Chương trình khung môn Ngữ văn:

Dành phần chủ động, sáng tạo cho giáo viên

TP - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình khung môn học, nhiều ý kiến cho rằng, môn Ngữ Văn chỉ có 6 tác phẩm bắt buộc chủ yếu liên quan đến các giai đoạn lịch sử, phản ánh tinh thần chiến đấu quật cường của cha ông mà thiếu bóng dáng nhân vật của đời thường hay thể hiện tình yêu, cuộc sống. Tuy nhiên, các giáo viên dạy Văn lại hào hứng với chương trình mở, được lựa chọn tác phẩm để dạy học hơn là chương trình hiện hành.

PGS TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn cho biết, chương trình khung được xây dựng theo hướng mở. Do đó, ngoài 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Hịch tướng sĩ, Nam quốc sơn hà, Đại cáo bình ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lậpTruyện kiều thì giáo viên có quyền lựa chọn các tác phẩm khác có giá trị để dạy học. Lý giải việc chọn 6 tác phẩm trên, ông Thống cho rằng, đó là những tác phẩm tiêu biểu về tư tưởng, văn học, văn hóa của dân tộc. Trong những lần đổi mới trước, 6 tác phẩm này đều luôn có mặt.

Sau khi công bố, chương trình khung vấp nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, việc chỉ đưa ra 6 tác phẩm trên vào chương trình bắt buộc là phiến diện, chưa đầy đủ.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới thì ngoài các tác phẩm bắt buộc còn có hàng trăm tác phẩm được đưa vào danh mục tự chọn mang tính gợi ý cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên.

Võ Thị Hoài Thanh, giáo viên dạy Văn trường THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, ban đầu khi thấy chương trình khung  quy định cứng 6 tác phẩm thiếu vắng bóng dáng những tác phẩm mang tính đại diện cho người nông dân từng giai đoạn văn học hay thơ của Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Tố Hữu... khiến cô hoang mang. Tuy nhiên, khi hiểu rõ hơn việc quy định cứng chỉ là những tác phẩm cốt lõi, ngoài ra giáo viên được lựa chọn tác phẩm để giới thiệu, dạy học thì cô cũng như các đồng nghiệp dạy Văn rất hào hứng. “Điều này sẽ kéo theo cả cách thay đổi kiểm tra, đánh giá do đó giáo viên sẽ được quyền chủ động dạy theo phương pháp của mình để học sinh hiểu, cảm thụ giá trị của một tác phẩm nói chung mà không cần phải bắt học sinh “nhai lại” kiến thức giáo viên truyền thụ”, cô Thanh nói.

Tuy nhiên, cô Thanh cũng cho rằng, nếu giáo viên được quyền lựa chọn, họ phải được chọn dựa trên những tiêu chí cụ thể nào nếu không người tâm huyết, yêu nghề, yêu học sinh sẽ giới thiệu cho học sinh những tác phẩm hay, có giá trị, người hời hợt sẽ chỉ giới thiệu những tác phẩm mang tính lối mòn, dạy cho xong. “Chưa kể, khi không có chương trình quy định cứng, nhiều giáo viên mang câu chuyện thời sự, cuộc sống vào giảng dạy nhưng chưa đủ tầm nên nhiều bài học, đề kiểm tra yêu cầu học sinh bình luận, phân tích các sự kiện, nhân vật bị non tay, tầm phào. Khi đó, học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi”, cô Thanh nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho rằng, bà hoàn toàn ủng hộ khung chương trình Ngữ văn mới, đặc biệt là quan điểm, tinh thần mới. Bởi theo bà Thủy, với chương trình mở sẽ phát huy sự chủ động của người dạy và người học đồng thời đưa môn học gần gũi hơn với cuộc sống. Tuy nhiên, theo bà Thủy, để thực hiện có chất lượng thì trước hết lãnh đạo phải làm tốt việc chỉ đạo giáo viên chăm chút cho chuyên môn, đồng thời tổ nhóm phải thực sự mạnh. “Các tổ nhóm thảo luận cách dạy cụ thể từng nhóm bài, thậm chí từng bài để không bị chênh, phô nhau về mặt quan điểm, nội dung”, bà Thủy nói.

Bà Thủy cũng cho rằng, khi chuẩn bị cho công cuộc đổi mới dạy và học nhiều người cứ băn khoăn về năng lực giáo viên sẽ không đáp ứng được, tuy nhiên trên thực tế giáo viên đã được đào tạo bài bản vì thế không lo về năng lực nhưng có một thực tế giáo viên có “vượt lười” để tự đổi mới hay không. Một số giáo viên hiện nay vẫn dạy ẩu và hời hợt vì thế khi đổi mới lãnh đạo phải chỉ đạo quyết liệt theo quan điểm, nếu không đáp ứng được thì đổi nghề để buộc giáo viên phấn đấu.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.