Đại biểu Quốc hội: Sao Hà Nội lại yêu cầu tuyển sinh cùng thời điểm?

Ông Dương Trung Quốc nói: Quản lý không có nghĩa là ngăn cản, cấm đoán, mà phải tạo ra sự bình đẳng để các trường phát huy được tốt hơn khả năng của họ.
Ông Dương Trung Quốc nói: Quản lý không có nghĩa là ngăn cản, cấm đoán, mà phải tạo ra sự bình đẳng để các trường phát huy được tốt hơn khả năng của họ.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, khi hiện tượng này đã được nêu ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm làm rõ, chấn chỉnh.

Sau khi thông tin các trường phổ thông khốn khổ tuyển sinh đã có luồng ý kiến tỏ thái độ không đồng tình với cách quản lý cứng nhắc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Lối quản lý cứng nhắc ấy đang gây ra khó khăn cho các trường phổ thông ngoài công lập khi tuyển sinh, đi ngược với tinh thần Luật Giáo dục 2009, khi ở điều 13 nói rõ:

“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư đặc thù thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện và được ưu đãi đầu tư.

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục; khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục. Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục".

Ngay cả trong Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không hề đặt ra yêu cầu các trường tư thục và công lập đều phải tuyển sinh cùng thời điểm.

Tuy nhiên, là cơ quan quản lý trực tiếp địa phương, không hiểu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội suy nghĩ gì mà lại đặt ra quy định riêng, có tính áp đặt thời điểm tuyển sinh.

Thậm chí, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn ra văn bản số 1646/SGD&ĐT-QLT yêu cầu xử lý nghiêm các trường tuyển sinh trước thời hạn quy định.

Làm như vậy liệu rằng Sở giáo dục Hà Nội có đi ngược “quyền, lợi ích hợp pháp” của nhà đầu tư giáo dục không và có ảnh hưởng gì đến xã hội hóa giáo dục không?

Nhà sử học - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc rất băn khoăn với cách làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Ông Quốc nói: “Tôi nghĩ lối làm việc như vậy đang nằm trong một suy nghĩ chung đã cũ mà chúng ta cần phải khắc phục để tạo ra được thay đổi căn bản, tức là đánh giá đúng mức vai trò của các đơn vị doanh nghiệp tư nhân, cá nhân.

Sự thay đổi ấy là xu thế chung, nhưng nó nhanh hay chậm thì còn phụ thuộc vào những người quản lý ngành ấy điều chỉnh, và rất tiếc là thường thường sự điều chỉnh theo hướng có lợi cho các cơ quan nhà nước (tức là các trường công lập)”.

Theo ông Dương Trung Quốc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên xem lại cách quản lý, điều hành về vấn đề này, bởi vì qua một thời gian dài cho thấy các trường ngoài công lập đã phát huy được vai trò của họ, có những đóng góp tích cực cho nền giáo dục nói chung.

“Đương nhiên là cơ quan nhà nước quản lý thì họ phải thể hiện được vai trò quản lý, nhưng quản lý gì thì cũng phải đúng luật, đúng với tinh thần kiến tạo mà Chính phủ đang nỗ lực xây dựng.

Quản lý không có nghĩa là ngăn cản, cấm đoán, mà phải tạo ra sự bình đẳng để các trường phát huy được tốt hơn khả năng của họ.

Rõ ràng chúng ta cũng đã thấy các trường công lập đã bộc lộ những hạn chế so với trường tư, thí dụ đó là tính năng động, tính sáng tạo... yếu hơn.

Tôi cho rằng khi hiện tượng này đã được nêu ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm vào cuộc để giải quyết, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các trường phát triển, vì nền giáo dục Việt Nam tiên tiến hơn, hội nhập tốt hơn với thế giới”, ông Quốc nêu quan điểm. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho biết bà bất ngờ trước thông tin này và đặt ra câu hỏi: “Lý do tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại yêu cầu trường công lập và tư thục cùng phải tuyển sinh vào một thời điểm?”. Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng cho biết, qua trao đổi bà biết nhiều phụ huynh đã có chủ định chọn trường tư thục cho con ngay từ đầu, vì vậy họ không quan tâm đến việc tuyển sinh ở các trường công lập. Trên thực tế, sự lựa chọn của phụ huynh vào trường công lập và tư thục là khác nhau, chi phí và định hướng cho con cũng khác nhau, vậy thì có cần thiết phải áp đặt tuyển sinh như nhau? Vì sao không để cho các trường tư thục chủ động tuyển sinh và Sở Giáo dục với vai trò là cơ quan chuyên môn thì chỉ kiểm tra công tác đào tạo ở các trường, đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt. Điều quan trọng hơn cả là dù quản lý như thế nào Sở Giáo dục Hà Nội cũng không thể làm sai tinh thần của Luật Giáo dục 2009, không thể làm sai tinh thần kiến tạo mà Chính phủ đang dày công thực hiện và yêu cầu các địa phương cũng phải phát huy tinh thần ấy.

Trước đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Văn Như Cương – Người sáng lập Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói rằng, những gì mà Sở Giáo dục Hà Nội đã làm là thừa thãi, không thực tế.

“Nhà nước kêu gọi xã hội hóa, chúng tôi tự chủ về mọi vấn đề rồi thì tại sao tuyển sinh lại ép chúng tôi phải theo các trường công lập? Đâu có cần thiết phải khai giảng cùng thời điểm với trường công lập?

Chúng tôi hoạt động dựa trên nhu cầu của phụ huynh, học sinh, bây giờ rất nhiều gia đình mong muốn trường khai giảng sớm, sớm đi vào giảng dạy để các con đến trường học tập ổn định, bố mẹ còn phải đi làm.

Bây giờ nghỉ mấy tháng hè rồi cứ áp cái quy định sang tháng 8 mới cho vào ôn luyện, tháng 9 mới khai giảng thì nhiều gia đình không biết gửi con đi đâu.

Tôi cho rằng phải giao quyền tự chủ thực sự cho các trường tư, đừng gây khó khăn gì mà phải tạo điều kiện tốt hơn nữa để các trường như thế phát triển.

Họ hoạt động tốt, cũng có nghĩa là đóng góp tốt cho xã hội, cho nền giáo dục và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, Phó Giáo sư Cương nói.

Theo Theo Giáo dục Việt Nam
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.