Công bố điểm sàn trước 15/8

Công bố điểm sàn trước 15/8
TPO - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long, Trưởng ban tuyển sinh đại học, cao đẳng 2006 cho biết, cũng như năm trước, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn trước ngày 15/8.

Trong cuộc họp báo nhanh chiều 10/7, Thứ trưởng Bành Tiến Long đã thông báo một số kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2006. Bên cạnh việc tổng kết hai đợt thi vừa qua, Thứ trưởng cũng cho biết, việc xác định điểm chuẩn, điểm sàn phải căn cứ trên kết quả chấm thi và thống kê điểm trên toàn quốc. Tuy nhiên, quá trình xác định điểm chuẩn, điểm sàn cũng không khác năm trước nhiều.

“Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng để đưa ra mức điểm sàn trước thời hạn 15/8”, Thứ trưởng Long cho biết.

Năm 2005, điểm sàn quy định khối A, B của Bộ GD&ĐT là 15 điểm; khối C, D là 14 điểm

Về điểm chuẩn tuyển sinh, Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận định: Điểm cao hay thấp còn phụ thuộc vào kết quả thi và quy mô thí sinh dự thi của từng trường nên chưa thể chắc chắn được.

Thi trắc nghiệm phát sinh phức tạp

Năm nay, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, sau giờ thi trắc nghiệm các môn ngoại ngữ sáng 10/7 đã xuất hiện một số vấn đề phức tạp.

Đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ năm nay gồm tổng cộng 80 câu, chia làm 2 phần. Phần bắt buộc gồm 60 câu (câu 1 đến 60) và phần tự chọn với 20 câu.

Trong phần tự chọn, thí sinh được quyền chọn làm 10 câu (từ câu 61 đến câu 70) hoặc từ câu 71 đến câu 80. Nếu chọn làm từ câu 61 đến câu 70 thì sẽ bỏ trống từ câu 71 đến câu 80. Như vậy, theo đúng quy định, mỗi thí sinh sẽ phải làm 70 câu hỏi trên tổng số 80 câu của đề.

Mặc dù trong đề thi đã ghi rõ như vậy nhưng nhiều thí sinh đã trả lời cả 80 câu hỏi của đề thi trắc nghiệm. Tuy phải thừa nhận đây là lỗi do thí sinh đã không đọc kỹ đề nhưng vô tình nó đã “làm khó” máy chấm.

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, để tránh gây thiệt cho các thí sinh, Bộ sẽ chấp nhận hợp lệ cho các trường hợp làm quá yêu cầu của đề.

“Phần mềm của máy chấm sẽ lấy điểm 10 câu hỏi tự chọn mà thí sinh làm tốt hơn nên thí sinh không nên quá lo lắng”, Tiến sĩ Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết.

Dù đây chỉ là một lỗi phát sinh từ phía thí sinh nhưng rõ ràng, Bộ GD&ĐT đã không dự tính hết tình huống xảy ra. Đối với những thí sinh vô tình làm cả 20 câu sẽ bị lãng phí thời gian vô ích.

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm

Sau đợt thi đại học khối A, Công an thành phố Hà Nội đã triệt phá một đường dây thi hộ bằng điện thoại di động. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Hồng Hải (sinh năm 1967) tạm trú tại Hà Nội.

Trong buổi thi Toán, nhóm của Hải có 3 thí sinh dùng điện thoại di động đọc đề từ phòng thi ra ngoài. 3 thí sinh này thi tại các điểm thi thuộc hội đồng tuyển sinh của các trường Đại học Dân lập Phương Đông, Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Ngân hàng.

Trong đó, đáng chú ý là tại Học viện Ngân hàng, được sự “trợ giúp” của Hải, thí sinh Vũ Việt Đức (số báo danh NHHA 12840, phòng 352) đã mở điện thoại di động suốt 120 phút để lấy bài giải từ ngoài mà giám thị coi thi không biết.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và Sau Đại học khẳng định, những giám thị trên phải bị liên đới trách nhiệm và họ đã không được coi thi ngay sau đó.

“Những trường hợp còn lại ở Đại học Dân lập Phương Đông và Đại học Kinh tế Quốc dân, do công an đang tiếp tục điều tra nên chưa có hình thức kỷ luật cụ thể với cán bộ coi thi”, ông Trần Bá Giao, Phó chánh thanh tra của Bộ GD&ĐT cho biết.

Mặc dù đã phát hiện đường dây gian lận tinh vi bằng điện thoại di động nhưng Ban chỉ đạo tuyển sinh khẳng định, đề thi được bảo mật an toàn tuyệt đối.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, máy chấm bài thi trắc nghiệm sẽ quét cả 80 câu hỏi.

Phần mềm của máy chấm sẽ tự phân biệt đề thi thành 3 nhóm nhỏ: từ câu 1 đến câu 60; từ câu 61 đến câu 70 và từ câu 71 đến câu 80. Vì vậy, trong trường hợp thí sinh làm cả 20 câu tự chọn, việc lựa chọn phần thí sinh có kết quả cao hơn là có thể thực hiện được, chỉ cần thêm vài câu lệnh.

“Chúng tôi đã thử chiều nay và đã thành công, không có gì khó khăn cả. Những thí sinh làm cả 20 câu tự chọn sẽ được chọn 10 câu có kết quả cao hơn và máy sẽ tự loại đi 10 câu còn lại”, ông Nghĩa cho biết.

MỚI - NÓNG