Đại học Tôn Đức Thắng 'tố' cơ quan chủ quản, Tổng liên đoàn lao động nói gì?

Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Trường ĐH Tôn Đức Thắng
TP - Vừa qua, một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng gửi đơn lên các cơ quan trung ương phản đối đơn vị chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) về một số chính sách, trong đó có việc trường bị yêu cầu phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Ngày 10/6, Tổng LĐLĐVN đã có buổi trao đổi cụ thể với báo chí về vấn đề này. 

Theo nhiều giảng viên, yêu cầu trên là không hợp lý và chưa có một cơ quan chủ quản nào lại yêu cầu trường đại học làm việc này.  Tại buổi gặp gỡ báo chí, Tổng LĐLĐVN khẳng định chưa bao giờ có văn bản “đòi tiền” của  trường.  Trong thực tế có những văn bản liên quan đến việc này. Đó là văn bản năm 2017, đoàn kiểm tra  của Tổng LĐLĐVN có kiến nghị trường phải thực hiện nghĩa vụ như các đơn vị sự nghiệp khác trực thuộc Liên đoàn, có nghĩa vụ nộp tiền về Tổng LĐLĐVN.

Trường có phản ứng việc này,  nhưng văn bản của đoàn kiểm tra tiếp tục kiến nghị phải nộp. Sau này các ban của Tổng liên đoàn có nêu lại việc này nhưng Tổng LĐLĐVN nhận thấy : Ngoài  quy định đơn vị sự nghiệp công lập, trường còn thực hiện theo Quyết định 158 của Chính phủ, là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ nên trường không phải nộp kinh phí về Tổng LĐLĐVN. Do vậy, Tổng LĐ đã quyết định không thu khoản này của trường như các đơn vị khác. Đến nay Tổng LĐLĐVN không hề có công văn nào yêu cầu trường phải nộp tiền.

Nhưng có lẽ, phản ứng của trường ĐH Tôn Đức Thắng xuất phát từ văn bản số 655 của Tổng LĐLĐVN về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019). Trong đó có nội dung liên quan đến Đề án nhân sự nhiệm kỳ mới, bao gồm cả nhân sự Hội đồng trường và Nhân sự Ban giám hiệu. Theo thông tin từ Tổng LĐLĐVN, nhiệm kỳ hiệu trưởng và nhiệm kỳ hội đồng trường của Trường ĐH Tôn Đức Thắng hết hạn vào ngày 20/7/2019.

Tổng LĐLĐVN cũng lưu ý, thời gian giữ chức vụ của Chủ tịch Hội đồng trường và thời gian giữ chức vụ của Hiệu trưởng tối đa không quá 2 nhiệm kỳ. TS. Lê Vinh Danh, hiệu trưởng nhà trường đã giữ chức vụ này đến ngày 20/7/2019 là hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã phản đối vì cho rằng trong Luật giáo dục ĐH mới không quy định điều này, Tổng LĐLĐVN đang vận dụng quy định của Luật hiện hành. Trong khi đó, Tổng LĐLĐVN khẳng định, khi nào Luật hết hiệu lực, thay thế bằng Luật mới thì lúc đó mới hết giá trị pháp lý. 

Tại buổi gặp gỡ báo chí, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cũng cho biết, trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiều lần không tuân thủ quy định của cơ quan chủ quản. Ví dụ như để thực hiện kiểm toán trường hay kiểm tra trường, LĐLĐVN cũng phải năm lần bảy lượt ra văn bản trường mới chịu chấp hành. Không những thế, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng trường có quyền trong việc quyết định nhân sự của trường.

Tuy nhiên, ngày 24/5/2019, khi chủ tịch Hội đồng trường đang đi công tác nước ngoài, hiệu trưởng nhà trường đã triệu tập một cuộc họp bất thường về hội đồng thành viên trường mà không xin ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trường. Trong quy chế có  cho phép hiệu trưởng được triệu tập cuộc họp nhưng  điều lệ các trường ĐH ban hành kèm theo Quyết định 70 của Thủ tướng năm 2014, quy định chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới là chủ tọa các phiên họp.
 
Đề nghị xác minh chức danh giáo sư của ông Lê Vinh Danh

Giải thích về việc Tổng LĐLĐVN có văn bản gửi Bộ GD&ĐT đề nghị làm sáng tỏ một số vấn đề, lãnh đạo Tổng LĐLĐVN cho biết nội dung hỏi liên quan đến hai vấn đề. Thứ nhất Tổng LĐLĐVN nhận được phản ánh về chức danh giáo sư của ông Lê Vinh Danh. 

Do đó, đơn vị này có văn bản đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét tính hợp pháp của việc ban hành các chức vụ chuyên môn giáo sư của ĐH Tôn Đức Thắng, đồng thời thẩm định, xác minh và cho ý kiến về việc ông Lê Vinh Danh được phong giáo sư tại Preston University có hợp pháp và có được công nhận tại Việt Nam, cùng quy trình bổ nhiệm giáo sư của ông Danh tại Việt Nam.  

Tổng LĐLĐVN cũng khẳng định, chính cơ quan này đã đề xuất  Bộ GD&ĐT bổ nhiệm ông Danh vào vị trí Hiệu trưởng nhà trường với chức danh Giáo sư. Nhưng do nhận được phản ánh nên cần Bộ GD&ĐT xác minh. Vì hiện nay, ông Lê Vinh Danh chưa được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận là Giáo sư. 

Trong khi đó, phía Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định, việc công nhận chức danh GS cho ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng nhà trường - đã được Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT thực hiện đúng quy trình và thủ tục theo quy định hiện hành.

Dư luận cho rằng, phản ứng của trường ĐH Tôn Đức Thắng xuất phát từ văn bản số 655 của Tổng LĐLĐVN về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019). Trong đó có nội dung liên quan đến Đề án nhân sự nhiệm kỳ mới, bao gồm cả nhân sự Hội đồng trường và Nhân sự Ban giám hiệu.

MỚI - NÓNG