Đan Mạch dưới con mắt một du học sinh Mỹ

Đan Mạch dưới con mắt một du học sinh Mỹ
TPO - Đan Mạch khác xa so với tưởng tượng của nhiều du học sinh trước khi đến đây – đó là điều mà George Brown kể lại cho các bạn Mỹ của mình sau khi đến học tại trường Aalborg trong thành phố cùng tên - một trong bốn thành phố lớn nhất Đan Mạch.
Đan Mạch dưới con mắt một du học sinh Mỹ ảnh 1

“Aalborg – một nơi khá lạnh, u ám và ảm đạm. Gió miệt mài thổi từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác. Mùa xuân chưa bao giờ đến trước tháng năm, còn mùa hè đã đến từ thứ 3 nào đó của năm ngoái rồi.

Tôi đang kể lại những điều này bằng tiếng Đan Mạch – thứ ngôn ngữ đậm chất Scandinavi, điều mà du học sinh không thể biết rõ trước khi họ tới đây cũng như hoàn toàn không thể bắt chước khi họ rời khỏi đây.

Tất cả mọi thứ đều đắt gấp vài lần so với ở Tennessee, Mỹ. Nước cam vắt 20 USD một gallon (3,78 lí ), loại bia rẻ tiền nhất 5 USD/cốc và hai ổ bánh mỳ Pháp có giá tận 8 USD. Đồng đô la ở đây đang dần mất giá, còn đồng curon Đan Mạch thì lại khá ổn định, 5 năm trước 1 USD ăn 6,9 curon, còn nay 1 USD ăn 4,8 curon.

Ở nơi công cộng, người Đan Mạch có vẻ khá dè dặt, không thích ồn ào và suồng sã. Họ thích tìm cho mình một không gian riêng hơn là bắt chuyện với người lạ.

Tuy nhiên…

Cảnh sát là những người bạn ít nhìn thấy nhất. Ở thành phố này, một mình bách bộ lúc 3h sáng không phải là điều bất thường, và nó khá an toàn. Rất nhiều người có ô tô riêng, nhưng họ không sử dụng chúng hằng ngày. Phương tiện đi lại của người dân chủ yếu là xe đạp và xe buýt.

Đan Mạch nằm ở vùng Bắc Âu, là nước có nền kinh tế rất phát triển. Nền giáo dục của Đan Mạch nổi tiếng trên thế giới về chất lượng đào tạo và hỗ trợ học tập, có nhiều khóa học miễn phí cho sinh viên nước ngoài.

Trong những buổi gặp mặt thân mật, sự kín đáo của người Đan Mạch biến mất một cách nhanh chóng, không còn ngại ngần trước những vị khách lạ, chỉ có những cốc Carlsberg cạn sạch.

Người dân Đan Mạch cực kỳ thân thiện và tử tế với khách nước ngoài đến đây, họ nói tiếng Anh lưu loát và luôn giữ sự thân mật một cách hết sức “hygge”  (cảm giác hài lòng, tin tưởng, thoải mái và gần gũi).

Đó là một khái niệm khó diễn đạt lại bằng ngôn ngữ khác. Cảm giác đó ít khi thấy ở Mỹ. Đó là sự hài lòng với những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày, giống như uống cà phê hay đọc sách vào một buổi trưa trời mưa hoặc một bữa sáng trong yên lặng với bạn bè dưới ánh mặt trời vào một ngày chủ nhật.

“Hygge” chính là lý do tại sao Đan Mạch được đánh giá là đất nước “hạnh phúc nhất thế giới” trong một cuộc nghiên cứu gần đây của trường đại học Leicester, Anh.

Tôi sống trong ký túc xá, nó rất “hygge”. Ngăn đôi tòa nhà là phòng sinh hoạt chung, một phòng lớn giống như nhà kính, có những căn bếp nhỏ, những bàn bi lắc, bóng bàn, bàn ăn và bàn uống cà phê với những chiếc ghế mềm được xếp vòng quanh.

Ký túc xá có 50 phòng, mỗi phòng đều có nhà tắm riêng. Khoảng 20 phòng trong số đó được dành cho sinh viên nước ngoài, có rất nhiều đại diện của các nước Pháp, Đức, Ba Lan, Estonia, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ…Kể cả tôi thì ở đây có 6 người Mỹ.

