Con người quyết định thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT

Con người quyết định thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT
TPO - Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo tỉnh cũng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đều khẳng định con người là yếu tố quyết định sự thành bại của kỳ thi này.

Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho biết: Tỉnh Hưng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh với 29 thành viên.

Ngay sau khi Quy chế, hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được Bộ GD&ĐT ban hành, Sở đã tổ chức tập huấn và hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý thi cho cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách công tác thi và cán bộ phụ trách phần mềm các nhà trường có thí sinh dự thi.

Theo tổng hợp đăng ký, năm 2020, tỉnh Hưng Yên có 12.821 thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó số thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp: 4.311 thí sinh (33.6%); thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học: 8.051 thí sinh (62.8%). Dự kiến toàn tỉnh Hưng Yên sẽ có 28 điểm thi với 550 phòng thi. Lực lượng tham gia trực tiếp các khâu của kỳ thi dự kiến trên 2000 người.

Tại buổi là việc, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hưng Yên cho hay, tỉnh đã vận dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT ngay với kỳ thi vào 10, coi đó như một cuộc tập dượt trước. Trong quá trình làm đặc biệt chú ý tới con người, trong đó những vấn đề liên quan đến khả năng hoàn thành công việc của người được giao nhiệm vụ như chuyên môn, đạo đức, gia đình… đều được tính toán kỹ.

Đánh giá những chuẩn bị của tỉnh Hưng Yên đến thời điểm này là “khá yên tâm”, nhưng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, dù đã có truyền thống tổ chức tốt kỳ thi những năm trước đây, dù đã có những bước chuẩn bị ban đầu khá nhuần nhuyễn song thi cử là không thể chủ quan. “Không chủ quan nhưng cũng không nên quá lo lắng, càng không nên tạo ra áp lực, căng thẳng cho học sinh, giáo viên”, Bộ trưởng nói.

Chia sẻ về điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng nhắc đến việc có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, dù không huy động lực lượng từ đại học tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GDĐT huy động lực lượng hơn 6000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, các địa phương cũng cần quán triệt sâu rộng để tất cả những người tham gia kỳ thi hiểu rõ được trách nhiệm, “đều tay” trong thực hiện nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Trong hàng ngàn người tham gia vào kỳ thi, chỉ 1-2 người còn lơ mơ sẽ ảnh hưởng tới ”, Bộ trưởng nhận định.

 Không để xảy ra sơ suất nhỏ ảnh hưởng tới chất lượng của cả kỳ thi

Sáng 4/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam. Ông Nhạ yêu cầu, địa phương tổ chức một kỳ thi khách quan, nghiêm túc, chuẩn bị các bước thận trọng, không để vì một sơ suất nhỏ mà ảnh hưởng tới chất lượng của cả kỳ thi.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Đinh Thị Lụa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Hà Nam cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỉnh Hà Nam dự kiến có 33 điểm thi, 368 phòng thi với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 8.603 thí sinh. Dự kiến số lãnh đạo điểm thi, thanh tra, thư ký, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi là 1.271 người.

Con người quyết định thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT ảnh 1 Bộ trưởng Nhạ yêu cầu Hà Nam không để xảy ra sơ suất nhỏ ảnh hưởng tới chất lượng của cả kỳ thi.

Tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo thi của tỉnh. Đồng thời, ban hành Chỉ thị về việc chỉ đạo và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, từng địa phương.

Về công tác chỉ đạo dạy học và việc ôn tập cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nam đã chỉ đạo, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của các trường, các trung tâm, theo đó, kế hoạch phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, theo hướng đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 Bộ GDĐT đã công bố. Ngày 22, 23, 24/6, tỉnh Hà Nam đã tổ chức thi khảo sát cho học sinh khối 12 toàn tỉnh.

