Đánh thức các điểm trường vùng khó

Đánh thức các điểm trường vùng khó
Điểm trường - tên gọi này rất xa lạ với người dân thành phố, đồng bằng nhưng lại là một khái niệm phổ biến ở các tỉnh vùng cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đánh thức các điểm trường vùng khó ảnh 1

Giờ lên lớp của học sinh vùng cao Sơn La

Điểm trường - là các lớp học nhỏ, nơi thì 1 - 2 lớp, nhiều lắm cũng chỉ tới 3 - 4 lớp. Đại đa số là các lớp ghép (một cô dạy cùng lúc vài học sinh lớp 1 học chung với vài học sinh lớp 2...) được dựng lên tạm bợ gần các khu dân cư của đồng bào dân tộc thiểu số.

Chúng đáp ứng nhu cầu được đi học của trẻ em ở các bản, làng xa xôi vì các em mới có 6 - 10 tuổi, còn quá nhỏ. Các em không thể hàng ngày vượt 5 - 7 km, thậm chí có khi tới vài chục cây số đường rừng núi để tới trường học chính đóng tại trung tâm các xã vùng cao.

Cả nước hiện có 15.531 trường tiểu học nhưng có tới 40.283 điểm trường lẻ. Ở 217 huyện khó khăn nhất nước hiện nay có 4.817 trường tiểu học với 18.055 điểm lẻ, trung bình một trường có tới 5,5 điểm trường lẻ.

Thậm chí tại một số trường tiểu học như Ái Quốc (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn có tới 17 điểm trường lẻ, điểm xa nhất cách trường chính 20 km.

Nơi có nhiều điểm trường lẻ nhất là một trường tiểu học ở Hà Giang với 27 điểm trường lẻ.

Hệ thống các điểm trường được thành lập chính là từ nhu cầu tự phát và chủ trương nhân đạo của Chính phủ. Đó là “Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, nhà nước - nhân dân cùng phối hợp...”.

Tuy nhiên thực trạng cơ sở vật chất tại các điểm trường trong cả nước đang ở mức báo động. Hầu hết lớp học tại điểm trường là những ngôi nhà tạm bợ, hoặc là tận dụng lại một nhà kho cũ có tuổi thọ vài chục năm như điểm trường Hang Đán (xã Tâm Thanh, Văn Lãng, Lạng Sơn).

Hoặc, chúng được dựng lên bằng tranh tre nứa lá, xếp bằng gạch papanh hay bất cứ vật liệu nào mà người dân mang đến đóng góp như ở Pò Mu (xã Thụy Hùng, Lạng Sơn)...

Gắn bó chặt chẽ với các thôn, bản; nằm cách xa các trục giao thông chính, xa các khu thương mại văn minh, học sinh ở các điểm trường này có hoàn cảnh khó khăn nhất trong số các học sinh diện khó khăn của cả nước.

Hiện nay tại các điểm trường đơn sơ ấy, dưới những mái lá một nửa số ngày trong năm mưa dột ấy, hàng triệu trẻ nghèo đã bắt đầu học những chữ cái đầu tiên, bắt đầu con đường đến với tri thức....

Hy vọng về một hướng giải quyết mới

"Cải thiện cơ hội tiếp cận nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xóa dần khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền - bài toán này chỉ có thể giải quyết thông qua việc nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống các điểm trường vùng khó".

Ông Đặng Tự Ân - Trưởng ban Điều phối Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) - đã tâm huyết như vậy khi giải thích vì sao dự án lại chọn trọng tâm hoạt động là các điểm trường lẻ.

Các điểm trường mới xây dựng bao giờ cũng phải đảm bảo có đủ hệ thống cung cấp nước sạch và khu vệ sinh, có đường xe lăn cho trẻ khuyết tật, có phòng cho giáo viên.

