản chất của G. không phải người xấu nhưng chỉ vì xốc nổi nên đã lâm vào cảnh tù tội. Mỗi lần nhắc về gia đình, G. hay tâm sự rất thương mẹ.

“Thưa các anh chị, chúng ta sinh ra ai cũng có mẹ có cha. Không người mẹ nào lại không thương con cái dù đứa con ấy có vấp ngã, phạm sai lầm thế nào. Các anh chị hãy tận dụng những ngày tháng lao động cải tạo tốt để được sớm về với mẹ” - cô giáo Hiền nói.

Buổi học chiều hôm ấy diễn ra trong những câu chuyện kể về tình người, về triết lý cuộc đời, sự vấp ngã và chiến thắng bản thân để đứng dậy. Lớp học chẳng có giáo án, không có bảng đen nhưng phạm nhân vẫn lắng nghe say sưa.

“Cánh cửa tù trong mỗi người”

Cả gia đình Hiền đều theo ngành công an. Chính Hiền cũng được sinh ra từ trong trại giam và qua bàn tay nâng đỡ, chăm sóc của các phạm nhân nữ. Năm 2010, tốt nghiệp sư phạm ngữ văn Trường ĐH Đà Lạt, Hiền được nhận vào tập sự tại một trường văn hóa ở TP Buôn Ma Thuột.

Tháng 7-2010, trong một lần theo bố vào trại giam Đắk Trung (huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk), được trực tiếp trò chuyện với các phạm nhân, Hiền nhận thấy ở những con người này chứa đựng khát khao vươn lên. Vì vậy khi trại giam Đắk Tân tuyển dụng cán bộ giáo dục, Hiền nộp đơn và trúng tuyển.

Hiền nói lúc mới ra trường, cô cứ tưởng tượng một ngày kia mình sẽ là cô giáo đứng trước những học trò mắt đen láy, tròn xoe. Thế mà bây giờ học trò của Hiền chỉ toàn... phạm nhân. Dạy cho một con người mới tập làm người đã khó, dạy cho người đã bị xã hội trừng phạt lại càng khó hơn.

Ngày đầu tiên nhận công tác, Hiền kể chính vẻ bề ngoài “nhí nhảnh” và “trẻ con” của mình đã trở thành “điểm yếu” khi đối diện với phạm nhân nam. “Phạm nhân lúc đầu gặp mình thường “ồ” lên trêu chọc, đùa cợt, có người buông lời nặng nề” - Hiền nói.

Do được học chuyên ngành sư phạm nên cô được giao nhiệm vụ đứng lớp xóa mù và truyền đạt các kỹ năng mềm. Hai công việc quan trọng nhất là cảm hóa để những người lầm lỗi nhận ra sai lầm của mình và trang bị những kỹ năng mềm để phạm nhân khi mãn hạn tù có thể hòa nhập tốt với xã hội.

Những ngày lên lớp, Hiền chọn tiếp xúc bằng cách tạo sự gần gũi, thân thiện để đánh thức lương tâm có sẵn trong mỗi phạm nhân. “Họ là phạm nhân nhưng cũng có những lúc rất yếu đuối, chỉ cần lay động được sự lương thiện trong con người thì họ sẽ trở lại” - Hiền chia sẻ.

Theo Hiền, có một thực tế là nhiều phạm nhân mãn hạn tù khi trở về lại bị người thân, xã hội chối bỏ vì thiếu tin tưởng. Nếu phạm nhân không được trang bị kỹ năng tái hòa nhập tốt thì khi đối diện với những điều này thường rơi vào chán nản, bi quan và tiếp tục dính vào con đường lầm lỗi, cuộc đời sẽ trượt dài - đó chính là “cánh cửa tù” khó mở nhất trong mỗi người.

“Là con người thì ai cũng có lòng lương thiện, chỉ cần đánh thức được lương tâm và hướng người ta đến những điều tốt đẹp thì họ sẽ tu chí và cải tạo tốt” - Hiền nói.

Theo Thái Bá Dũng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.