Đã đến thời sách giáo khoa không còn là 'thánh chỉ'

Thời gian tới, SGK không còn là “thánh chỉ” đối với GV và học sinh. Ảnh: Nghiêm Huê.
Thời gian tới, SGK không còn là “thánh chỉ” đối với GV và học sinh. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Sách giáo khoa sẽ không còn là “thánh chỉ” đối với mỗi giáo viên. Nó sẽ chỉ như một tài liệu tham khảo để giáo viên mở rộng, cập nhật thông tin vào soạn bài giảng. 

Đó là nhận định của các chuyên gia trong buổi tọa đàm làm sao để có sách Toán tốt cho học sinh được tổ chức Sputnik Education tổ chức vừa qua. 

Theo TS. Chu Cẩm Thơ, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhóm của bà đã tiến hành khảo sát online và đã tiếp cận được 59 giáo viên.  Kết quả cho thấy có 58/59 giáo viên cho rằng SGK  không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy; họ phải cần sự trợ giúp rất nhiều của sách tham khảo. Trong SGK, kỹ năng làm toán gần như không có.  

“Một trong những mục tiêu giáo dục của môn Toán đặt ra là phát triển tư duy cho học sinh, thế nhưng có tới 69% giáo viên trả lời là không đáp ứng được mục tiêu này. Có 49% giáo viên cho biết học sinh của họ không thể hoàn thành hết bài tập trong SGK. Chỉ có 9% trả lời là 75% học sinh của họ hoàn thành được hết bài tập trong SGK” – TS. Chu Cẩm Thơ cho biết thêm. Tuy với khảo sát nhỏ này mức độ tin cậy không cao nhưng nó là một kênh để tham khảo.

GS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Viện Toán Toulouse - Pháp) cũng cho rằng, việc dạy Toán ở trường phổ thông hiện quá chú trọng vào dạy mẹo mực, cách giải các bài toán khó hơn là cách tiếp cận vấn đề một cách thực tế.

“Toán học là phải dạy học sinh cách tiếp cận vấn đề chứ không phải luyện thi. Học chỉ để luyện thi nên ra đề khác đi là học sinh không làm được. Nhưng lại thiếu các kiến thức thực tế” - GS.  Dũng khẳng định. GS. Dũng cũng đưa ra một thực tế ở Việt Nam, đó là sách có hay đến mấy mà không hướng đến luyện thi thì vẫn không được. 

SGK mới sẽ thế nào?

GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Khoa Toán Tin, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng vị thế của SGK mới thay đổi hẳn so với SGK hiện hành. Vai trò của nó sẽ yếu đi rất nhiều. Nó không còn là cơ sở pháp lý duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

Thứ hai là sự phát triển của công nghệ thông tin, trong bối cảnh đó, cả thầy và trò có nhiều cách tìm kiếm tiếp cận thông tin. Vì vậy SGK không còn độc tôn. Như vậy, thời gian tới, theo GS. Đỗ Đức Thái, chương trình (CT) môn học mới là pháp lệnh duy nhất, chỗ dựa duy nhất để vận hành cỗ máy giáo dục. Đó là khung pháp lý để các cơ quan quản lý nhìn vào điều hành. Đồng thời, đó cũng là cam kết của nhà nước với toàn dân về giáo dục của chúng ta. 

Khi đó, SGK chỉ là một trong những kênh thể hiện CT, không phải là duy nhất.  Nhưng CT cũng chỉ quản lý 70-80% thời gian học, còn lại để cho địa phương, cho mỗi nhà trường tự sáng tạo theo kế hoạch dạy học. Tính dân chủ CT phải tăng lên, phản biện xã hội phải được nhiều lên. 

GS.TS Đỗ Đức Thái khẳng định SGK có 5 thành tố: nội dung, dạy và học, cơ cấu và tổ chức một cuốn sách, ngôn ngữ và yếu tố thị giác.  Các chức năng của SGK phải hướng đến mỗi học sinh được hoàn thiện bản thân mình.

