Cổ tích ông giáo làng

Cổ tích ông giáo làng
TP - Bại liệt từ bé nên phải nghỉ học từ lớp 7, nhưng người đàn ông ấy vẫn vừa sửa xe đạp để nuôi năm con, vừa miệt mài tự học để đủ trình độ dạy kèm con cái đến khi các con vào đại học và học giỏi.

Ông còn mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo trong làng, với chương trình cấp 3. Ông tên là Đặng Đức Dụng (54 tuổi, ở xóm 7 xã Phúc Đồng - Hương Khê - Hà Tĩnh).   

Cổ tích ông giáo làng ảnh 1
Ông giáo làng đang giảng bài

Nuôi chữ để dạy con 

Sinh năm 1955 tại huyện miền núi Hương Khê trong một gia đình nghèo, năm 1963, khi đang là học sinh lớp 1, chẳng may cậu bé Dụng bị bại liệt toàn thân. Việc học phải bỏ giữa chừng vì cha mẹ chạy vạy thuốc thang và đưa ra điều trị tại Hà Nội.

Hơn 2 năm điều trị, cậu học sinh Đặng Đức Dụng may mắn được cứu sống, nhưng căn bệnh quác ác làm cho chân trái trở thành dị tật, đi lại khập khiễng và phải chịu sự trêu chọc của bạn bè.

Trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện, nhờ tài thổi sáo nên cậu học sinh Đức Dụng luôn được sự ưu ái của các chú bộ đội và thương binh đang điều trị ở đây.

Ông tâm sự “Có hôm lên giảng, chân khập khiễng chẳng may tui bị ngã rồi ngất xỉu. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong vòng tay chăm nom của học sinh là tui mừng và hạnh phúc đến chảy nước mắt. Chúng là niềm tin để tôi đứng dậy!”.

Bản chất hiền lành và hiếu học nên ngoài thời gian điều trị thuốc, cậu học sinh nhỏ con này luôn tìm đến các chú để học viết và làm toán. Xuất viện trong niềm vui của cả nhà, cậu học sinh nhỏ con và khuyết tật đến lớp trên đôi lưng của người cha và vòng tay bạn bè.

Theo học đến năm lớp 7 thì tai họa lại ập xuống, người cha và là trụ cột gia đình mất đi, việc học của cậu học sinh khuyết tật đành phải gác lại.

Năm 1983, chàng trai khuyết tật Đặng Đức Dụng lập gia đình và lần lượt năm đứa con ra đời. Chỉ với hai sào ruộng, cả nhà phải đi làm thuê cuốc mướn nhưng vẫn không đủ ăn. Vì thương vợ, thương con nên ông khập khiễng đôi chân mày mò đi học sửa xe, mở quán bơm cái lốp, vá cái xăm lấy tiền để nuôi con ăn học.

Thế nhưng, ban ngày quần quật từ sáng đến tối mịt sửa xe đạp kiếm tiền, ban đêm ông lại tranh thủ tìm sách vở về nhà học. Bao nhiêu sách vở cũ trong làng ông đều xin và mượn về để đọc và tự học.

Theo năm tháng những kiến thức phổ thông về toán và văn từ lớp 6 đến lớp 12 ông nắm vững vàng. Để rồi lại đem kiến thức đó dạy lại cho bầy con đông đúc của mình. Ông trở thành người thầy của các con sau mỗi giờ chúng đến lớp.

Những bài toán của con ông đều giảng giải kĩ lưỡng, những bài nào hóc búa không giải được, ông lại tự tìm đến nhà thầy giáo để xin chỉ bảo thêm rồi về giảng lại cho con. Nhờ thế mà cả 5 người con ông đều học giỏi.

Người con gái đầu là Đặng Thùy Giang học ngành kế toán (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã ra trường và có việc làm, người con thứ hai là Đặng Thị Hoài Thủy đang là sinh viên năm 2 Đại học Vinh (Nghệ An). Ba con còn lại hiện đang học phổ thông, cả ba đều là học sinh giỏi.

Mở lớp dạy  trẻ nghèo

Cổ tích ông giáo làng ảnh 2

Sau mỗi giờ lên lớp tranh thủ sửa xe để nuôi sống gia đình -Ảnh: Thanh Phúc

Năm 2000 ông quyết định mở lớp để dạy cho trẻ em nghèo trong xóm vào những khi rảnh rỗi.

