Ông Nguyễn Trí Hiệp - Phó Giám đốc Thường trực Sở GD&ĐT Hà Tĩnh:

Cử giáo viên Toán, Lý, Hoá chấm giờ… Lịch sử

Cử giáo viên Toán, Lý, Hoá chấm giờ… Lịch sử
TP- “Sáng kiến” ấy là của lãnh đạo Trường THPT Kỳ Lâm, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nạn nhân là cô Vũ Thị Anh (Vũ Anh), sinh 1981, quê ở xã Kỳ Thượng (Kỳ Anh), giáo viên hệ cử tuyển và là con liệt sĩ.
Cử giáo viên Toán, Lý, Hoá chấm giờ… Lịch sử ảnh 1
Nỗi buồn của hai mẹ con cô giáo Vũ Anh

Ngày 2/5/2008 Hội đồng khoa học của trường THPT Kỳ Lâm tổ chức chấm hai giờ Sử của cô Vũ Anh.

Bài “Tình hình kinh tế xã hội nửa đầu Thế kỷ XIX” tại lớp 10B và bài “Mác và Ăng ghen - Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học” tại lớp 10H được chấm để chuyển tập sự cho cô Vũ Anh.

Ban giám khảo gồm: ông Trần Thái Toàn - giáo viên Sinh vật, Phó Hiệu trưởng chủ trì; ông Võ Tiến Hùng - giáo viên Vật lý, Phó Hiệu trưởng, ông Trần Anh Dũng - giáo viên Toán, ông Nguyễn Duy Đông - giáo viên Hoá, ông Đoàn Đức Thắng - giáo viên Thể dục, bà Trần Thị Hương Trà - giáo viên Địa Lý cùng một số giáo viên Sử và Văn.

Mỗi thành viên được phát một phiếu đánh giá chia ra 10 ô, mỗi ô cho điểm tối đa là 2. Tổng điểm là 20. Bài dạy nào bị chấm dưới điểm 10 là xếp vào loại  yếu. Tổng điểm chấm cho giờ dạy của cô Vũ Anh chỉ đạt trung bình 7/20, xếp loại yếu.

Dựa vào kết quả này, đầu năm học 2008 - 2009 Hiệu trưởng Hoàng Nhật Vinh cho gọi cô Vũ Anh đến thông báo: Nhà trường cho cô nghỉ một tuần đi liên hệ công tác khác.

Cử giáo viên Toán, Lý, Hoá chấm giờ… Lịch sử ảnh 2
Phó hiệu trưởng Trần Thái Toàn - Giáo viên giỏi môn Sinh vật cấp tỉnh chấm điểm môn lịch sử

Trả lời câu hỏi của PV Tiền phong về việc sử dụng cả những giáo viên không phải chuyên ngành chấm giờ Lịch sử của cô Vũ Anh, ông Hiệu trưởng Hoàng Nhật Vinh khẳng định: “Quá trình đánh giá những giờ dạy Lịch sử của cô Vũ Anh chúng tôi đã làm đúng nguyên tắc.

Tuy nhiều người không phải là giáo viên Lịch sử nhưng đều là các tổ trưởng chuyên môn, trong đó có những giáo viên giỏi tỉnh, đều ở Hội đồng khoa học nên họ có đủ năng lực và quyền hạn thực hiện công việc này”.

“Như tôi đây là một giáo viên Toán, làm Hiệu trưởng, đi dự giờ Lịch sử hoặc Văn và các bộ môn khác chẳng nhẽ không có quyền nhận xét, đánh giá giáo viên đó hay sao? Nếu vậy thì còn đâu là vai trò và quyền hạn của Hiệu trưởng?” - Ông Vinh gay gắt.

Bà Trần Thị Hương Trà - GV Địa lý cũng khẳng định: “Tôi là thành viên Hội đồng khoa học thì tại sao không có quyền chấm giờ Lịch sử ?”.

Xin nói thêm rằng trường THPT Kỳ Lâm được thành lập từ năm học 2000 - 2001 dành cho con em 6 xã Sơn - Lâm - Thượng - Lạc - Tây - Hợp thuộc diện 135 vùng sâu vùng xa của huyện nghèo Kỳ Anh với hơn 30.000 nhân khẩu, dân trí còn thấp.

Suốt 50 năm từ 1955 – 2005, những xã này chỉ có ba người tốt nghiệp đại học, một vào bộ đội hy sinh, hai người dạy học được nửa chừng rồi cũng chuyển công tác khác.

Năm học 2008 - 2009 trường có 60 cán bộ giáo viên, có đến 56 người quê ở xa phải ở nội trú. Từ đó hầu như chưa có học sinh nào ở vùng này thi đậu vào các trường ĐH sư phạm. Nguồn giáo viên tại chỗ thiếu nghiêm trọng và chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được.

Chống lại cả quyết định của Sở GD&ĐT

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga, sinh trú quán tại xã Kỳ Sơn, con thương binh 3/4, là học sinh cũ của trường, nhiều năm tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Anh văn, cũng thuộc diện cử tuyển đã đậu vào khoa tiếng Anh ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội.

Tốt nghiệp, điểm trung bình toàn khoá của chị Nga là 6,87. Ngày 3/9/2008, chị Nga đến THPT Kỳ Lâm trình quyết định bổ nhiệm công tác của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh. Ông Hiệu trưởng xem hồ sơ, hẹn hai ngày sau đến nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, khi chị Nga đến thì bị lãnh đạo trường từ chối, trả về cho Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT Hà Tĩnh sau đó đã phải phân công chị Thanh Nga về trường THPT Vũ Quang cách nhà gần 200 cây số.

Ông Nguyễn Trí Hiệp - Phó Giám đốc Thường trực Sở GD&ĐT Hà Tĩnh:

Người có tư cách và năng lực chuyên môn mới được đánh giá chuyên môn

Xem xét những phiếu đánh giá giờ dạy Lịch sử của cô Vũ Anh do nhiều giáo viên Toán, Lý, Hoá, Sinh, Địa, Thể dục... của Trường THPT Kỳ Lâm chấm, ông Nguyễn Trí Hiệp nhận xét: Đấy là việc làm tùy hứng và sai lầm. Đánh giá chuyên môn phải do những người có tư cách và năng lực chuyên môn thực hiện.

“Qua mấy chục năm làm Hiệu trưởng THPT và nhiều năm là Phó GĐ Sở GD&ĐT, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Sở, tôi chưa một lần dám cầm bút chấm bất cứ một giờ nào ngoài bộ môn Toán được đào tạo. Khi đi dự giờ những môn khác nếu có nhận xét về nội dung thì cũng trên tinh thần phát biểu cảm tưởng chứ không dám chấm liều như thế này”– Ông Hiệp nói.  

MỚI - NÓNG