Đại học Việt Nam: Vẫn là... "ốc đảo"

Đại học Việt Nam: Vẫn là... "ốc đảo"
Ngày 29/7 - ngày làm việc thứ hai của Hội thảo "Tiếp tục đổi mới KT-XH để phát triển", với sự tham dự của hơn 70 trí thức Việt kiều tập trung bàn về vấn đề giáo dục.
Đại học Việt Nam: Vẫn là... "ốc đảo" ảnh 1

200.000 - 300.000 sinh viên ra trường hằng năm là con số quá lớn

Đây là vấn đề nóng thu hút được nhiều ý kiến đóng góp. Mặc dù mỗi đại biểu chỉ được phát biểu trong vòng 2 phút, thế nhưng thời gian vẫn không đủ cho những ý kiến đóng góp...

GS Hoàng Tụy - nguyên Viện trưởng Viện Toán học VN - nhận xét: "Nhà nước đã liên tục tăng đầu tư cho giáo dục, khoa học kể cả ngân sách quốc gia và các nguồn vốn vay, vốn viện trợ quốc tế.

Xã hội hoá giáo dục cũng đã thu hút được nhiều thành phần tham gia. Nhưng các cuộc thi cử đủ loại ở các cấp đã phung phí hàng chục tỉ đồng mỗi năm; sách giáo khoa in đi in lại thường xuyên; hội thảo; chi tiêu cho dạy thêm, học thêm, luyện thi...

Tất cả những điều đó không chỉ lãng phí sức người, sức của mà còn phát sinh tham nhũng, gian dối".

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Kim Ánh - chuyên gia giáo dục thiếu nhi, Chủ tịch Pacific Links Foundation - đặt vấn đề bất hợp lý về kiến thức giữa các bậc học.

Theo bà thì nhiều học sinh trung học khi du học tại Australia nắm bắt kiến thức rất nhanh, thậm chí còn vượt trội so với các học sinh nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến... Thế nhưng đến đại học thì kiến thức thực hành của sinh viên VN lại yếu hẳn.

Nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến cho rằng, hệ thống giáo dục tại VN vẫn còn quá nhiều vấn đề.

Theo TS kinh tế Vũ Quang Việt - chuyên gia cao cấp thống kê kinh tế, Mỹ: "Các trường ĐH Việt Nam vẫn là một "ốc đảo" chưa có sự giao lưu trong nhiều lĩnh vực.

Tại Mỹ, các trường công được nhà nước đầu tư chiếm 88%, còn lại là các trường tư (phần lớn là các tổ chức phi vụ lợi). Riêng ở California chi 40% ngân sách cho giáo dục. Một giáo sư phụ trách 7 sinh viên và dạy 6 giờ/tuần".

Ngoài ra, nhiều vấn đề đã được đặt ra tại buổi thảo luận như số sinh viên ra trường hằng năm khoảng 200.000 - 300.000 người là con số quá lớn, vì thế tạo việc làm cho số sinh viên tốt nghiệp là điều không dễ, nếu không khéo tỉ lệ thất nghiệp sẽ rất lớn.

Nhà nước cần phải có chính sách và biện pháp phân luồng, khuyến khích học sinh vào trung học đào tạo nghề và khi ra trường theo học các trường cao đẳng dạy nghề...

Trước những ý kiến đóng góp, TS Nguyễn Thị Hiền - Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - khẳng định: "Nhà nước vẫn luôn lắng nghe ý kiến đóng góp từ các nhà trí thức xa xứ, vì chính họ là người đã được đào tạo trong môi trường giáo dục tiên tiến, ý kiến của họ rất có ý nghĩa trong việc góp phần xây dựng nền giáo dục VN".

MỚI - NÓNG