Dân chạy chỗ học cho con, doanh nghiệp chán việc xây trường

Dân chạy chỗ học cho con, doanh nghiệp chán việc xây trường
TP - Tìm nơi cho con vào lớp 1 bán trú ở TP Cần Thơ lại đang rất căng thẳng, khi nhu cầu mỗi năm một tăng nhưng điều kiện đảm bảo lại giảm.

> Hai mươi năm xây trường vì trẻ em nghèo
> 14 khu đô thị mới phải bàn giao đất xây trường

Anh Quách Văn Thiêm ở Đại lộ Nguyễn Văn Linh, thuộc khu vực 6, phường An Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ) kể: Theo phân tuyến, con của anh phải học lớp 1 ở Trường tiểu học Lê Lợi không có bán trú. Trong khi đó, Trường tiểu học Kim Đồng có lớp bán trú, nên anh Thiêm phải “chạy” tạm trú hộ khẩu, kèm theo các mối quan hệ khác, để có chỗ học bán trú cho con.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Trưởng khu vực 6 cho biết, không kể diện tạm trú, chỉ tính số hộ có đăng ký mua điện đã 2.400 hộ. “Nhu cầu học bán trú của con em trong khu vực rất lớn, vì đa số con cái của cán bộ và công nhân, nhưng trong khu vực chưa có trường học bán trú nên đều phải chạy”, ông Nghĩa nói.

Chị Nguyễn Thị Hảo ở phường An Khánh, công tác trong ngành y tế, chồng làm ở Hội Nhà báo Cần Thơ cũng phải “chạy” mới có chỗ học lớp 1 bán trú cho con ở Trường tiểu học Ngô Quyền tại phường Tân An.

Cô Quách Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cho biết, điều tra tháng 12/2012, quận Ninh Kiều có 2.756 cháu diện 6 tuổi, nhưng thực tế tuyển sinh lên đến 3.245 cháu “chủ yếu do nơi khác chạy về”.

Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều, cô Quách Thị Thu Hương cho biết, kế hoạch năm học 2013-2014, phải giảm 10 lớp bán trú “vì thiếu phòng học”.

Ở quận Bình Thủy, Phó phòng GD&ĐT Lê Minh Hồng Giang cho biết, năm học 2012-2013 có 20 lớp 1 bán trú, năm học mới 2013-2014 phải giảm xuống chỉ còn 14 lớp.

Tư nhân khó xây trường

Thầy Trần Văn Thiếu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cho biết, quận Ninh Kiều ở trung tâm TP Cần Thơ nên tìm đất xây trường rất khó khăn.

Trong khi đó, ở TP Cần Thơ, một số doanh nghiệp tư nhân hăng hái xây trường học, nay lại gặp khó khăn. Cty TNHH Thiên Lộc đầu tư gần 190 tỷ đồng xây Trường phổ thông Thiên Lộc (từ lớp 1 đến lớp 12) và Trường mầm non Việt Mỹ, ở khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Khi xây dựng, nhiều cấp nhiều ngành ủng hộ, khởi công và khánh thành có nhiều quan chức thành phố dự. Nhưng xây xong 2 năm nay, việc định giá đất 17.750 m2 lại như thòng lọng buộc chân Cty.

Vì trường được xây trong khu dân cư do Cty làm chủ đầu tư, theo phương án giao đất lần 1, Cty chỉ phải nộp 4,3 tỷ đồng, nhưng ngành thuế lại tính giao đất lần 2 và buộc phải nộp 43 tỷ đồng. Tranh cãi kéo dài, UBND TP Cần Thơ phải hỏi Bộ Tài chính thì chưa được trả lời. GĐ Võ Thành Vạn làm đơn kêu cứu Thanh tra Chính phủ thì mới đây bị trả đơn. Ông Vạn than thở: “Chưa kể những ưu đãi vốn liếng chỉ có hứa hẹn, cách tính giá đất như ngành thuế thì không chủ đầu tư dự án dân cư nào còn dám xây trường”.

Cty CP Đầu tư Xây dựng Hồng Trung được UBND TP Cần Thơ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng trường mầm non và tiểu học ở phường Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thủy) vào ngày 5/9/2012. Giám đốc Cty này, ông Lê Hồng Sơn cho biết, đến nay chưa xây trường được do chính quyền chưa làm quyết định giao đất, dù Cty đã mua quyền sử dụng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.