'Đánh thức tiềm lực' vào đề thi: Giới nhà văn nói gì?

TP - Dù văn chương đang mất giá nhưng đề văn, kỳ thi THPT quốc gia lại đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là trích đoạn bài thơ của Nguyễn Duy “Đánh thức tiềm lực”.

Không khó hiểu khi Nguyễn Duy chia sẻ cảm giác vui mừng với báo chí, vì một bài thơ thai nghén khó khăn, khi ra đời gây những luồng dư luận khác nhau, cuối cùng lại có mặt trong đề văn, kỳ thi THPT quốc gia. Không vui mới lạ! Nguyễn Duy tự đánh giá khi được báo chí phỏng vấn: “Lần đầu tiên vấn đề trách nhiệm của văn chương đối với đời sống xã hội ở thì hiện tại được đưa vào đề thi. Điều tôi mừng nữa là văn chương đã được đặt trước thực tế của đời sống, của thì hiện tại”.

Không biết đề thi với trích đoạn “Đánh thức tiềm lực” có đạt được dấn ấn “lần đầu tiên” như Nguyễn Duy chia sẻ hay không nhưng ít nhất nó cũng chứng tỏ một bước đột phá, không để văn chương ru ngủ người trẻ trong bài ca đẹp “đất nước ta rừng vàng, biển bạc”. Tuy nhiên, đây cũng là một đề thi không dễ  với học trò. Ngay cả với giáo viên cũng vậy.

Thí dụ: Đáp án thì khẳng định: “Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào? Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?”, là câu hỏi tu từ. Còn một số giáo viên lại phản đối, cho rằng, chỉ là câu hỏi bình thường, bởi “câu hỏi tu từ phải mang tính nghệ thuật, luôn mang một hàm ý nào đó”. Có lẽ, cũng nên suy nghĩ đến những ý kiến không đồng tình đáp án.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về đoạn trích của “Đánh thức tiềm lực” trên trang cá nhân, chấp nhận “nhặt đá” từ dư luận. Theo nhà văn, “Đánh thức tiềm lực” khá hay và đáng trân trọng nhất là sự dũng cảm của nhà thơ khi dám viết những dòng thơ không màu hồng, trong bối cảnh đất nước bấy giờ (“Đánh thức tiềm lực” ra đời năm 1982).

Ông cũng khen đề thi năm nay về sự đột phá, “dám đề cao phản biện, đánh thức tư duy độc lập, sáng tạo cả học sinh”. Nhưng Vũ Ngọc Tiến thẳng thắn phê người ra đề: “Trích đoạn cho học sinh bình luận còn non hay nhát nên nhiều chỗ rất đáng trích thì không trích”. (Liệu nhà văn Vũ Ngọc Tiến có đồng tình khi một số giáo viên cho rằng, câu thơ được trích trong đề thi không phải câu hỏi tu từ, tức không mang tính nghệ thuật?).

Nếu ai đã đọc hết “Đánh thức tiềm lực” hẳn sẽ thấy Vũ Ngọc Tiến thẳng, thật. Trích đoạn đưa vào đề thi ngữ văn nằm trong phần đầu của bài thơ dài, vì mở đầu nên khá nhẹ nhàng, thậm chí hơi nhạt nhẽo, cũng dễ hiểu khi một số người đọc đoạn trích đã lập tức “ném đá” tác giả của nó. Tâm tư của nhà thơ càng về sau càng dữ dội.

Thông điệp “Tiềm lực còn ngủ yên” liên tiếp được nhắc lại: “Tiềm lực còn ngủ yên/Trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng/Tiềm lực còn ngủ yên/Trong bộ óc mang khối u tự mãn/Tiềm lực còn ngủ yên/Trong con mắt lờ đờ thủy tinh thể…”.

Nhưng trích đoạn thơ của Nguyễn Duy được đưa vào đề thi lại khiến một bộ phận dư luận thích thú ở câu chuyện ngoài lề. Nguyễn Duy là một trong 20 tác giả nổi tiếng xin ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam. Thế mà thơ ông vẫn đàng hoàng xuất hiện trong đề văn, kỳ thi THPT quốc gia. Điều đó cho thấy: Các nhà văn được định giá bằng chính “đứa con” mình sinh ra, chứ không phải bằng “nhác, mãn” được đính lên người.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.