Cổ tích của Nguyệt

Cổ tích của Nguyệt
TP - Gần 8 năm liền, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (25 tuổi, ở thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) nằm liệt giường vì căn bệnh thoái hóa xương. Vượt qua bệnh tật Nguyệt, thi đỗ đại học, viết nên cổ tích dù tương lai còn lắm gập ghềnh…
Nụ cười đã trở lại trên gương mặt Nguyệt. Ảnh: Nguyễn Thành
Nụ cười đã trở lại trên gương mặt Nguyệt. Ảnh: Nguyễn Thành .

Đậu đại học sau 8 năm liệt giường

Cái tin Nguyệt đậu vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) với 27,5 điểm nhanh chóng lan đi khắp xã nghèo Quế Xuân 1.

Hoàn cảnh của Nguyệt lâu nay ai cũng biết. Nhà nghèo, đông anh em, Nguyệt lại bị bệnh hiểm nghèo nên bà con chòm xóm ai cũng thương. Vậy mà Nguyệt làm nên kỳ tích, tự học và đậu điểm cao đại học khi tuổi đã 25.

Trước đó, khi chưa bị bệnh, suốt 11 năm liền em là học sinh khá giỏi, xuất sắc đạt giải thi học sinh giỏi Tiếng Anh toàn tỉnh, là niềm tự hào của trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn).

Ngôi nhà xập xệ của gia đình Nguyệt nằm sâu ở con ngõ dẫn vào làng Dưỡng Xuân. Khi chúng tôi đến, Nguyệt chập chững chống nạng men theo mép giường dậy tiếp chuyện.

Ông Hoàng làm chõng tre để theo con đến trường
Ông Hoàng làm chõng tre để theo con đến trường.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (60 tuổi) ba Nguyệt, nghẹn ngào: "Đã 8 năm rồi em nó phải nằm trên giường bệnh. Nhà nghèo, chạy chữa cho con nay càng nghèo hơn. Nó mới tập đi lại, thấy con bước đi được, cả nhà mừng chảy nước mắt".

Giấy báo nhập học của trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng gửi về đã mấy ngày nay. Cầm giấy báo, em bật khóc: "Em đã cố gắng hết mình và cuối cùng đã làm được".

Trong nước mắt, em kể tôi nghe quãng đời nghiệt ngã. Năm học lớp 11, em bắt đầu phát bệnh. Mới đầu bác sĩ chẩn đoán viêm đa khớp dạng thấp.

Năm 2005, vừa qua học kỳ I lớp 12, bệnh tình Nguyệt trở nên trầm trọng. Căn bệnh thoái hóa xương được phát hiện, đi làm bệnh dạ dày và u vú. Cô học trò đáng thương phải bỏ học.

Được đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2005, nhưng giấc mơ bước chân vào giảng đường đành tạm gác lại từ đó đến nay.

Không gục ngã

“Em từng nghĩ đến cái chết vì thấy ba mẹ, anh em khổ quá", Nguyệt tâm sự. Người anh cả đang theo học trung cấp phải bỏ ngang, đi làm thuê kiếm tiền giúp bố mẹ chạy chữa cho em.

Làm ruộng không đủ tiền chữa bệnh cho con, ông Hoàng và vợ lại lặn lội đi khắp vùng làm thuê, cuốc mướn. Ai gọi gì làm nấy, cả hai vợ chồng chắt chiu từng đồng với hi vọng con gái sớm lành bệnh.

Những bước đi với cố gắng phi thường của Nguyệt
Những bước đi với cố gắng phi thường của Nguyệt.

Cuối năm 2011, bệnh tình thuyên giảm, Nguyệt ngồi được và bắt đầu tập đi như trẻ nhỏ. Cắn răng chịu đau từ từng khớp xương, em quyết tâm không để mình thành kẻ tàn phế suốt đời.

Cả mấy tháng ròng, nước mắt xen lẫn nụ cười trong những bước đi chập chững bệnh tật ở tuổi 25. Bước đi được, khát vọng được thực hiện ước mơ trỗi dậy.

Tình cờ một lần xem tivi, biết được câu chuyện về một cô bé tật nguyền đi học đi thi trên lưng cha, lưng bạn, Nguyệt càng được thôi thúc. Em quyết tâm quay lại đèn sách, mặc cho những khớp ngón tay không cho em cầm bút.

Sau dịp tết năm 2012, có mấy trăm ngàn đồng tiền lì xì của mọi người, Nguyệt nhờ bạn bè đi mua sách ôn luyện thi. Biết Nguyệt quyết tâm, hai người bạn thân từ hồi THPT (nay đã là bác sĩ và giáo viên) đến tận nhà động viên và cùng giúp Nguyệt ôn tập lại kiến thức học từ 8 năm trước.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, ba của Nguyệt cho biết để chuẩn bị cho Nguyệt nhập học, ông đã xuống Đà Nẵng thuê phòng trọ cho con. Phòng trọ giá rẻ, không có giường, nên mấy ngày nay, ông kiếm gỗ, tre đóng cho con cái chõng.

Ông Hoàng kể, nhiều hôm Nguyệt ngất lịm bên bàn học, cả nhà hoảng hốt đưa ra trạm xá cấp cứu nhưng hôm sau lại thấy em cúi đầu vào những trang sách, miệt mài học.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, em đăng ký dự thi ngành Sư phạm Tiếng Anh ở ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Hôm đi thi, hai cha con ra Đà Nẵng chỉ với vài trăm ngàn đồng. Dìu con đến phòng thi, ông Hoàng cố giấu nước mắt. Con vào phòng thi, ông thấp thỏm lo âu vì sợ Nguyệt ốm yếu bệnh tật ngất xỉu, không chịu được áp lực.

Kết quả thi công bố, cả nhà vui mừng khôn xiết khi hay tin Nguyệt đạt 27,5 điểm. Một kỳ tích của cô nữ sinh nghèo, mang trong mình đủ thứ bệnh hiểm nghèo làm nhiều người ngỡ ngàng, nể phục.

"Bạn bè đến thăm, chúc mừng em, em vẫn cứ hồi hộp, sợ bạn bè nhầm. Cách đây mấy hôm, nhận được giấy báo nhập học, em mới dám tin là thật", Nguyệt lau nước mắt. Nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt xanh xao.

Chuyện cổ tích của Nguyệt còn dang dở. Tương lai phía trước của em vẫn nhiều gian truân.?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG