Còn kẽ hở để lọt giấy báo điểm giả

Còn kẽ hở để lọt giấy báo điểm giả
Nắm chắc khả năng đỗ đến mức Thu không làm giấy báo mang tên ĐHSP Hà Nội 2 vì sợ nếu “đỗ” không thể theo học khối mình không thi, Thu đã làm giả giấy báo điểm của hẳn một trường khác-ĐH Đà Nẵng!

9 thí sinh được phát hiện là sinh viên “rỏm” nhờ giấy báo thi giả; cơ quan công an đặt dấu hỏi với tuyển sinh nguyện vọng 2 và sẽ gửi công văn đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra lại hồ sơ của tất cả các sinh viên đỗ vào đại học bằng nguyện vọng 2. Một câu hỏi lớn được đặt ra: làm thế nào để không còn những sinh viên rởm được sinh ra từ những khe hở của quy trình tuyển sinh hiện nay?

Những đường dây nguy hiểm

Đầu tháng 3/2005 Viện  KSND TP HCM đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ lên Toà án ND TP truy tố 6 vị can của vụ án Đinh Thanh Nhã cùng đồng bọn can tội “làm giả tài liệu của Nhà nước”. Vụ án xảy ra từ tháng 8/2003.  Khởi đầu, Đinh Thanh Nhã, sinh năm 1961, nguyên là giảng viên trường  đại học (ĐH)  Kinh tế TP HCM đã bàn với Ngô Văn Quý và Trần Minh Hoà,  2 trong số 6 bị can hiện nay,  móc nối với 18 thí sinh (TS) thi rớt ĐH chính quy để làm giấy báo điểm giả gửi đến các trường ĐH dân lập hoặc cao đẳng (CĐ) để xin xét tuyển. 

Trong vụ việc, mỗi TS phải nộp  cho Nhã 5-14 triệu đồng. Phi vụ làm ăn còn có cả những khách hàng “nặng ký” hơn.  “Khách sộp” Đặng Công Tráng nhờ Trần Minh Hoà giúp cho 5 TS  và Hoà đã thoả thuận và thống nhất với Tráng giá cho mỗi TS vào ĐH là 30 triệu đồng, vào CĐ là 22 triệu. Hoà nhận 128 triệu của 5 TS do Tráng giới thiệu... Điều đáng buồn là trong 6 bị can thì có tới 2 là giảng viên ĐH là Nhã và Tráng (Tráng sinh năm 1962, nguyên là giảng viên ĐH An ninh ND TP HCM).

Chưa đầy 1 tháng sau đó,đầu tháng 4/2005, tại Hà Nội, cơ quan An ninh Điều tra và An ninh Văn hoá-Tư tưởng đã lại bận rộn với một vụ việc tương tự trong đó có 9  sinh viên (SV) được phát hiện là SV “rỏm” “đỗ” ĐH nhờ giấy báo thi giả. Đường dây làm giấy trúng tuyển giả mang tên Phạm Huy Hồng, chủ mưu (sinh 1964 tại Bắc Ninh, trú quán tại ngõ 191A Đại La, Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). CA đã thu gần 30 con dấu giả cùng một số tài liệu liên quan đến việc làm giả bằng ĐH, hồ sơ trúng tuyển ĐH...

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Công an Hà Nội thông báo sẽ gửi công văn tới Bộ GD-ĐT đề nghị rà soát lại tất cả các SV trúng tuyển ĐH theo NV2.

Điều gì dẫn đến hiện tượng cực kỳ nguy hiểm như trên, gây hoang mang trong dư luận xã hội: trong số những SV được vào ĐH theo nguyện vọng NV2,3 sẽ còn có bao nhiêu SV được mang danh ĐH bằng các giấy báo điểm giả?

Theo quy trình tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT , mỗi TS, ngoài  NV1 tại trường đăng ký thi vào ĐH còn có thể được xét tuyển theo NV2, NV3 và còn có thể cả tới NV4 nếu một số trường không đủ TS vào học. Chỉ có 1 trường trong chuỗi 3-4 trường đó có bài thi của TS, chứng cứ pháp lý duy nhất về khả năng của TS nếu TS đó tự thi mà không nhờ người thi hộ. Còn lại, trường  thứ 2,3, thậm chí 4 tiếp theo không có bài thi mà chỉ hoàn toàn dựa vào kết quả coi thi, chấm thi, báo điểm của trường khác.

Bịt “kẽ hở” thế nào?

Quy trình tuyển sinh này chính là kẽ hở để kẻ xấu tận dụng. Chỉ cần làm được một giấy báo điểm giả là có thể ung dung cho 1 TS vào ngồi ĐH nếu trường sở tại không kiểm soát  chặt chẽ.