Bằng việc đưa ra tiêu chí mức chất lượng tối thiểu, dự án còn giúp 220 huyện khó khăn nhất này hình thành năng lực quản lý giáo dục đồng bộ thông qua hệ thống giám sát, đánh giá, lập kế hoạch ở cơ sở.

Đặc biệt, với PEDC, lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục Việt Nam có đội ngũ nhân viên giáo dục cộng đồng.

Dự án trả lương cho mỗi huyện một nhân viên (150 USD/người/tháng). Có thể là một người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vừa nghỉ hưu hay một thanh niên mới ra trường đầy nhiệt huyết.

Điều quan trọng là người nhân viên này là người bản địa, am hiểu tiếng dân tộc. Họ sẽ xúc tiến thành lập một Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các điểm trường để qua đó nắm bắt rõ hoàn cảnh mỗi học sinh, kịp thòi trợ giúp khi em đó có nguy cơ bỏ học...

Ngay từ khi bắt đầu khởi động, dự án PEDC đã bắt đầu tạo nên những động lực mới cho giáo dục vùng khó khăn.

Chúng tôi đến thăm điểm trường Hang Đán. Từ xa, 4 phòng học đỏ tươi mái ngói hiện lên thật vui mắt giữa cảnh núi non biên giới. Càng đến gần, tiếng đàn, tiếng hát của các em càng rõ dần.

Cô Mông Thị Phượng - Dân tộc Tày, giáo viên chuyên trách mỹ thuật - âm nhạc của trường - vui vẻ nói: Điểm trường mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng thật sự đã mang không khí học tập mới cho cả cô và trò.

Không còn chịu cảnh dột nát, vách phòng học trống hơ trống hoắc như cũ nên các em chăm đi học đều hơn, chất lượng dạy và học cũng được nâng cao hơn.

Cô Phượng cũng cho biết, những năm học cũ, có nhiều hôm mưa rét, cô dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe 35 km đến trường nhưng nền lớp học đầy nước mưa. 1/3 số học sinh nghỉ học ở nhà, một phần do bố mẹ không muốn con mình ngồi học trong cảnh bàn chân dầm nước....

Bên ngoài lớp học, bà Lưu Thị Trường - Mẹ em Trần Văn Quân, học sinh lớp 4 - thổ lộ: “Cháu nhà tôi bây giờ thích đi học hơn ở nhà. Những hôm mưa bão, tôi bảo nghỉ, cháu dứt khoát không nghe. Cháu thích đến lớp được chơi với bạn, được học đàn, được vẽ. Bút và sách vẽ đều là của nhà trường phát miễn phí...”.

Có thể thấy rõ niềm vui trong giọng nói chân chất của người đàn bà vùng cao này bởi chúng tôi hiểu ngay ở các trường tiểu học thuộc khu vực thành phố, đô thị, vùng thuận lợi không phải trường nào cũng có giáo viên chuyên trách mỹ thuật - âm nhạc.

Đây cũng là một cố gắng lớn của các nhà quản lý giáo dục Lạng Sơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện!

Ông Hồ Mạnh Hưng, Giám đốc Sở GD-ĐT Lạng Sơn vui mừng nói: Dự án PEDC đã mang đến cho thầy và trò Lạng Sơn một nguồn lực mới.

Năm 2004, từ nguồn vốn 45 tỷ đồng của PEDC, chúng tôi đã hoàn thành xây mới 65 phòng học và 20 phòng làm việc tại 21 điểm trường. Năm 2005 chúng tối sẽ xây mới 58 phòng học tại 21 điểm trường.

Đặc thù và ưu thế lớn nhất của dự án là tiếp cận tới khu vực khó khăn nhất của giáo dục - đó là điểm trường. Chính điều này đã đánh thức bà con ở các bản làng hẻo lánh, động viên họ phải quan tâm hơn nữa đến việc học tập của con em mình.

