Công bố điểm sớm sẽ hạn chế tiêu cực

Công bố điểm sớm sẽ hạn chế tiêu cực
Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT, Quách Tuấn Ngọc cho rằng, công bố điểm sớm là cách hiệu quả để phụ huynh, thí sinh giám sát việc xét tuyển. Trước đây, do thiếu công khai, nên đã nảy sinh nhiều tiêu cực.

* Tra cứu điểm tuyển sinh tại đây

Nhiều ý kiến cho rằng, việc ráp phách ngay sau khi chấm thi xong để công bố điểm sớm dễ phát sinh tiêu cực. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi xin khẳng định là nếu không ráp phách thì không thể làm điểm tuyển. Quý vị hãy thử đặt địa vị mình là cán bộ tuyển sinh của trường xem: Chấm điểm xong 3 môn, bắt đầu làm điểm tuyển của trường. Vậy phải làm thống kê điểm tổng 3 môn + điểm ưu tiên các loại của thí sinh.

Điều hiển nhiên là phải biết điểm các môn của từng thí sinh mới làm phép cộng được. Nếu không thì làm sao cộng được. Vậy chỉ có cách duy nhất là ráp phách để tổng hợp điểm.

Sự thật là lâu nay, các trường đều lẳng lặng ráp phách vào để làm điểm tuyển. Trong điều kiện như vậy, chỉ có vài người trong ban tuyển sinh (trưởng ban, thư ký, chuyên viên tin học…) biết điểm tổng và hồ sơ này. 

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, khi đã biết điểm thi, người ta sẽ căn cứ vào chỉ tiêu để dự đoán ai đỗ ai trượt. Gia đình những thí sinh có điểm sát mức trúng tuyển sẽ tác động để hạ điểm chuẩn. Ông nghĩ sao?

Chuyện sợ con sếp đỗ do điều chỉnh mức điểm chuẩn có thể xảy ra về lý thuyết. Trước đây, khi không công bố điểm ngay những tiêu cực này vẫn có thế xảy ra. Tuy nhiên nếu công khai điểm thì sao không tính đến đoạn sếp nào cũng sợ mọi người phát hiện ra. Chẳng ai dám hy sinh thể diện, danh dự nghề nghiệp và cá nhân mà làm ẩu đâu.

Thời gian qua, có những ý kiến thiếu tinh thần xây dựng, làm ảnh hưởng đến dư luận xã hội. Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT ngăn không cho các trường công bố, nhưng chính bộ lại công bố kết quả đã ráp phách sau khi các trường nộp đủ dữ liệu.

Tôi cho rằng, nói như thế này là sai sự thật. Làm gì có chuyện Bộ ngăn cản các trường công bố. Dư luận tra cứu điểm trên mạng mấy ngày qua đã chứng minh điều này.

Theo quan điểm của ông thì quy trình công bố điểm hiện nay sẽ giảm được tiêu cực?

Trước đây, thời gian chờ đợi kéo dài ( từ lúc chấm xong đến lúc được Bộ phát lệnh công bố làm điểm chuẩn chung toàn quốc), dễ tạo điều kiện cho người ta phát sinh ý nghĩ xấu như sửa điểm, hạ điểm chuẩn… Thực tế, Bộ đã từng phát hiện và xử lý đuổi việc cán bộ đào tạo của một số trường.

Hiện nay, sau khi ráp phách, những ai có ý định tiêu cực sẽ rất khó làm vì dữ liệu “trót” gửi đi. Bộ biết, mọi người dân, mọi thí sinh biết ở trên mạng... Thời gian dễ phát sinh tiêu cực sẽ giảm xuống chỉ còn 15 phút sau khi Hội đồng ráp phách xong, so với trước đây là cả chục ngày..

Thứ nữa, bao nhiêu thí sinh đang mỏi cổ ngóng chờ kết quả. Thế là trước đây phát sinh dịch vụ xem điểm thuê, hay nhờ vả, chạy chọt. Thí sinh ở vùng xa xôi cũng lo chạy về thành phố xem điểm, sinh ra tốn kém thêm. Nay công khai trên mạng, toàn dân được nhờ, tiêu cực cái gì ở đây nữa?

Hiện nay nhiều thí sinh 24 - 25 điểm đang đứng trước nguy cơ trượt ĐH do nhiều trường công lập không tuyển nguyện vọng (NV2). Tại sao Bộ không dành ưu tiên tỷ lệ % cho NV2, NV3 để các thí sinh được công bằng?

Thực tế là năm 2002, năm tổ chức 3 chung đầu tiên, lúc ban đầu, Bộ cũng định hướng giành tỷ lệ 20% cho NV2 và NV3. Trung tâm CNTT cũng bỏ bao công để mô phỏng hiện tượng này trên máy tính song không ra kết quả. Sau đó, mọi người mới nhận ra là không thể máy móc và cứng nhắc như vậy được. Đến năm 2003 thì bỏ ngay qui định này.

Việc xử lý chọn bao nhiêu % cho NV1 là quyền chủ động của các trường sau khi biết mặt bằng chung toàn quốc là rất thuận lợi. Mỗi trường một hoàn cảnh, làm sao qui định chung một tỉ lệ được. Có trường lấy 100% NV1, có trường chỉ có thể lấy 10% NV1, giành 90% cho NV2.

Năm ngoái, hơn 90 trường hợp sử dụng giấy báo điểm giả đã bị phát hiện. Việc chống gian lận qua CNTT năm nay sẽ như thế nào?

Vài năm gần đây, dữ liệu điểm của thí sinh đã được công khai trên mạng của Bộ GD&ĐT. Trường chỉ cần tra cứu là phát hiện được ngay thí sinh sử dụng giấy báo điểm rởm. Ngoài tra cứu trên mạng, theo quy định, trường có thí sinh trúng tuyển NV2, 3 phải gửi văn bản nhờ trường thí sinh dự xác minh điểm. Nếu làm tốt các khâu hậu kiểm này, các trường hợp gian lận sẽ bị lật tẩy ngay.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ phát cho mỗi trường 1 bộ đĩa dữ liệu để đối chiếu trực tiếp kết quả thí sinh trúng tuyển, không cần tra cứu từng thí sinh như hiện nay. Sau ngày 10/8, khi các trường tập hợp dữ liệu về Bộ, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát các trường hợp nghi vấn.

Năm ngoái, chúng tôi đã phát hiện có thí sinh trùng họ, tên, ngày tháng năm sinh, quê quán nhưng lại dự thi tại 2 trường khác nhau, trong cùng một ngày.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.