Căn nhà hai gian lụp xụp gió lùa từ cửa trước tới cửa sau của ông trở thành lớp học của nhiều học sinh  nghèo vùng quê Phúc Đồng, trong đó có nhiều em không có điều kiện đến lớp.

Lớp học ban đầu chỉ là vài ba tấm ván được tháo từ vách nhà vốn đã trống trơn và dột nát, mùa mưa phải căng bạt còn mùa nắng phải che tranh.

Những ngày đầu mở lớp ông chỉ gọi những trẻ nghèo trong xóm đến dạy. Có hôm chỉ có 3-4 đứa trẻ ông cũng tận tình dạy dỗ mà không một đồng lệ phí. Nhưng cũng từ ngày ông mở lớp dạy học thì cũng là khi những lời dị nghị, bàn tán của hàng xóm được đưa ra. Kẻ khen thì ít người chê và mỉa mai thì nhiều.

“Người ta thấy tui bị tật nên khinh thường. Tui hiểu họ nghĩ gì, thế nên tui phải càng quyết tâm tự học để nâng cao kiến thức cho mình và để truyền đạt lại kiến thức cho các em” - Ông Dụng tâm sự.

Nhiều em học sinh nghèo từ chỗ không biết chữ, học kém khi được ông kèm cặp trở thành những học sinh giỏi và khá. Nhiều học sinh ở tận Chợ Nổ, Tân Sơn, Hương Bình cách nhà ông hơn chục cây số vẫn tìm đến học.

“Nhiều hôm xách đồ nghề ra lề đường để sửa xe ngã lên ngã xuống cả chục lần, ê ẩm cả người, nhưng nghĩ đến các con tui lại gượng gạo đứng lên. Đời mình đã cùng cực và khổ hết nước rồi, phải gắng để nuôi con thành người” - Ông Dụng tâm sự.

Khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đổi mới chương trình học và sách giáo khoa, ông cũng kịp thời bồi dưỡng kiến thức của mình.

Ông tự mua sách mới về nghiên cứu, những chỗ nào không hiểu ông lại tìm đến nhà thầy cô trên trường để chỉ bảo.

Nhiều em học sinh vào vụ mùa không thể đến lớp, ông lại là người đứng ra kêu gọi học sinh và các con của mình đến giúp để những em đó được sớm trở lại lớp và theo kịp chương trình.

Những món quà là những cuốn sổ, quyển vở, cây bút mà học sinh tặng ông nhân ngày Nhà giáo 20-11 ông không dùng mà để dành làm quà tặng cho những em giỏi và những em có hoàn cảnh khó khăn đạt kết quả cao trong học tập.

Biết được tấm lòng của “ông giáo làng”, vừa qua Phòng GD- ĐT huyện Hương Khê đã đến thăm, động viên và tặng lớp học của ông 100 tập vở.

Hiện tại, vì sức khỏe nên mỗi tuần “ông giáo làng” chỉ có thể lên lớp 3 buổi cho học sinh lớp 9, 10 và 11. Những hôm trở trời, di chứng bệnh bại liệt lại hành hạ ông bằng những cơn đau quằn quại nhưng nghĩ đến học sinh ông lại ráng đứng lên.

Ngoài những giờ lên lớp,“ ông giáo làng” còn phải làm thêm nghề sửa xe đạp để nuôi con ăn học và chăm sóc cho người vợ đau ốm thường xuyên.

Ông còn là Chủ tịch Hội người khuyết tật xã Phúc Đồng, đứng ra cáng đáng và lo lắng cho những số phận người kém may mắn hơn mình. Những chương trình dự án cho người khuyết tật của huyện như làm tăm tre, làm hương… ông đều đứng ra vận động mọi người cùng tham gia.

“Tui còn may mắn còn đôi tay khỏe, đôi mắt sáng. Nhiều người đã phải mất đi phần cơ thể người chiến trường trở thành tàn phế, di chứng da cam để lại cho con cháu họ. Tui chỉ mong sao làm được nhiều nữa việc có ích cho đời dù đôi chân nhiều khi chẳng cho phép tui đi nữa!”.

MỚI - NÓNG