Dân chủ trong trường học: Phải có cơ chế giám sát, đo đếm

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
TP - Tại sao có những vụ khiếu kiện kéo dài trong trường học? Tại sao lại có những sự việc đáng tiếc xảy ra như tại trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội và một số trường khác vừa qua? Đó là các câu hỏi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra tại hội nghị về dân chủ trong các cơ sở giáo dục - đào tạo được Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm 24/3, tại Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đối với các trường ĐH, vấn đề dân chủ gắn liền với tự chủ. Hiện cả nước đã có 15 trường ĐH được giao tự chủ. Mục tiêu của Chính phủ trong thời gian tới là các trường ĐH, CĐ của Việt Nam phải tự chủ. Đi liền với tự chủ đó là vai trò của hội đồng trường. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục dạy nghề, mới chỉ có 30% các trường CĐ nghề có hội đồng trường. Còn theo báo cáo của Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT thì trong tất cả các trường CĐ của Bộ chuyển về Bộ Lao động, chưa có trường CĐ nào có hội đồng trường. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, với ĐH, trong số 38 trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT chỉ có 16 trường có hội đồng trường. Các trường ĐH thuộc bộ ngành khác, Bộ GD&ĐT không nhận được báo cáo. Còn theo ông Vũ Tuấn Dũng, Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội thì trong số 66 trường ĐH, CĐ tại Hà Nội thì có 12 trường có hội đồng trường. “Hoạt động của hội đồng trường vẫn còn mờ nhạt. Hội đồng chưa phát huy được vai trò của mình có phải do chọn người làm chủ tịch chưa đúng hoặc do cơ chế của chúng ta?” - ông Dũng đặt câu hỏi. Ông cũng cho biết một thực tế, có trường công lập chọn hội đồng trường là trưởng phòng, có trường hiệu trưởng nghỉ xin sang làm hội đồng trường. Một số nơi hội đồng trường là “bãi đáp” của  một số ban giám hiệu về hưu.

Với các bậc học thấp hơn, vấn đề mất dân chủ cũng được các đại biểu dự hội nghị đề cập tới. Thừa nhận tình trạng này, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, văn bản quy chế dân chủ rất nhiều nhưng việc thực hiện tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo còn hình thức, sơ sài, chưa hiệu quả, chất lượng chưa cao. Một số cơ sở giáo dục vẫn còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, cá biệt có cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo, có tình trạng khiếu nại vượt cấp.  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá thẳng thắn việc mất dân chủ, tình trạng khiếu kiện ở một số cơ sở giáo dục được phản ánh thời gian qua là cá biệt hay là tương đối nhiều trong các nhà trường. Trả lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục. Đơn cử tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở một số trường ĐH hay vụ việc trường tiểu học Nam Trung Yên vừa qua là bài học kinh nghiệm về dân chủ, về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, quyền hiệu trưởng của trường cấp càng nhỏ thì càng lớn. Hiệu trưởng nào tốt, thì hàng nghìn học sinh đó được nhờ.  

Ai sẽ tham gia giám sát?

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để thực hiện quy chế dân chủ tốt hơn. Báo cáo của Bộ GD&ĐT và Tổng cục Dạy nghề  mới đề cập nhiều đến vấn đề người thầy, chưa đề cập đến đối tượng liên quan.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho rằng “không phải chăm chăm nói dân chủ sẽ có dân chủ” nên ông kiến nghị cần cải tiến về phương pháp giáo dục, gắn dân chủ với tự chủ thì mới phát huy được vai trò, tính sáng tạo, chủ động của giáo viên vào công việc của nhà trường. Đi kèm với đó phải tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng, xây dựng cách thức đánh giá thực hiện dân chủ trong nhà trường chính xác, khách quan.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phát huy dân chủ trong trường học, rộng hơn là trong ngành giáo dục là yếu tố quyết định đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Dân chủ ngay trong môi trường này không chỉ thực hiện tốt như các nơi mà còn phải là đi trước, lan tỏa trong xã hội.

Chính vì vậy, Phó thủ tướng nêu một số giải pháp rất quan trọng để đảm bảo thực hiện dân chủ ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, trong đó nhấn mạnh đến tăng cường tự chủ trong trường học, nhất là khối trường ĐH, CĐ. Bởi không thể có dân chủ khi cơ quan quản lý vẫn “cầm tay chỉ việc”, áp đặt từ trên xuống về chuyên môn, và đặc biệt là về nhân sự. Cùng với đó là sự cần thiết phải xây dựng cơ chế đánh giá, giám sát, đo đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học.

“Phát huy dân chủ trong trường học, rộng hơn là trong ngành giáo dục là yếu tố quyết định đối với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

MỚI - NÓNG