Đang 'sai lầm nối tiếp sai lầm'

Đang 'sai lầm nối tiếp sai lầm'
TP - Bài viết “Vừa cải cách giáo dục vừa chống lại cải cách giáo dục” của tác giả Nhật Anh đăng trên báo Tiền phong ngày 9/10/2007, đã thôi thúc tôi viết bài này - một lá phiếu ủng hộ cho Giáo sư Văn Như Cương.

Khoảng hơn 20 năm trở lại đây, Bộ GD&ĐT (sau đây xin viết ngắn gọn là Bộ) đã liên tiếp mắc nhiều sai lầm (hơn nữa lại là những sai lầm lớn mang tính chiến lược). Tôi không nhớ trình tự về thời gian của những sai lầm ấy.

Trước hết phải nhớ lại sai lầm về thay đổi hệ thống chữ viết cho học sinh lớp một và cấp một. Bộ và ngành đã phải tổ chức tốn kém không ít cuộc hội thảo, báo chí cũng mất không biết bao nhiêu giấy mực đưa lên đó những cuộc bút chiến. Thế nhưng, điều đó vẫn được một thiểu số những người có quyền lực ở Bộ áp đặt cả nước phải thực hiện và rồi điều gì đã xảy ra xin miễn nói lại.

Sai lầm lớn nữa là cải tiến, cải lùi quá nhiều lần hệ thống sách giáo khoa các loại. Điều đó làm tốn kém quá nhiều ngân sách dành cho giáo dục vốn đã quá ít ỏi so với các nước trên thế giới.

Sai lầm lớn tiếp theo là “bộ đề thi tuyển sinh” và “hướng dẫn giải bộ đề thi tuyển sinh” mà tác giả Nhật Anh đã đề cập đến trong bài viết trên. Trước và trong thời gian thực thi chủ trương này, tôi cũng đã có một ý kiến tham gia trực tiếp với lãnh đạo Bộ nhưng hình như cũng không có lãnh đạo nào của Bộ để tâm đến ý kiến của tôi.

Sai lầm lớn nhất trong những năm trước 2000 là chủ trương cho những học sinh mà cả 3 năm học ở phổ thông trung học đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và thi tốt nghiệp đạt loại giỏi được vào thẳng đại học.

Nhưng danh hiệu đó có được rất dễ dàng đối với các học sinh con nhà giàu có. Kết quả là có những năm học có tới 15.000 học sinh được vào thẳng các trường đại học (theo số liệu của các báo chí thời đó).

Điều mà rất nhiều người thấy được, đó là trong số những học sinh vào thẳng đại học có tới 90% có học lực kém, kém ở đây là kém thực chất chứ không phải là điểm kém. Điểm thì phần lớn trong số đó vẫn “chạy” được ngon lành, thậm chí điểm khá giỏi cũng có.

Có một học sinh là lớp trưởng lớp tôi dạy cách đây gần chục năm, em này thuộc diện vào thẳng đại học. Em đã thú nhận với tôi rằng em học rất kém, danh hiệu học sinh giỏi mấy năm PTTH và thi tốt nghiệp PTTH đạt loại giỏi là do bố mẹ em “chạy” mà được.

Còn nữa, vấn đề học phân ban, rồi lại bỏ phân ban nay lại phân ban. Còn bao nhiêu chủ trương nữa đã, đang và sẽ được áp dụng mà vật được đưa làm thí nghiệm không là ai khác mà chính là bao nhiêu thế hệ con người Việt Nam từ hơn hai chục năm qua và các thế hệ hiện tại, tương lai nữa cũng sẽ được Bộ mang ra làm thí nghiệm. 

Đến chủ trương thi THPT quốc gia và thi trắc nghiệm tràn lan

Một trong những tâm lý khá phổ biến hiện nay là vào học đại học bằng mọi giá nhất là đối với  những gia đình có chút tiềm lực về kinh tế. Họ sẵn sàng chấp nhận mọi tốn kém để có được điều này. Trong khi đó, không ít người đứng lớp và cả người quản lý mắc căn bệnh trầm kha của xã hội là “không chê tiền”.

Nếu chỉ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì cả bộ phận không ít của xã hội sẽ lại gồng mình lên để con em họ có được điểm thi tốt nghiệp phổ thông càng cao càng tốt, mà không cần quan tâm đến thực chất con cái mình học ra sao và được cái gì.

Ngay cả một số thầy dạy PTTH cũng thừa nhận rằng điều đó xảy ra sẽ giống với (thậm chí còn tai hại hơn) sai lầm cho học sinh học PTTH học loại giỏi và thi tốt nghiệp loại giỏi vào thẳng đại học trước đây, vì quả bóng quyết định được trao hết cho các trường PTTH.

Cùng với nạn thi trắc nghiệm tràn lan thì toàn ngành giáo dục sẽ hội tụ lại ở mục đích là: Luyện cho học sinh đạt tới trình độ “bôi đen” càng nhanh và càng chính xác càng tốt.

Thực tế mùa thi vừa qua có một (cũng cần nói thêm: tồn tại tức là phổ biến) đồng nghiệp của tôi tham gia dạy luyện thi đã thừa nhận: “Cuối đợt dạy ở mỗi lớp, tôi đều lưu ý học sinh rằng khi làm bài thi, đến lúc gần hết giờ mà chưa làm hết bài thì các em không cần suy nghĩ gì nữa, cứ tô bừa vào, may thì được điểm, không may thì cũng chẳng mất gì.

Trong bài viết của tác giả Lê Huy đăng trên báo Tiền phong ngày 15/10/2007, tác giả có đặt câu hỏi trong năm 2007 liệu có đúng 80% học sinh lớp 12 (đã tốt nghiệp qua hai lần thi) của ta có trình độ thực chất là Tú tài hay không? Việc coi thi có hoàn toàn nghiêm túc không? Tôi có trả lời ngay rằng cả hai đều KHÔNG! Chỉ có những người thực sự ở dưới “mặt đất” trực tiếp giảng dạy như chúng tôi mới biết được điều này.

Tôi là một giáo viên dạy Toán đã gần ba chục năm, tôi ủng hộ ý kiến của tất cả những người nêu cao vai trò của thi tự luận. Ở đó, tư duy logíc, tư duy tự luận, tư duy ngôn ngữ cho phép ta sàng lọc được những người giỏi để đào tạo tiếp cho họ sau này trở nên những người lao động có đẳng cấp cao của đất nước.

Phù hợp với GS Văn Như Cương, tôi cũng được biết nhiều người có văn bằng tốt nghiệp ngoại ngữ các loại trong một vài năm trở lại đây (sản phẩm của thi trắc nghiệm là chính) không nói được cho ai nghe và không nghe được ai nói. Thế thì mục tiêu đào tạo ngoại ngữ là gì? Vì vậy tôi cho rằng không chỉ môn Toán mà tất cả các môn học, các ngành học khác đều không thể thi trắc nghiệm.    

Trở lại ý kiến mà ông Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Nguyễn An Ninh trên báo Tiền phong số ra ngày 11/10/2007 nói rằng những ý kiến phản đối thi trắc nghiệm tràn lan “gần như là ý kiến của những người tự do không thuộc hệ thống quản lý giáo dục, nhà trường…”, tôi thấy đa phần các ý kiến phản đối thi TN tràn lan đều là của những nhà giáo (ta hiểu thuật ngữ này chỉ những người trực tiếp đứng lớp) lâu năm và rất tâm huyết, rất trăn trở với sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Chính đa phần các ý kiến ủng hộ thi trắc nghiệm mới là “của những người tự do không thuộc hệ thống quản lý giáo dục, nhà trường…” vì các vị đó (cũng có nhiều nỗi niềm trăn trở với sự nghiệp giáo dục nước nhà) chỉ hiểu thi thố, đánh giá, kiểm định đơn giản như hàng chục các trò chơi giải trí trên ti vi.

Còn các hội nghị chính thức do ngành GD&ĐT mà ông Cục trưởng đưa ra thì cũng chỉ gồm có vài trăm ông hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và độ sáu bảy chục ông giám đốc các sở giáo dục.

Thứ nhất, vài trăm vị đại biểu này không thể là linh hồn của hàng triệu nhà giáo Việt Nam hiện nay được, trong đó có hàng ngàn nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Thứ hai, trong số vài trăm vị đại biểu trên cũng có nhiều người muốn phản đối thi trắc nghiệm nhưng vì những lý do tế nhị (tôi không tiện đưa ra ở đây) mà họ không dám phản đối.     

Một trong những lý do mà Bộ GD&ĐT áp đặt chủ trương ghép hai kỳ thi làm một và thi trắc nghiệm tràn lan là để tiết kiệm, nhưng tác giả Thiên Danh (trong bài đăng trên báo Tiền phong ngày 12/10/2007) đã chỉ ra rồi: không tiết kiệm được chút nào mà còn lãng phí ghê gớm.

Và dẫu cho có “tiết kiệm được một khoản… mà làm hỏng cả một nền giáo dục” mà biết bao thế hệ các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục và các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục lão thành đã gây dựng nên từ mấy chục năm trước thập niên 80 của thế kỷ trước “thì có nên không?”.

Trần Trung Kiên
Giảng viên Học viện Tài chính kế toán

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.