Sinh viên thường lập ra những câu lạc bộ nấu ăn, họ cùng nhau nấu nướng, nhờ vậy mà không có ai phải loay hoay với những mẩu bơ lạc hay thạch hoa quả quá lâu.

Vào buổi tối, mọi người thường ngồi vòng tròn buôn chuyện với nhau trên những chiếc ghế mềm. Ngoài cuộc sống thường nhật, cũng có những sự kiện lớn đan xen trong kỳ học. Chúng cũng được lên kế hoạch, quyên góp kinh phí và được chủ trì bởi một nhóm sinh viên. Các hoạt động đó khiến sinh viên xích lại gần nhau.

Một trong số đó là Tour de Chambre. Các sinh viên mở hết cửa phòng và nhóm thành nhiều nhóm nhỏ. Trong một nhóm, các thành viên mỗi phòng sẽ xáo trộn với phòng khác. Họ cùng nhau trò chuyện và ăn uống. Khi buổi tối kết thúc, mọi người sẽ hiểu thêm một chút gì đó về nhau.

Về phần học tập.

Trong thời gian đầu ở đại học Aalborg, chúng tôi được giới thiệu ngắn gọn về thời gian biểu và hệ thống phân loại. Sau đó là một bài diễn thuyết dài về những nhà hàng, quán bar, câu lạc bộ có tiếng trong phố.

Sau khi những hướng dẫn đầu tiên xong xuôi, chúng tôi tiếp tục một tour quanh trường– điểm dừng đầu tiên là quán bar của sinh viên có tên là Merkbar, ở ngay dưới đại sảnh. Tiếp đó, người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi biết những tòa nhà chính của trường và vị trí của từng quán bar hay căng tin bên trong những tòa nhà ấy.

Người Đan Mạch rất thoải mái và vô tư, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, do được trợ cấp sinh hoạt phí khi đi học nên họ không hề quan tâm đến việc tốt nghiệp trong 4 năm hay lâu hơn, hầu hết mọi người đều học tại trường 6 năm hoặc nhiều hơn thế, thay đổi chuyên ngành vài lần và lựa chọn môn học họ yêu thích.

Họ không bị bắt buộc tham gia bất cứ lớp học nào. Và các lớp học chỉ kéo dài 6 đến 8 tuần. Không có bài tập, không có những bài kiểm tra, tất cả phụ thuộc vào 5 đến 10 trang giấy mỗi người phải nộp khi lớp học kết thúc.

Ở một số lớp, sinh viên có thể làm một đề tài nghiên cứu nhóm, dài chừng 30 đến 60 trang, trong đó mỗi thành viên viết 10 đến 12 trang. Và họ cùng nhau bảo vệ đề tài của mình trước hội đồng phản biện. Hình thức này tập trung phát triển khả năng làm việc theo nhóm và khả năng khám phá thay vì một chuỗi những bài kiểm tra mang tính công thức.

Đan Mạch giống như một đối âm của Mỹ. Nơi đây, gần như mọi thứ diễn ra theo một cách rất khác. Y học đã được xã hội hóa, giáo dục chất lượng cao miễn phí, mức thuế ngất ngưởng đến khó tin, những giá trị xã hội mang tính tự do, ô tô bị hạn chế sử dụng và một nhịp sống chậm rãi.

Tất cả những điều này đều chịu ảnh hưởng từ những giá trị văn hóa của Đan Mạch, nó được gói gọn trong một từ “hygge” không hề giống nền văn hóa thực dụng và cá nhân như của Mỹ.

Sự hài lòng vô hình - “hygge” không đòi hỏi bạn phải có nhiều tiền hay một kho kinh nghiệm. Khi một người hiểu rõ hạnh phúc giản dị của cuộc sống, khát vọng về sự giàu sang và danh vọng lại chính là những thứ cản trở con người đi tìm hạnh phúc.

Người Đan Mạch đã tìm ra cách để nắm giữ hạnh phúc trong khi sự tồn tại về mặt kinh tế vẫn rất mạnh mẽ. Nước Mỹ, với tất cả sự giàu có và sức mạnh có thể sẽ học được điều gì đó về hạnh phúc từ một đất nước nhỏ bé và lạnh giá với 5,5 triệu dân này.”

Thanh Trà
Theo Tennessee Jounalist

MỚI - NÓNG