Có hay không việc chi tiền mới được nhận bằng tốt nghiệp ĐH?

PGS.TS Hà Đức Trụ, phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết: 'Nếu sinh viên nào chưa được cấp bằng, đến gặp tôi để tôi giải đáp'. Ảnh minh họa
PGS.TS Hà Đức Trụ, phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết: 'Nếu sinh viên nào chưa được cấp bằng, đến gặp tôi để tôi giải đáp'. Ảnh minh họa
TPO - Nếu muốn có bằng nhanh, phải chi tiền 3,5 triệu đồng còn không thì cứ việc đợi. Đó là phản ánh của một số sinh viên đã tốt nghiệp hệ liên thông hoặc cao đẳng của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tiền Phong đã tìm hiểu về vấn đề này.

Chậm nhận bằng

Trong vai một người cần lấy bằng, chúng tôi đã liên hệ với một người được giới thiệu là có thể lấy được bằng tốt nghiệp chỉ từ 7-10 ngày. Người này cho biết có mối liên hệ với lãnh đạo của trường nên có thể lấy được bằng nhanh. “Không cần phải chuyển tiền ngay. Chỉ sau 7-10 ngày là có thể lấy bằng. Khi nào lấy bằng, giao tiền” – người này khẳng định.

Sáng 15/6, có mặt tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ghi nhận của Tiền Phong cho thấy có nhiều sinh viên của trường đến lấy bằng. Sinh viên Nguyễn Thị Hiền, khoa Tài chính – Ngân hàng cho biết đã hoàn thành khóa học hệ CĐ năm 2015 nhưng giờ mới lấy được bằng.

Không được may mắn như Hiền, một số sinh viên của khoa Kế toán, hệ CĐ của trường năm 2015 cũng đến lấy bằng nhưng nhà trường trả lời chưa có. “Bọn em tốt nghiệp từ năm 2015, không nợ nần môn nào nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp” – một sinh viên than thở.

Cũng trong tình trạng chưa nhận được bằng, sinh viên, N.N.H, khoa Kế toán, Khóa 9, hệ Liên thông ĐH, trường cho biết đã tốt nghiệp 2015, đã nhận bảng điểm, đã nhận chứng nhận tốt nghiệp nhưng hơn một năm qua vẫn chưa thấy mặt mũi cái bằng tốt nghiệp ĐH như thế nào.

Ai chưa có bằng, đến gặp tôi

Cũng trong sáng 15/6, trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS Hà Đức Trụ, phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, trường đã nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Bộ GD&ĐT về cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên ra trường kịp thời nếu đủ, đúng các điều kiện. Hầu hết sinh viên đủ điều kiện đều được trường cấp bằng kịp thời, thuận lợi.

Theo PGS. TS Hà Đức Trụ, để được cấp bằng, sinh viên phải đáp ứng đủ các điều kiện như hồ sơ đầu vào hoàn chỉnh, không nợ tín chỉ đào tạo, không nợ học phí, không nợ chứng chỉ giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất. Thông tin cá nhân của sinh viên trong hồ sơ, thẻ sinh viên, bảng điểm phải phù hợp, trùng khớp để làm căn cứ in bằng cho sinh viên, vào sổ theo dõi để sinh viên ký nhận bằng.

Tuy nhiên, hiện nay có một số sinh viên  đã học hết chương trình đào tạo, không nợ tín chỉ nhưng chưa được nhận bằng tốt nghiệp đều do nguyên nhân chủ quan từ phía sinh viên chưa hội đủ các điều kiện để được nhận bằng. “Thành phần sinh viên ĐH liên thông bao gồm trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, CĐ, CĐ nghề… Chính vì do thành phần sinh viên ĐH liên thông khá phức tạp, không đồng nhất cũng là một nguyên nhân từ phía sinh viên cho chưa đảm bảo điều kiện nhận bằng” – PGS. Trụ nhận định.

Liên quan đến những trường hợp cụ thể như báo chí đã đưa, PGS. Hà Đức Trụ cho biết, với trường hợp của sinh viên L.T.H học lớp khóa 7 liên thông ngành quản lý kinh doanh, H chưa có trong danh sách tốt nghiệp của trung tâm tin học vì khi nhập học, sinh viên thiếu bằng trung cấp mà chỉ nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp. Sau này đã bổ sung nhưng do bộ phận lưu trữ hồ sơ chưa cập nhật thông tin cho hệ thống quản lý nhà trường tại trung tâm tin học nên bị đánh dấu hồ sơ do vậy chưa có quyết định tốt nghiệp. Nhưng đến nay, sau khi kiểm tra lại đã được cập nhật thông tin. 

Mặt khác, sinh viên này thuộc diện học trái ngành trong cùng khối nhưng chưa đăng ký học chuyển đổi và bổ sung tin học. Mặt khác, chủ nhiệm khoa nơi sinh viên H học cũng cho biết sinh viên này chưa đến trường làm thủ tục xin cấp bằng nên không biết được những thông tin mình còn thiếu.

Về thông tin phải nộp tiền mới được cấp bằng, PGS. Hà Đức Trụ khẳng định không có chuyện đó và trường cũng không bao giờ quy định việc này. “Báo chí có nói đến một người tên N lấy tiền của sinh viên để được cấp bằng, chúng tôi đã tìm hiểu và thấy đó là do một sinh viên nhờ người này lấy giúp. Tuy nhiên, giữa hai người đã có sự thỏa thuận về hoa hồng cho nhau. Cái này là chuyện giữa hai người”- PGS. Trụ cho hay.

Chính vì vậy, PGS. Trụ khẳng định sinh viên bị chậm lấy bằng là do một trong những nguyên nhân trên. Và trường không có bất kỳ một quy định nào sinh viên sẽ phải trả tiền để được cấp bằng.

“Nếu sinh viên nào chưa được cấp bằng, đến gặp tôi để tôi giải đáp” – PGS. Trụ cho hay.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).