Nhiều bà con khi thấy Nhà nước đầu tư xây trường mới đã tự nguyện hiến hàng trăm mét đất để xây trường. Nhiều phụ huynh nghèo đã hồ hởi xin được tham gia góp công vận chuyển nguyên vật liệu...

Tuy nhiên, giải bài toán về điểm trường không phải là chuyện dễ dàng. Bởi lẽ, các điểm trường đều ở xa đường giao thông nên nhiều khi tiền vận chuyển nguyên liệu còn đắt hơn tiền xây dựng. Quy mô lại nhỏ bé (không quá 4 phòng học) nên giá trị công trình không cao, chỉ vài trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư phải phù hợp thông lệ quốc tế do WB quy định nên các nhà thầu không mấy mặn mà. Thậm chí, một số cán bộ lãnh đạo địa phương cũng còn e ngại khi phê duyệt vì có sự vênh nhau giữa quy định của đầu tư quốc gia với quốc tế.

Có lẽ vì vậy nên năm 2004, một số tỉnh ở phía Nam đã phải trả lại tiền hỗ trợ của dự án PEDC. Bù lại những người làm dự án lại có được niềm vui bởi sự chia sẻ của những người dân sở tại.

Tiêu biểu như khi thực hiện chủ trương xây mới điểm trường Tằm Nguyên (xã Tân Liên, Cao Lộc, Lạng Sơn), đã có 3 người dân tình nguyện hiến đất. Đó là bà Trần Thị Thoa hiến 535 m2; bà Lương Thị Vựng, góa chồng hiến 100 m2; anh Lươg Văn Chiến và thầy giáo Mơ hiến 100 m2.

Những hộ này còn từ chối không nhận tiền hỗ trợ thiệt hại hoa màu trên đất chỉ vì lý do đơn giản: “Lo cho con cháu chúng tôi được học tập có phần trách nhiệm của chúng tôi” - Lời bà Thoa.

Với quyết tâm cao và giải pháp đồng bộ, với một thiện chí hướng về trẻ nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn và nhất là với cách làm phù hợp lòng dân, tin rằng bài toàn nâng cấp các điểm trường lẻ sao cho đạt mức chất lượng tối thiểu của PEDC sẽ thu được kết quả tốt trong tương lai không xa.

Không chỉ có cơ sở vật chất tồi tàn, đội ngũ giáo viên ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là lực lượng yếu nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Trình độ thấp và không đồng đều, đa số là 12+2 và 9+3, nghĩa là tốt nghiệp lớp 9+3 tháng học nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là trình độ 7+3.

Họ đã từng có vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng xóa mù chữ những năm trước đây nhưng giờ đây lại rất bắt cập trước yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bên cạnh đó còn một phần do hậu quả của một thời kỳ quan niệm sai lầm là giáo viên vi phạm kỷ luật, giáo viên năn lực kém đưa về vùng sâu, vùng dân tộc.

Với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ, với đội ngũ giáo viên vì nhiều lý do cũng yếu kém nhất, với 100% học sinh gia đình nghèo khó, có thể khẳng định hệ thống điểm trường đang là vùng khó khăn nhất của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Thời gian hoạt động từ năm 2003 đến 2008, Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (PEDC) có tổng kinh phí là 247,34 triệu USD.

Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 138,76 triệu USD, viện trợ không hoàn lại của 4 tổ chức quốc tế là 65,21 triệu USD (Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID); Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA); Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAID), Cơ quan Phát triển Na Uy (NORAD); vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 43,37 triệu USD.

Phần lớn số kinh phí này được dành cho việc xây mới thay thế các phòng học tạm ở gần 20.000 trường và điểm trường ,trong đó có 14.902 điểm trường với 2.743.331 học sinh, trong đó có 1.178.486 học sinh ở điểm trường.

Không chỉ đơn thuần là là rót tiền, xây phòng học mới rồi thôi, dự án thiết kế đầu tư một cách đồng bộ nhằm giúp các điểm trường đạt mức chất lượng tối thiểu.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG