Đại học Doshisa (Nhật Bản) sẽ thành lập bộ phận nghiên cứu Việt Nam

Đại học Doshisa (Nhật Bản) sẽ thành lập bộ phận nghiên cứu Việt Nam
Sáng 28/3, ông Toshikazu Kitazawa - Chủ tịch tập đoàn NASIC (Nhật Bản) và ông Hatta Eiji - Hiệu trưởng Đại học Doshisha đã đến thăm Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Đây là bước mở đầu cho mối quan hệ chính thức giữa Doshisha - trường Đại học danh tiếng hàng đầu ở Nhật Bản - với một trường đại học ở Việt Nam.

Miền Đông Nhật Bản được gọi là Kanto. Miền Tây gọi là Kansai. Cố đô Kyoto nằm ở Kansai. Đó là một thành phố yên tĩnh và có rất nhiều trường ĐH. Thành phố này được mệnh danh là xứ sở thích hợp nhất để học tập và nghiên cứu trên đất nước Nhật Bản. 

Doshisha là trường ĐH danh tiếng hàng đầu ở Kansai nói riêng và Nhật Bản  nói chung. Đây là một trong những ĐH tư thục đầu tiên của Nhật Bản xây dựng và phát triển theo mô hình phương Tây. Trường được thành lập năm 1875. Với quy mô đào tạo 25 000 SV ĐH và sau ĐH mỗi năm, trường ĐH Doshisha là một trong số những trường ĐH lớn nhất ở NB.

Nhân dịp ông Hatta Eiji - Hiệu trưởng – sang thăm Việt Nam, phóng viên Tiền phong Online đã phỏng vấn ông Hatta. Ông cho biết:

Chúng tôi có 9 khoa đào tạo ĐH và 11 khoa sau ĐH. Ngoài ra, trong trường còn có ngành đào tạo tiếng Nhật với quy mô tiếp nhận khoảng 90 SV/năm. ĐH Doshisha có mối quan hệ hợp tác – giao lưu với 60 trường ĐH của khoảng 50 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.

Từ trước đến giờ, chúng tôi chưa có bất kỳ một mối liên kết nào với bất kỳ một trường ĐH nào ở Việt Nam mặc dù đó đang là điều mà chúng tôi mong muốn. Số du học sinh nước ngoài ở ĐH Doshisha hiện nay khoảng 300 người. Chúng tôi muốn nâng con số đó lên 1000. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn đưa ngày càng nhiều SV của chúng tôi ra nước ngoài để học tập.

Thưa ông, ở Việt Nam, mỗi trường ĐH đều có thế mạnh ngành nghề đào tạo riêng. Vậy ở Nhật Bản, thế mạnh của trường ĐH Doshisha là ngành gì?

Ở bậc ĐH, chúng tôi có các khoa Thần học, Văn học, Khoa học xã hội, Kinh tế, Thương mại, Chính sách, Văn hoá thông tin, Công nghệ thông tin. Gần đây chúng tôi mở thêm một khoa nữa, đó là Công nghệ Sinh học. Chuyên ngành danh tiếng nhất của chúng tôi là Văn học Anh (bao gồm cả đào tạo ngôn ngữ - PV). Khởi thuỷ trường của chúng tôi chính là trường tiếng Anh Doshisha mà.

Một số ngành xã hội khác như Tâm lý học, Chính sách xã hội... của chúng tôi cũng khá có tiếng. Ngoài ra, các khoa khác như Kinh tế, Thương mại, CNTT... chúng tôi cũng đã đào tạo được những cán bộ có năng lực. Ngay trong Phủ Kyoto thôi thì những người trở thành giám đốc vốn là SV của chúng tôi có số lượng hàng đầu.

Nếu tính theo số lượng các doanh nghiệp có niêm yết tại thị trường chứng khoán Nhật Bản thì những người tốt nghiệp trường chúng tôi nay trở thành giám đốc là đứng thứ 7 trong các trường ĐH ở Nhật Bản. Một tập đoàn khá danh tiếng ở NB mà tôi thấy có vẻ quen thuộc với các bạn là tập đoàn Sanyo thì ông Chủ tịch HĐQT cũng vốn là SV của trường chúng tôi.

Trong số 300 du học sinh nước ngoài đang học tập và nghiên cứu ở Doshisha thì có nhiều SV VN không, thưa ông?

Rất tiếc là không nhiều, chỉ có vài người. Chủ yếu là họ học sau ĐH về Kinh tế. Chúng tôi có chủ trương phát triển du học sinh các nước châu Á, trong đó có VN. Tôi rất mong muốn ký kết được văn bản hợp tác với một trường ĐH nào đó ở VN. Có như thế thì việc SV VN mới thuận lợi hơn nếu muốn theo học tại trường chúng tôi.

Đại học Doshisa (Nhật Bản) sẽ thành lập bộ phận nghiên cứu Việt Nam ảnh 1

Ông Hatta (thứ nhất bên trái) được các giáo viên ĐH Ngoại ngữ HN đưa đi thăm một số lớp học của trường

Vậy trong chuyến sang VN lần này, ông đã có những ý tưởng gì về sự hợp tác đó?

Khi sang VN thì trường ĐH đầu tiên của VN tôi nghĩ đến là ĐH Ngoại ngữ HN. Khoảng 3 năm trước đây, ông Nguyễn Xuân Vang - Hiệu trưởng – đã đến thăm trường chúng tôi. Như vậy, ít nhiều ông ấy cũng đã hiểu chúng tôi. Ngay sau đó tôi đã có dự định sang thăm ĐH Ngoại ngữ nhưng vì nhiều lý do khách quan mà đến nay chúng tôi mới thực hiện được.

Bây giờ tôi có thể phác thảo một chút kế hoạch trước mắt: Sẽ có sự trao đổi giữa 2 trường với nhau khoảng 1 – 2 SV hoặc GV. Sau đó, sẽ có khoảng 20 SV Nhật Bản sang Hà Nội học một khoá ngắn hạn về ngôn ngữ khoảng 1 – 1 tháng rưỡi. Tiếp theo chúng tôi sẽ mở một Trung tâm nghiên cứu châu Á, trong Trung tâm này sẽ có bộ phận nghiên cứu về VN. Lúc đó chúng tôi hy vọng sẽ mời các GV và SV VN sang trường chúng tôi học tập và nghiên cứu.

Qua buổi làm việc ở trường ĐH Ngoại ngữ HN, ông nhận xét thế nào về SV VN? Ông có sẽ giúp đỡ họ những gì để họ được học tại trường ông không?

Sáng nay (28/3), sau buổi làm việc với ông Hiệu trưởng, tôi đã đi thăm một số lớp học và thư viện của trường. Qua đó, tôi nhận thấy SV VN rất quan tâm tới Nhật Bản, mong muốn học tiếng Nhật Bản, nghiên cứu văn hoá Nhật Bản và sử dụng kiến thức đã học được để sau này làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi rất khuyến khích tinh thần đó.

Chúng tôi muốn nhắn nhủ với các em rằng, về phía trường chúng tôi, chúng tôi có một chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho SV. Sự hỗ trợ có thể không nhiều lắm nhưng cũng có thể giúp cho việc học tập và sinh hoạt của SV VN ở NB sẽ không còn nhiều khó khăn lắm nữa.

Ngoài ra, hiện nay chúng tôi đang xây dựng một KTX dành riêng cho nữ ở phía Đông TP Kyoto. Gọi là KTX dành riêng cho nữ, nhưng trong đó có khoảng 60% chỗ dành cho nữ SV Nhật Bản, 40% còn lại sẽ dành cho SV quốc tế. Khoảng tháng 1 – 2/ 2006 khu KTX sẽ hoàn thành. Lúc đó SV nước ngoài học tập ở trường chúng tôi có thể yên tâm được sống trong một môi trường tốt.

Xin cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.