Công bố kết quả thi tốt nghiệp: Bộ né dư luận?

Trao đổi sau giờ thi THPT 2012 Ảnh: Hồng Vĩnh
Trao đổi sau giờ thi THPT 2012 Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ngày 19-6, Bộ GD&ĐT đã thông báo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, theo đó tỉ lệ đỗ bình quân trên cả nước là 97,63%. Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Bộ từ chối cung cấp chi tiết tỉ lệ đỗ của từng địa phương.

> Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước đạt 97,63%

Động thái này những người quan tâm không khỏi hồ nghi, phải chăng lãnh đạo Bộ GD&ĐT né sự săm soi của dư luận vào hàng loạt con số 99%?

Trao đổi sau giờ thi THPT 2012 Ảnh: Hồng Vĩnh
Trao đổi sau giờ thi THPT 2012.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Bí mật”

Theo thông báo ngày 19-6 của Bộ GD&ĐT, cả nước có 963.051 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 thì 940.225 em đỗ tốt nghiệp. Số trượt tổng cộng là 23.826 em, bao gồm cả những em không đến dự thi.

Riêng thí sinh dự thi hệ THPT trên cả nước đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp suýt chạm mốc ba số 9: 98,97%.

Như vậy, số trượt chỉ là 8.811 em ở 2.037 hội đồng thi. Nghĩa là bình quân mỗi hội đồng coi thi chỉ trượt khoảng 4 em (kể cả những em không đến thi hoặc không được thi).

Mặc dù Bộ đã ra thông báo về kết quả thi tốt nghiệp năm 2012 nhưng địa phương nào đạt tỉ lệ đỗ cao nhất, và cao đến mức nào cho đến nay vẫn là một bí mật.

Để biết tỉ lệ đỗ của từng địa phương, phóng viên các báo không còn cách nào khác là điện thoại cho từng Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, không phải cuộc điện thoại nào cũng mang lại kết quả.

Có nhiều lý do để các cá nhân liên quan từ chối cung cấp thông tin. Trong số đó thì Nam Định là nơi được dư luận đặc biệt quan tâm nhưng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh này hiện nay vẫn là một bí mật với tất cả các báo, kể cả báo địa phương.

Sở dĩ dư luận quan tâm kết quả thi của Nam Định bởi đây là địa phương luôn có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thuộc diện cao nhất nước, dù trước hay sau hai không.

Riêng kể từ sau hai không, gần như không có địa phương nào soán ngôi nhất về tỉ lệ đỗ cao của tỉnh này.

Đặc biệt, cho đến kỳ thi năm ngoái, Nam Định là địa phương duy nhất suýt chạm vào mốc ba con số 9 với tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 99,89% (hệ THPT).

Năm nay, khi hàng loạt tỉnh công bố tỉ lệ đỗ là 99%, trong đó có nhiều tỉnh đạt hoặc xấp xỉ ba số 9 (99,9%), dư luận không khỏi băn khoăn, Nam Định liệu có còn dẫn đầu cả nước về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp?

Bội thực 99% và 100%

Trao đổi sau giờ thi tốt nghiệp THPT Ảnh: Hồng Vĩnh
Trao đổi sau giờ thi tốt nghiệp THPT Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lần đầu tiên trong lịch sử thi tốt nghiệp THPT, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rơi vào nhóm địa phương có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp hơn bình quân của cả nước. Với hệ THTP, Hà Nội “chỉ” đỗ 98,24%; TP Hồ Chí Minh còn thấp hơn - 98,18%.

Tỉ lệ này khiến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ đứng chung danh sách với các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Thuận - những địa phương có tỉ lệ đỗ trên 98% và dưới 99%.

Nếu như năm ngoái những tỉnh đạt tỉ lệ trên 99% chủ yếu nằm ở khu vực kinh tế - xã hội thuận lợi thì năm nay, “chiếu” này có sự góp mặt của thêm nhiều địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Bắc Giang dù trải qua cơn sốc Đồi Ngô vẫn bám được mức 99% (năm ngoái, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chung của cả hai hệ THPT và GD Thường xuyên tỉnh này là 99,63%).

Một loạt địa phương khác có tỉ lệ đỗ trên 99% đều không phải là những nơi nổi trội về mặt bằng điều kiện giáo dục như: Hoà Bình - 99,87%; Thái Nguyên - 99,62%; Bình Định - 99,6%; Ninh Thuận và Khánh Hòa - đều 99,56%.

Nếu xét trên phạm vi cơ sở giáo dục thì cả nước bội thực con số 100%. Nếu như một vài năm trước, mỗi tỉnh/ thành cũng một vài trường đến mươi trường đỗ 100% thì năm nay, đếm những trường không đạt 100% sẽ cho kết quả nhanh hơn.

Ví dụ điển hình cho trường hợp này có tỉnh Thanh Hóa với 110 đơn vị đỗ 100% (trong đó 83 trường THPT và 27 trung tâm GD Thường xuyên).

Có những tỉnh như Hải Dương có hơn hai chục nghìn thí sinh dự thi nhưng chưa đến 40 em trượt (trong đó có cả những thí sinh bỏ thi).

Đặc biệt, sự nhảy vọt về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở nhiều cơ sở giáo dục khiến dư luận choáng váng.

Chẳng hạn trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Quảng Ngãi vốn nổi tiếng từ năm 2007 bởi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của trường đó là 0%, năm nay trường này tiếp tục được dư luận nhắc đến khi tỉ lệ đỗ là 100%.

Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt nếu phân tích kết quả đỗ của từng trường, từng địa phương.

Trước kỳ thi tốt nghiệp, trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, một cán bộ quản lý Sở GD&ĐT Lai Châu chia sẻ lo lắng của mình về một số đơn vị trong tỉnh, trong đó có trường THPT Ka Lăng -nơi năm ngoái chỉ đỗ 33%. Kỳ thi năm nay, trường THPT Ka Lăng trở thành một trong số 8 trường của tỉnh Lai Châu đạt tỉ lệ đỗ 100%.

Chia sẻ với Tiền Phong, nhiều cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ lo ngại trước sự lạm phát các con số 99%, 100% năm nay.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội bày tỏ: “Dù trường tôi đỗ chỉ 95% nhưng tôi vẫn thấy đó là con số quá cao so với thực chất”.

Còn thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ: “Tôi nhận thấy trong vấn đề này, mỗi người đều có một suy nghĩ riêng nên không bao giờ gặp nhau trong cách giải quyết.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì nói rằng, mục đích của kỳ thi không phải để đánh trượt thí sinh. Trong khi đó dư luận xã hội lại đòi hỏi, mục tiêu của kỳ thi phải đánh giá được chất lượng giáo dục. Do đó cần phải thẳng thắn đối diện với sự thật. Nếu cứ cho nhau ăn bánh vẽ thì sang năm cả nước có đỗ 100% cũng chẳng khiến ai ngạc nhiên”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG