Đại học "sơ cua"

Đại học "sơ cua"
Nộp đơn dự thi hàng loạt trường từ đại học, cao đẳng, đến trung cấp, cố gắng đậu ít nhất một trường, để khi đã được gọi là sinh viên, lại cặm cụi... luyện thi đại học - đó là chuyện ngày càng phổ biến trong giới sinh viên.

Đây chính là việc thường ngày của những sinh viên (SV) có tâm lý đang theo đuổi đại học "sơ cua". Đó là những trường đại học chỉ để dự phòng, nếu thi nhiều lần vào trường mà họ yêu thích vẫn không đậu thì vẫn có nơi để quay về làm... SV.

Trường, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu học ngành mình không thích thì chán lắm! Nhưng suốt một năm trời chỉ đi luyện thi thì sợ người khác cho rằng mình... học dốt. Vì vậy phải đi học cho hàng xóm biết là mình... cũng đậu như ai".

Vì sĩ diện mà suốt một năm trời Trường phải gánh chịu cảnh "một cổ hai tròng". Trường vừa phải lo bài vở trên lớp, vừa phải lo bài vở luyện thi. Kết quả của mùa thi năm tới sẽ ra sao thì chưa biết trước, nhưng việc học lại, thi lại ở lớp thì Trường đang thuộc "top ten".

Nam, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP Hồ Chí Minh dạo gần đây cũng đột ngột "mất tích". Nam chỉ tranh thủ đến trường vào những tiết học có điểm danh, thời gian còn lại Nam cặm cụi ôn luyện tại trung tâm luyện thi.

Nhiều người khuyên: "Hay là bảo lưu kết quả đi", Nam liền phản đối: "Lỡ không đậu thì bỗng nhiên phí một năm. Kệ, cuối kỳ mượn vở các bạn photo, chịu khó một chút chắc cũng... qua".

Không chỉ vậy, việc theo học các trường để "sơ cua" của một số bạn còn là một chiến lược. Đức, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh cho biết, những môn học đại cương thì trường nào cũng giống nhau; nhưng việc chấm điểm cao, thấp thì chắc chắn khác biệt!

"Theo mình thăm dò thì cùng bài làm như vậy, trường này chấm 8 điểm nhưng trường kia chỉ điểm 5. Vì vậy nếu tranh thủ lấy điểm cao được môn nào tốt môn đó, sau này chuyển điểm qua, sẽ rất lợi!", Đức bật mí.

Hậu... sơ cua

Dầu có nhiều cách tính toán, dự phòng hơn thiệt khác nhau, nhưng thực tế thì hầu hết những SV với tâm lý học "sơ cua" này, nếu chẳng may không đậu trường đại học như ý, đều phải chịu kết quả chung là cố gắng học lại, thi lại rất nhiều môn tại trường đang "sơ cua".

Cũng có không ít trường hợp, nhiều SV cứ ám ảnh chuyện... "sơ cua" hết năm này sang năm khác, để thi lại và học lại suốt và rồi cuối cùng tấm bằng "sơ cua" ấy lại trở thành bằng chính thức, trong khi thời gian học nhiều hơn gần gấp rưỡi SV khác.

Với những trường hợp thi lại và trúng tuyển vào trường mà mình yêu thích, thì việc theo học cả năm trời tại trường đại học "sơ cua" trở thành một kinh nghiệm tốt cho những năm học đại học tiếp theo.

"Vì mình đã được tiếp xúc với môi trường đại học, nên việc thích ứng sẽ dễ dàng hơn các bạn cùng lớp. Chưa kể đã quen với cách học đại học nên chẳng có gì phải bỡ ngỡ. Tóm lại, khởi điểm của mình hiển nhiên là tốt hơn mọi người cùng lớp. Điều còn lại là sự phấn đấu tiếp theo của mình...", Thanh Xuân, SV trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM tâm sự.

Hầu hết SV khi đậu trường đại học mình yêu thích đều toàn tâm toàn sức cho trường mới. Nhưng cũng có vài trường hợp cá biệt, "lén" học song song cả hai trường dù không đủ điều kiện quy định.

Việt Khôi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Quy định là quy định nhưng đâu phải trường nào cũng quản lý chặt chẽ. Mình cứ tranh thủ học được thêm trường khác thì tốt chứ sao. Cực nhất là lúc vừa ôn thi tốt nghiệp trường này, lại vừa học ở trường kia. Mà đặc biệt là những môn mà hai trường tình cờ trùng ngày giờ thi với nhau. Thế là phải... tự nguyện bỏ thi, chấp nhận thi lại ở một trường".

Theo Bảo Thủy
Thanh Niên

MỚI - NÓNG