“Trên cơ sở kết quả tổ chức và triển khai kỳ thi THPT quốc  gia những năm trước, tỉnh Hà Nam sẽ chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra công bằng, khách quan, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi của dư luận nhân dân”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Đinh Thị Lụa khẳng định.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nam cho hay, việc lựa chọn, phân công cán bộ coi thi, chấm thi được tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm, đảm bảo những người được lựa chọn có phẩm chất, năng lực tốt. Đối với việc phân công coi thi, tỉnh Hà Nam sẽ thực hiện không chỉ phân công chéo trường mà còn chéo huyện, đảm bảo người được phân công coi thi tại điểm thi năm nay không lặp lại phân công năm trước.

“Đây là kỳ thi của tỉnh, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo gồm các sở, ngành, đơn vị; ở các huyện, thành phố đã có Ban Chỉ đạo cấp huyện. UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị về việc chỉ đạo và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Truyền thống đã làm tốt kỳ thi nhiều năm qua, cùng với sự lo lắng và trách nhiệm hướng tới một kỳ thi minh bạch của từng phụ huynh, giáo viên, tỉnh Hà Nam khẳng định sẽ tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, từng đơn vị, từng người tham gia vào kỳ thi phải cố gắng thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Tổ chức một kỳ thi khách quan, nghiêm túc chính là tạo niềm tin cho nhân dân, công bằng cho học sinh”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng lưu ý, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh cần có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, để từng người biết rõ chức năng, nhiệm vụ; các đơn vị khi cử người tham gia phải là những người có trách nhiệm, chuyên tâm. Sở GDĐT được giao là đơn vị thường trực cho Ban Chỉ đạo để điều phối, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chứ không phải làm thay các đơn vị khác, vì vậy, Sở GD&ĐT phải làm tốt vai trò cầu nối này thông qua việc xây dựng một kế hoạch tầm soát.

“Sở GDĐT cần xây dựng một kế hoạch tầm soát để phân công trong Ban Chỉ đạo, trong đó có tiến độ thời gian để làm căn cứ thực hiện, đôn đốc và nhắc nhở. Một việc giao cho một người chịu trách nhiệm, tránh giao 2-3 người cùng một việc dẫn tới không ai chịu trách nhiệm. Việc “tầm soát” cũng sẽ giúp dự báo được những vấn đề có thể xảy ra để phòng ngừa trước. Không để xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục”, Bộ trưởng lưu ý.

Từng thành viên Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh, theo Bộ trưởng, cần chủ động có kế hoạch làm việc cụ thể để phân chia thời gian sao cho phù hợp và hiệu quả, bởi đa số các thành viên làm việc kiêm nhiệm. “Đây dù chỉ là kỹ thuật nhưng rất có ý nghĩa trong công tác điều hành của từng thành viên Ban Chỉ đạo”.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Hà Nam tập trung cho công tác hậu cần, trong đó lưu ý bố trí nguồn kinh phí để bảo dưỡng và đầu tư mới hệ thống camera tại các khu vực phòng lưu trữ đề thi, bài thi, phòng chấm thi; hệ thống công nghệ thông tin, máy chủ phục vụ công tác chấm thi… Tránh tình trạng không dồng bộ, trục trặc, ảnh hưởng tới kỳ thi.

Để giáo viên, học sinh, phụ huynh có đầy đủ thông tin về kỳ thi, nhất là những chỉ đạo, hướng dẫn quyết liệt, đồng bộ của Ban Chỉ đạo các cấp, từ đó có niềm tin về một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Nam cần triển khai hiệu quả công tác truyền thông. Trong đó, nhấn mạnh tuyên truyền những nội dung đã làm, đang làm để  nhân dân yên tâm; những nỗ lực trong tổ chức kỳ thi để phụ huynh, học sinh không quá căng thẳng.

“Dù làm tốt đến mấy nhưng chỉ cần sơ sẩy một chút là hỏng, vì thế quá trình chuẩn bị phải được Ban Chỉ đạo các cấp tiến hành thận trọng, từng bước một. Chúng ta không để vì một sơ suất nhỏ mà ảnh hưởng tới chất lượng của cả kỳ thi”, Bộ trưởng nêu rõ.

MỚI - NÓNG