'Đánh đại' đề thi trắc nghiệm cũng trúng 30%!

'Đánh đại' đề thi trắc nghiệm cũng trúng 30%!
“Tôi thử làm bài trắc nghiệm theo cách “đánh đại” vào đề thi. Với 2 lần làm bài, kết quả là số câu đúng đều khoảng 30%" - ông Nguyễn Vĩnh An, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết.
'Đánh đại' đề thi trắc nghiệm cũng trúng 30%! ảnh 1
Nên sớm cải tiến đề thi trắc nghiệm trước khi triển khai tiếp thi trắc nghiệm môn Toán, Sử, Địa.

Xem lại luật cho điểm

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến về đề án đổi mới công tác thi và tuyển sinh do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15/11, ông An cho rằng, điểm hạn chế nổi bật của đề thi trắc nghiệm thời gian qua là “đánh đại” cũng có gần 1/3 số điểm.

Ông An kể, từng thử “đánh đại” vào đề thi. Với 2 lần làm bài, kết quả là số câu đúng đều khoảng 30%. "Như vậy, với 3 môn thi trắc nghiệm, nếu không biết gì thì thí sinh cũng kiếm được 7,5 điểm” - Ông nói.

Trên thực tế, có nhiều thí sinh đã đánh hú họa vào một phương án và kết quả là đạt được 2,5 - 3 điểm. Trên nhiều diễn đàn, ý kiến của chính các nhà giáo cũng tỏ ra băn khoăn về cách cho điểm trong đề thi. Và đó chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến dư luận chưa đồng tình triển khai thi trắc nghiệm môn toán trong năm 2008.

Ông Nguyễn Vĩnh An thẳng thắn đề nghị: Cần xem xét trừ điểm đối với câu làm sai để có thể đo lường khả năng của học sinh chính xác hơn.

Ông Đinh Quang Hảo, nguyên trưởng Phòng Khảo thí, Sở GD-ĐT TPHCM, góp ý thêm về kỹ thuật cho điểm trong đề thi trắc nghiệm bằng những kết quả nghiên cứu khoa học của ông trong thời gian ở Pháp.

Ông kể: Ở Pháp không có thi đại học. Các trường dựa vào học bạ và kết quả thi tú tài để tuyển vào đại học. Một số trường đào tạo kỹ sư, ngành khoa học tự nhiên thì có thêm kỳ thi phụ bằng hình thức trắc nghiệm.

Điểm mới là đề thi chỉ có hai phương án đúng và sai (chứ không phải 4 phương án a, b, c, d) nhưng có luật cho điểm rất chặt chẽ để thí sinh không thể đánh đại. Ví dụ: Đánh sai trừ 25% điểm của câu đó hoặc cho thêm điểm thưởng cho các câu làm đúng... Và họ đã tuyển được những sinh viên phù hợp. Công phu của người ra đề thể hiện ở luật cho điểm.

Ông Hảo cũng cho biết thêm: “Việc ra đề được giao trước cho giáo viên một năm, chứ họ không “nhốt” ai hết”.

Sự cố phần tự chọn

Hạn chế thứ hai của đề thi trắc nghiệm đã được nhìn thấy từ năm đầu tiên thi trắc nghiệm ngoại ngữ nhưng đáng tiếc là điều này vẫn còn lặp lại trong kỳ thi năm 2007.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, chỉ riêng tại Đại học Giao thông Vận tải, đã có khoảng 114 bài thi trắc nghiệm vi phạm quy chế vì thí sinh làm cả 2 phần tự chọn. Thực ra, sự cố này đã xảy ra trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006, khi lần đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm cho các môn ngoại ngữ.

Lần ấy, những thí sinh làm cả 2 phần tự chọn đều bị liệt vào lỗi “vi phạm quy chế”. Sau khi dư luận cho rằng xử lý như thế là oan cho thí sinh với lý do đề thi trắc nghiệm không nên có phần tự chọn, thì bộ chấp thuận cho chấm điểm phần tự chọn và thí sinh được hưởng phần có điểm cao.

Tiếc thay, việc này lặp lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tháng 6/2007. Cũng như lần trước, Bộ đổ lỗi cho thí sinh khi cho rằng, quy chế đã quy định rõ, Bộ cũng đã thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại thí sinh không đọc báo, nghe đài...

Nhưng cuối cùng, Bộ lại chấp nhận chấm và lấy kết quả phần đề chung, hủy kết quả phần đề riêng (tự chọn). Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, về cách xử lý sự cố này, sau khi đi kiểm tra công tác chấm thi tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, xử lý như thế nào trước các trường hợp cụ thể trong khâu chấm phúc khảo là do hội đồng tuyển sinh của trường quyết định.

Nếu xét thấy thí sinh thực sự tô nhầm, kết quả làm bài trước khi bị trừ 50% điểm bài thi cũng như kết quả bài thi hai môn còn lại tốt thì có thể khôi phục điểm cho thí sinh.

Tại sao Bộ GD-ĐT không thay đổi cách ra đề thi cho hợp lý và khoa học hơn, giúp thí sinh tránh được rắc rối không đáng có, mà bộ cũng không phải “giẫm lên chân mình”?

Theo Hồng Minh
Người lao động

MỚI - NÓNG