Đại học Huế: Sai đề thi cao học môn lịch sử

Đại học Huế: Sai đề thi cao học môn lịch sử
Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, cả hai đề thi cao học môn lịch sử Việt Nam trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2006 của Đại học Huế đều phạm phải những sai sót cơ bản.
Đại học Huế: Sai đề thi cao học môn lịch sử ảnh 1

Đáp án nửa viết tay, nửa đánh máy. Ảnh: Lao Động

Kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2006 của Đại học Huế, đề thi môn lịch sử Việt Nam do PGS - TS Bùi Thị Tân (khoa Sử, Đại học Khoa học Huế) ra có nội dung như sau:

Câu 1: Anh (chị) hãy trình bày những thành tựu của phong trào Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh giai cấp và chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc vào cuối thế kỷ XVIII.

Câu 2: Anh (chị) hãy trình bày về những chuẩn bị của Đảng cộng sản Đông Dương cho cuộc cách mạng tháng 8/1945. 

Đáp án nửa viết tay, nửa đánh máy.

Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, cả hai đề thi nói trên đều phạm phải những sai sót cơ bản từ nội dung đến hình thức.

Về câu chữ, câu 1 đã phạm phải một lỗi rất nghiêm trọng khi dùng từ "thành tựu". Một khi sự đấu tranh đã đến độ một mất một còn thì không thể gọi là "thành tựu" (nghe như thơ) mà phải gọi đúng tên là "kết quả", hoặc là "hậu quả".

Câu 2 yêu cầu "trình bày về những chuẩn bị của Đảng cộng sản Đông Dương..." là một câu thiếu bổ ngữ về nội dung ở sau từ "chuẩn bị" để cho biết cụ thể là chuẩn bị gì?

Về đáp án: Đây là một đáp án thuộc loại xưa nay hiếm về sự... cẩu thả khi cùng một đáp án, nhưng câu 1 viết tay, câu 2 lại... đánh máy!

Cả một đáp án của câu 1 dài 2 trang, đề cập đến kết quả của phong trào đấu tranh giai cấp thời Tây Sơn, nhưng tuyệt nhiên không có một số liệu cụ thể nào về thương vong, quân số... để chứng minh. Đấy là đáp án của đề thi tập làm văn chứ không phải đáp án của một đề thi sử ở bậc cao học!

Về câu 2, trong tác phẩm "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới" (NXB Sự thật - Hà Nội 1970), đồng chí Lê Duẩn đã viết: "Nếu không có cao trào cách mạng 1930 -1931 với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh; cuộc vận động dân chủ 1936 - 1939, cao trào cách mạng 1939-1945 thì không thể có thành công của Cách mạng Tháng Tám".

Thế nhưng, đáp án câu 2 chỉ đề cập đến cao trào cách mạng 1939 - 1945, và bỏ qua các giai đoạn trước! Trong khi đó về mặt thực tiễn cũng như lý luận, khi đề cập đến những sự chuẩn bị của Đảng cho Cách mạng Tháng Tám, nhất thiết phải lấy mốc từ khi Đảng ra đời, thậm chí là từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Và tất nhiên, thí sinh sẽ bị điểm thấp nếu không làm như đáp án mà làm theo sách của... đồng chí Lê Duẩn!

Không những yêu cầu quá đơn giản như cấp phổ thông đối với một thí sinh cao học (anh chị hãy trình bày...), đề thi cao học môn lịch sử Việt Nam của Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh năm 2006 đã bộc lộ sự thiếu nghiêm túc và quá nhiều sai phạm.

Người ra đề là tiến sĩ về lịch sử Việt Nam cổ đại, nhưng lại "bàn" về lịch sử Việt Nam hiện đại; nguyên tắc chấm thi phải có 3 người (để 1 còn làm trọng tài khi tranh cãi), nhưng trong trường hợp này chỉ có 2, trong đó người ra đề cũng là người chấm...

Đây là điều không thể chấp nhận được đối với một đơn vị đào tạo có uy tín như Đại học Huế!

Theo Hoàng Văn Minh
Báo Lao Động

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).