'Đánh vật' với tiếng Anh, Trường hạ chuẩn để sinh viên được tốt nghiệp

Ngoại ngữ đang là rào cản đối với sinh viên Ảnh: Nghiêm Huê
Ngoại ngữ đang là rào cản đối với sinh viên Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Có một thực tế đang diễn ra tại một số trường ĐH là phải hạ chuẩn tiếng Anh để sinh viên được tốt nghiệp.

Sinh viên “đánh vật” với tiếng Anh

Tại thông báo kết luận của Hội đồng khoa học và đào tạo trường ĐH Luật TPHCM về cuộc họp ngày 29/8, một trong những nội dung quan trọng là việc hạ chuẩn đầu ra tiếng Anh ngành Ngôn ngữ Anh.

Thông báo này nêu rõ sẽ chưa áp dụng chuẩn đầu ra cho sinh viên (SV) ngành Ngôn ngữ Anh theo mức điểm 7,0 IELTS trở lên (nếu không đạt ngoại ngữ thứ 2 theo quy định thì chuẩn trình độ tiếng Anh phải đạt từ 7,5 IELTS trở lên). Chuẩn này được trường công bố tháng 12/2016 áp dụng cho khóa 41 trở về sau và các khóa tuyển sinh 2017, 2018. 

Thay vào đó, theo kết luận của hội đồng này, SV ngành học trên từ khóa 41 về sau vẫn tiếp tục sử dụng chuẩn đầu ra của SV các khóa trước đó. Cụ thể, SV cần đạt chuẩn tiếng Anh IELTS từ 6,5 trở lên (trường hợp không đạt năng lực ngoại ngữ thứ 2 theo quy định này thì chuẩn tiếng Anh phải đạt từ 7,0 IELTS trở lên). Như vậy, trường sẽ giảm 0,5 điểm IELTS so với công bố ban đầu từ 7,0 xuống 6,5 (với SV đạt chuẩn ngoại ngữ 2 theo quy định) và từ 7,5 xuống 7,0 (với SV không đạt chuẩn ngoại ngữ 2). Sau gần 4 năm đưa ra mức chuẩn mới nhưng SV vẫn không đạt được như trường đã công bố.

Cuối năm 2018, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM có thông báo về việc hướng dẫn sử dụng chứng chỉ TOEIC trong xét chuẩn đầu ra các chương trình ĐH chính quy, chất lượng cao. Theo đó, trường đã quyết định hạ chuẩn điểm TOEIC 530 điểm 2 kỹ năng (đọc, viết) xuống còn 450 điểm 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Những SV của đợt xét tốt nghiệp cuối cùng trong năm học 2018 - 2019 có thể chọn một trong 2 chuẩn trên, nhưng từ đợt xét đầu tiên của năm học 2019 - 2020 chỉ chấp nhận chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng từ 450 điểm trở lên.

Trong khi đó, theo chia sẻ của nhiều sinh viên, phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở các trường ĐH vẫn thiên về dạy ngữ pháp, chưa có sự tương tác nhiều giữa giảng viên và người học.
Phương tiện hỗ trợ học ngoại ngữ của sinh viên trên giảng đường vẫn là cassette. Các trường đều có phòng Lab nhưng họa chăng hay chớ sinh viên đại trà mới được học. Phòng Lab chủ yếu để phục vụ sinh viên các chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế.

Lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội thừa nhận điều này. Trước câu hỏi tại sao trường đã được tự chủ nhưng cơ sở vật chất để đào tạo ngoại ngữ vẫn không thay đổi so với cách đây cả chục năm, vị lãnh đạo này cho rằng tuy được tự chủ nhưng trường không thể lấy học phí giống như các trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Vì học phí của trường được quy định theo tín chỉ và theo quy định nên lớp học không thể chia nhỏ cũng như rất khó đầu tư cơ sở vật chất. 

Đồng hành với sinh viên để đạt chuẩn

PGS. TS. Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn hằng năm của trường chỉ đạt 55-56%. Trong đó, một phần tại ngoại ngữ. Trường rất “đau đầu” về tình trạng này.

Theo PGS. TS Trần Văn Tớp, từ năm 2013, trường gần như “ép” sinh viên phải học ngoại ngữ. Sinh viên vào trường đều phải trải qua một kỳ kiểm tra ngoại ngữ để xếp lớp. Những sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn học. Lớp học được chia nhỏ khoảng 25 sinh viên.

“Trường chỉ tổ chức dạy cho đến khi sinh viên đạt mức TOEIC 300 điểm. Sau đó, sinh viên sẽ tự học ở bất kỳ đâu. Nhưng phải đạt trình độ  ngoại ngữ từng năm. Hết năm thứ ba phải đạt TOEIC 350, năm thứ 4 là TOEIC 400 và năm cuối là TOEIC 450. Nếu không đạt từng năm sẽ phải hạn chế đăng ký tín chỉ học” - PGS. Trần Văn Tớp nói.

Từ năm 2013, trường gần như “ép” sinh viên phải học ngoại ngữ. Sinh viên vào trường đều phải trải qua một kỳ kiểm tra ngoại ngữ để xếp lớp.
PGSTS Trần Văn Tớp


Một mặt “ép” sinh viên nhưng mặt khác, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tìm mọi giải pháp để hỗ trợ sinh viên.

PGS.TS Trần Văn Tớp cho biết, trường có trung tâm khảo thí tổ chức thi ngoại ngữ cho sinh viên. Trước năm 2015, trung tâm chỉ tổ chức thi 5 lần/năm. Nhưng từ năm 2015, tổ chức 10 lần thi/năm giúp sinh viên có cơ hội nhiều hơn. Do đó, chất lượng ngoại ngữ của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội cũng được cải thiện trong 3 năm gần đây.

Mặt khác, trường cũng tăng cường động viên sinh viên học. Năm 2017, PGS. Trần Văn Tớp cho hay trường có hơn 100 sinh viên không được nhận đồ án vì thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Trường mời từng sinh viên động viên, làm công tác tư tưởng, tạo điều kiện cho sinh viên học. Nhưng chỉ được 80% trong số này theo được, số còn lại thiếu động lực học ngoại ngữ.

MỚI - NÓNG