Cuộc vận động “2 không”: Nói mạnh, làm dè dặt

Cuộc vận động “2 không”: Nói mạnh, làm dè dặt
TP - Sau gần 3 tháng thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, thực tế chưa có nhiều biến chuyển rõ rệt.
Cuộc vận động “2 không”: Nói mạnh, làm dè dặt ảnh 1
Chống tiêu cực trong thi cử là một việc làm khó (thi tốt nghiệp THPT 2005). Ảnh: Quý Hiên

Ngay cả một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, họ chưa biết cần phải chống cái gì.

Nếp cũ

Hà Nội được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhận định “có kết quả dạy học tương đối thực chất”. Cơ sở để có đánh giá này là mối liên quan giữa kết quả 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy nhiên, không thể khẳng định, Hà Nội là nơi không có bệnh thành tích trong các trường phổ thông.

Đầu năm học mới, một số phòng GD&ĐT của Hà Nội đã tổ chức họp với lãnh đạo các trường THCS trong địa bàn để phân tích sự chênh nhau giữa 2 kết quả: tốt nghiệp THCS và thi tuyển sinh lớp 10. Nhưng hoạt động đó chỉ dừng lại ở khâu “nội bộ”.

Dư luận không được cơ quan chức năng cung cấp thông tin nào về việc này. Nhưng qua phản ánh của phụ huynh HS và qua khảo sát của Tiền phong, có hiện tượng đánh giá HS không thực chất ở nhiều trường học. Có lớp học 100% HS đều đạt học lực giỏi nhưng số em đỗ vào lớp 10 THPT theo nguyện vọng 1 đếm được trên đầu ngón tay.

Để thực hiện cuộc vận động, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khuyến cáo: Các trường nên tổ chức thi khảo sát chất lượng đầu năm học để có kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện của đơn vị mình. Nhưng ở Hà Nội không có nhiều trường thực hiện điều này.

Thậm chí, theo phản ánh của phụ huynh, một số nơi còn thực hiện “nếp cũ”: Cho HS làm bài kiểm tra lại để “gỡ điểm”. Vì thế, khi giáo viên vào sổ điểm, điểm số HS lại tiếp tục là những điểm 7, 8, 9, 10 thay cho 4, 5, 6... ở lần kiểm tra trước.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT: Vừa vận động, vừa nghe ngóng

Để bày tỏ sự thống nhất và quyết tâm cao trong ngành, ngày 31/7, ngay trong cuộc phát động “Nói không với thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, lãnh đạo Bộ và 64 Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký bản Cam kết gửi lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, hơn 2 tháng sau - tại một hội nghị về cuộc vận động này - một số Giám đốc Sở GD&ĐT kêu “khó làm”. Thực tế ở nhiều địa phương, một mặt các cấp quản lý GD&ĐT chỉ đạo thực hiện cuộc vận động, một mặt nghe ngóng phản ứng của dư luận trong ngành, dư luận xã hội.

Ông Lương Văn Soòng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang – cho rằng: “Bộ chỉ có kế hoạch triển khai chứ không có nội dung thực hiện nên rất khó cho địa phương. Chống cái gì, chống như thế nào? Điều này ngay cả các nhà quản lý giáo dục cũng chưa nhận thức được thật sự sâu sắc, nói gì đến các giáo viên cũng như các thành phần xã hội khác!”.

Ông Ngô Thành Hưng – Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình - nói: “Có nhiều biểu hiện đã thành “nếp” như HS sử dụng tài liệu khi làm bài thi, giám thị làm lơ khi coi thi...

Nhưng làm sao chúng ta giám sát được tất cả các phòng thi? Trong phòng thi chỉ có 2 giám thị, nếu họ không có ý thức tốt thì chúng ta biết làm thế nào? Do đó, tôi thấy rằng để thực hiện “2 không” là rất khó”.