“SGK hiện hành được viết trên tinh thần tiếp cận nội dung. SGK mới, tôi hy vọng nó sẽ đóng hai vai: nó giúp học sinh tự học và giúp giáo viên phối hợp với học sinh có thể học, dạy ở trường. Tôi rất mong cách tác giả viết SGK phải thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực. Phải biết được tri thức đó vì sao được sinh ra, và để làm gì”. - GS. Thái chia sẻ. 

Nói riêng về môn Toán, GS. Đỗ Đức Thái cho hay CT SGK toán nên hướng đến toán học cho mọi người. Điều mà chúng ta phải quan tâm chính là học xong rồi có thể làm được gì cho cuộc đời về sau. Có thể hiểu nôm na rằng chúng ta dạy Toán không phải “vị toán học”, mà dạy để người học có “cần câu cơm”. Họ sẽ câu miếng cơm hằng ngày cho họ và gia đình bằng kiến thức. Vậy cách tiếp cận đến nội dung kiếnthức trong môn toán sẽ phải khác đi nhiều.” – GS. Đỗ Đức Thái nói.

Còn NGND Tôn Thân (chủ biên một số cuốn SGK Toán và từng là thầy dạy GS. Ngô Bảo Châu) cũng chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” đối với những người viết SGK. Ông đặc biệt chú ý đến tính “Việt Nam” trong SGK. “Ai cũng nói xác suất thống kê cần thiết, hay.

Nhưng khi viết, chúng tôi định đưa vào chương cuối cùng của đại số lớp 7. Nhưng nếu thế sẽ không giáo viên nào dạy vì lúc đó đã gần kết thúc năm học, không kiểm tra, không thi nên sẽ không học. Tính đi tính lại, chúng tôi phải đưa vào chương giữa.

Rồi một thực tế khác, ai cũng nói toán học phải chính xác. Nhưng nếu cái gì cũng yêu cầu chính xác thì ở Việt Nam, bản thân giáo viên cũng không hiểu để dạy” – NGND Tôn Thân cho hay.

Chính vì vậy, NGND Tôn Thân cho rằng nếu người học nỗ lực sáng tạo thì vẫn có thể biến những cái chưa hoàn hảo thành cái của họ. Các thầy giáo có thể sửa được những lỗi sai của SGK, thay đổi bài chưa được, chưa hay trong đó bằng những bài của họ.

Nhà giáo Tôn Thân lấy ví dụ những người như GS Đỗ Đức Thái, GS Ngô Bảo Châu đều là những người rất thành công dù họ đều học những cuốn SGK chưa hoàn hảo như vậy.

NGND Vũ Hữu Bình cũng cho rằng, điều quan trọng nhất, CT - SGK toán phải phát triển được năng lực toán học của người học. Học toán không chỉ để thu nhận được kiến thức toán mà còn hình thành các kỹ năng và phẩm chất cá nhân để giải quyết những tình huống liên quan đến toán học.

Vì thế, CT - SGK toán không chỉ quan tâm năng lực tính toán mà phải quan tâm các năng lực tư duy, tự luận, giải quyết vấn đề, mô hình hóa toán học, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu... Thông qua các đề toán, chúng ta cho học làm quen với các vấn đề của kinh doanh như lỗ, lãi... cung cấp những thuật ngữ như đấu giá, cổ phiếu, cổ đông... giúp học sinh nâng cao hiểu biết về nền kinh tế xã hội của đất nước và khu vực.

TS. Chu Cẩm Thơ cũng đưa ra 8 yêu cầu của SGK. Trong đó có nội dung tạo ra tiền đề xuất phát để tiếp cận kiến thức mới, củng cố kiến thức mới và phản ánh năng lực của người học. Tuy nhiên, TS Thơ cũng nhấn mạnh không nên đặt quá nhiều trọng trách nặng nề lên SGK.

MỚI - NÓNG