Đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhiều diễn biến bất ngờ

Đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhiều diễn biến bất ngờ
Thống kê mới nhất từ các sở GD-ĐT cho thấy, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm nay giảm so với năm 2009. Thế nhưng, lượng hồ sơ đăng ký vào từng trường lại tăng giảm khác nhau, tạo nên nhiều diễn biến bất ngờ.

>> Hà Nội giảm hơn 33.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng

Tại TP.HCM, tuy chưa có thống kê chi tiết nhưng theo một cán bộ phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT, lượng hồ sơ ĐKDT nhận được khoảng 140.000, giảm 10.000 hồ sơ so với năm 2009.

Tương tự, theo thống kê của Sở GD-ĐT Đồng Tháp, toàn tỉnh có 24.044 hồ sơ ĐKDT, giảm khoảng 3.700 hồ sơ so với năm 2009. Trong số đó, hồ sơ vào các trường năng khiếu giảm mạnh nhất với lượng hồ sơ không đáng kể.

Trường tốp trên "giảm nhiệt"

Đến thời điểm này, nhiều sở GD-ĐT đã gửi dữ liệu hoặc báo số liệu cho các trường ĐH, CĐ. Chiều 4 - 5, thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - cho biết, đã nhận được số liệu từ các sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL.

“Số hồ sơ ĐKDT của thí sinh giảm khoảng 9.000 so với năm trước. Phải chờ thêm số liệu từ các sở GD-ĐT ở các khu vực khác mới có thể có con số chính xác, tuy nhiên, thí sinh dự thi vào trường chủ yếu là từ ĐBSCL nên con số trên sẽ không xê xích nhiều. Năm rồi, Trường ĐH Cần Thơ có hơn 66.000 hồ sơ” - thạc sĩ An nói.

Ông An cho biết thêm, số lượng thí sinh chắc chắn giảm nên áp lực về phòng ốc cũng sẽ nhẹ hơn so với năm trước. Tuy nhiên, nếu thí sinh dự thi vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ tăng thì cụm Cần Thơ cũng sẽ “kẹt” phòng do phải tính toán để chia quỹ phòng thi hợp lý.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận được hồ sơ và số liệu của 20 sở GD-ĐT các tỉnh. Thống kê cho thấy, số lượng hồ sơ vào trường giảm 10 - 30% tùy sở. Dự kiến, tổng hồ sơ ĐKDT vào trường khoảng 30.000, giảm 5.000 bộ so với năm 2009.

Một cán bộ phòng đào tạo cho biết, áp lực phòng thi, cán bộ coi thi sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Sơn - giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho hay, mới nhận được số liệu từ một vài sở nhưng so với năm 2009, số hồ sơ thấp hơn nhiều.

TS Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho biết, 10 sở GD-ĐT gửi dữ liệu cho trường. Số hồ sơ ĐKDT có giảm nhưng không đáng kể so với gần 13.000 hồ sơ của năm 2009.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vinh - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Đồng Tháp, tuy chưa nhận được đầy đủ số liệu từ các sở GD-ĐT nhưng qua số liệu do một số sở đã gửi về, dự kiến hồ sơ ĐKDT vào trường giảm 30 - 40%.

Hà Nội: hồ sơ ĐKDT giảm 17,2%

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đã thu nhận xấp xỉ 160.000 hồ sơ ĐKDT, giảm trên 33.000 hồ sơ (17,2%) so với năm trước (năm 2009 thu nhận trên 190.000 hồ sơ). Như vậy với 83.000 học sinh THPT và bổ túc THPT, trung bình mỗi học sinh nộp 1,9 hồ sơ.

Theo bà Tạ Song Hà - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp  Sở GD-ĐT Hà Nội, có khoảng 83,3% trong tổng số hồ sơ ĐKDT vào các trường đại học.

Trong đó, hồ sơ đăng ký khối A chiếm tỉ lệ cao nhất (55,4%), tiếp đến là các khối D, B, khối C chỉ có 5,2% hồ sơ dự thi.

Cũng theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường thuộc nhóm ngành kinh tế vẫn có sức hút lớn nhất.

Theo Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ

Ngược lại, không ít trường đến thời điểm này đã chứng kiến việc tăng đột biến số lượng hồ sơ ĐKDT. Tiêu biểu như Trường ĐH Tài chính - marketing có khoảng 32.000 hồ sơ ĐKDT, gấp đôi so với năm 2009.

Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo trường - cho hay, số thí sinh tăng nên áp lực phòng ốc sẽ tăng theo. Hiện, trường đang xúc tiến việc thuê phòng thi tại các quận 7, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh.

Tại Trường ĐH Sài Gòn, thống kê dữ liệu từ 16 sở GD-ĐT các địa phương khu vực miền Trung gửi về cho thấy, hồ sơ ĐKDT của thí sinh tăng hơn 30% so với năm 2009.

Một số địa phương như Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định lượng hồ sơ vào trường tăng đột biến.

Ông Huỳnh Tổ Hạp - phó phòng đào tạo trường ĐH Sài Gòn - cho biết, con số này chưa thể hiện hết nhưng dự kiến hồ sơ ĐKDT vào trường sẽ tăng mạnh so với năm 2009.

Chọn ĐH gần nhà

Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, xu hướng chọn trường gần nhà thể hiện khá rõ trong cơ cấu chọn trường của hầu hết học sinh các địa phương.

Tại Khánh Hòa, với 28.200 hồ sơ ĐKDT, Trường ĐH Nha Trang nhận được nhiều hồ sơ nhất với 7.500 bộ. Các trường CĐ tại Khánh Hòa cũng được nhiều học sinh lựa chọn. Trường CĐ Sư phạm Nha Trang đứng thứ nhì với 2.500 hồ sơ. Trường CĐ Y tế Khánh Hòa nhận được 1.900 hồ sơ, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Nha Trang 1.000 hồ sơ.

Đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, nhiều diễn biến bất ngờ ảnh 1
Biểu đồ biến động về hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH - Đồ họa: Tuổi Trẻ

Lượng hồ sơ vào các trường ĐH ở các địa phương khác không nhiều. Trường ĐH Tây nguyên nhận 490 hồ sơ, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 900, Trường ĐH Tài chính - marketing 780, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM 750, Trường ĐH Quy Nhơn 620...

Tương tự, hầu hết học sinh Đồng Tháp chọn trường thi trong tỉnh hoặc khu vực ĐBSCL. Trong số 24.044 hồ sơ ĐKDT, Trường ĐH Đồng Tháp được nhiều học sinh lựa chọn nhất với 6.754 hồ sơ, kế đến là Trường ĐH Cần Thơ với 4.117 hồ sơ, Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp 2.288 hồ sơ. Lượng hồ sơ vào nhóm ngành y dược tăng mạnh so với năm 2009.

Tại Đồng Nai, trong tổng số 48.400 hồ sơ, học sinh Đồng Nai chọn thi vào Trường ĐH Lạc Hồng nhiều nhất với 4.700 hồ sơ. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đứng thứ nhì với 4.230 hồ sơ, tiếp theo là các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, CĐ Kinh tế đối ngoại...

Xu hướng chọn trường gần nhà cũng được thể hiện rõ trong hồ sơ ĐKDT của học sinh Quảng Nam. Hơn 1/3 học sinh tỉnh này chọn thi vào ĐH Đà Nẵng, kế đến là ĐH Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam. Các trường tại TP.HCM chỉ vài trăm hồ sơ mỗi trường. Gần 1/3 học sinh Đắk Lắk (với 14.855 hồ sơ) chọn thi vào Trường ĐH Tây nguyên.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.