Một số Giám đốc Sở GD&ĐT còn tỏ ra lo ngại, “làm chặt” kỳ thi tốt nghiệp THPT liệu có mang lại kết quả gây “sốc” đối với các địa phương không?

Nhiều vị Giám đốc Sở GD&ĐT còn cho rằng, hiệu ứng từ cuộc vận động vô tình mang đến cho GD&ĐT một bức tranh mà trong đó có quá nhiều biểu hiện tiêu cực.

 Những vị này cho rằng, bên cạnh “2 không” còn phải thực hiện “một đống xây” khác; bên cạnh những vụ việc tiêu cực, dư luận xã hội cần được biết đến những điển hình, tích cực trong ngành GD&ĐT.

Từ bệnh thành tích này sang bệnh thành tích khác?

Trao đổi với Tiền phong, ông Phạm Văn Tại - Phó Chánh thanh tra, Bộ GD&ĐT - cho biết:

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã lập 3 đoàn kiểm tra tại 7 Sở GD&ĐT về việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong GD&ĐT”.

Các địa phương được kiểm tra là Hà Tây, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh,  Hà Giang, Tuyên Quang. Qua đó cho thấy kết quả chưa được như mong muốn. Bộ GD&ĐT muốn cuộc vận động này đi sâu vào từng đối tượng trong ngành cũng như ngoài ngành để có sự chuyển biến thực sự.

Để đạt được điều này, từng cơ sở phải có những cuộc tọa đàm để tìm được trong đơn vị mình, trong trường mình có những biểu hiện gì tiêu cực liên quan đến thi cử và bệnh thành tích, từ đó đề ra biện pháp khắc phục ngay trong  năm nay.

Nhưng qua kiểm tra, vấn đề này chưa nhận thức thực sự sâu rộng các đối tượng trong nhà trường. Biểu hiện cụ thể: việc xây dựng các bản cam kết để các đối tượng ký còn có tính chất hình thức; nội dung cam kết giữa HS với thầy cô chủ nhiệm, giữa các lớp với nhà trường, giữa phụ huynh và nhà trường... còn chung chung, chưa có những nội dung cụ thể.

Có nhiều nơi, HS các lớp 10 hay 11, 12 đều được phát một tờ cam kết mẫu với nội dung y hệt nhau để ký. Chúng tôi mong muốn, giữa từng lớp, từng đối tượng, từng địa phương phải có những nội dung cam kết cụ thể khác nhau.

Một số địa phương cho rằng, vì Bộ không có nội dung cụ thể nên họ khó làm. Ý kiến của ông về điều  này như thế nào?

Đúng là Bộ chỉ có kế hoạch triển khai mà không có chỉ đạo cụ thể về nội dung. Hơn nữa, biểu hiện tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích ở mỗi nơi, mỗi đơn vị mỗi khác. Thế mới cần các đơn vị tọa đàm và xây dựng nội dung của mình để có mục tiêu mà “chống”.

Nhưng thực tế có những biểu hiện có tính chất chung cho nhiều đơn vị, nhiều nơi?

Có. Chẳng hạn, kiểm tra – thi cử chưa nghiêm túc. Thế nên mới có chuyện HS chưa đủ điều kiện lên lớp cũng cho lên lớp, HS chưa đạt đến trình độ để tốt nghiệp nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp. Khi chúng tôi làm việc với các cơ sở, họ thừa nhận, những con số họ đang có như tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa thực chất.

Hoặc trong các báo cáo, các nội dung như huy động trẻ đến trường, tạo những điều kiện cho trẻ trong vấn đề nuôi dạy... được nêu lên rất hay. 

Đừng cứ tưởng vùng khó khăn mới mắc “bệnh thành tích”. Ngay cả những trường chuyên, trường nhiều học sinh giỏi cũng mắc bệnh thành tích, cũng có tiêu cực trong thi cử. Thậm chí, ngay trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cũng có tiêu cực.

MỚI - NÓNG