Kẽ hở đó lớn đến nỗi đã gây ra một  “thiên hài kịch” có một không hai là một nữ sinh còn học cấp 3 (THPT) đã tự tạo ra được hồ sơ trúng tuyển ĐH bằng ống đựng tăm, nắp rượu vang Thăng Long và bút màu... và  đã qua mặt được cả một ban tuyển sinh của một trường ĐH.

Chuyện là, nữ sinh Đặng Thị Thu (sinh năm 1983, Hiệp Hoà, Bắc Giang) đăng ký dự thi vào ĐHSP Hà Nội 2. Sau khi biết tin thi trượt, Thu  nảy ra sáng kiến làm giả giấy báo điểm giả để đăng ký NV3 vào ĐH Tây Bắc. ít ai ngờ rằng một nữ sinh tỉnh lẻ lại có thể cóp ngay mẫu giấy báo điểm từ cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh” của Bộ GD-ĐT ấn hành, thuê chế bản.

Nắm chắc khả năng đỗ đến mức Thu không làm giấy báo mang tên ĐHSP Hà Nội 2 vì sợ nếu “đỗ” không thể theo học khối mình không thi, Thu đã làm giả giấy báo điểm của hẳn một trường khác-ĐH Đà Nẵng! ống đựng tăm, nắp rượu vang Thăng Long và bút màu...đã giúp cô gái này “đạt” được “mơ ước” có trong tay tờ giấy báo trúng tuyển vào ĐH. vụ việc chỉ được phát hiện khi trường ĐH kiểm tra lại danh sách.

Kẽ hở của quy trình thi tuyển sinh đã quá rõ ràng, tuy nhiên, khi PV báo Tiền Phong đưa ra câu hỏi: ngành GD-ĐT sẽ làm gì trước yêu cầu của cơ quan CA và có kiểm tra cả các SV đỗ ĐH theo NV3,4 hay không; ngành sẽ làm gì để bịt lỗ hổng này khi mùa thi đang đến rất gần... ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi, từ chối trả lời thẳng vào câu hỏi và cho biết sẽ nghiên cứu công văn của Bộ  CA sau.

Tuy nhiên, ông Trần Bá Giao, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho hay, thực chất, việc tuyển sinh có quy trình như sau: các trường ĐH phải kiểm tra chặt chẽ phiếu báo điểm, hồ sơ của TS đỗ vào trường mình bằng NV2 (có trường còn quy định dán ảnh...) đối chiếu số liệu điểm thi của TS truyền trên cả nước; khi TS nhập học, một lần nữa nhà trường phải kiểm tra phiếu báo điểm, danh sách ghi NV vào trường; gửi danh sách của SV trúng tuyển về trường tổ chức thi và nhờ kiểm tra, xác minh, báo cáo... và cuối cùng là báo cáo kết quả lên Bộ.

Ông cho biết, trường ĐH dân lập KTCN TP HCM, nơi ông đang thực hiện một kỳ kiểm tra, khảo sát cũng đã từng phải gửi công văn tới tận 94 trường ĐH để nhờ các trường xác định giúp vì số TS tuyển vào theo các NV sau của trường này đổ đến từ 94 trường ĐH.

Một quan chức của ngành tiết lộ, việc này phức tạp, đòi hỏi mỗi một ĐH phải nỗ lực, có thiện chí, mất nhiều công sức và sự hợp tác của tất cả các trường tổ chức thi vì các trường này bắt buộc phải trả lời bằng văn bản tốn rất nhiều thời gian, vật lực... Tất cả những quy định này là có, tuy nhiên, ngành GD-ĐT đã không ráo riết kiểm tra, không quy định thành “pháp lệnh” và đặc biệt, không bắt buộc các trường ĐH phải báo cáo với Bộ vào thời điểm nào ngay sau quá trình tuyển sinh nên mới nảy sinh chuyện tất yếu như vậy.

Vị cán bộ này  gợi ý, để lấp những lỗ hổng tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cần kiểm tra lại quy trình tuyển sinh, chấn chỉnh và quy định việc xác minh lại danh sách TS có  kết quả theo yêu cầu của các trường tuyển NV 2,3 và báo cáo Bộ vào một thời hạn nhất định ngay sau khi tuyển sinh là phải mang tính pháp lệnh.

Cần có ngay biện pháp để đối mặt với điều đặc biệt hơn của kỳ thi tuyển sinh năm nay  là năm  có thêm nhiều trường ĐH, CĐ, THCN sẽ không tổ chức thi mà xét tuyển bằng kết quả thi tuyển sinh của trường khác... là việc quan trọng hơn bao giờ hết. Mong rằng Bộ GD-ĐT sớm có biện pháp và trả lời trước công luận.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.