Đào tạo ĐH qua trực tuyến được Bộ GD&ĐT kiểm soát thế nào

TPO - Để khắc phục khó khăn về đào khi phải nghỉ học dài ngày phòng chống dịch COVID-19, nhiều cơ sở giáo dục ĐH đã triển khai dạy trực tuyến từ sớm. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã có những đánh giá kết quả ban đầu về hình thức đào tạo này.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, để không bị gián đoạn công tác đào tạo trong mùa dịch COVID-19, nhiều trường ĐH đã chủ động triển khai công tác đào tạo trực tuyến. Cụ thể là đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến, mua bản quyền/chuyển giao công nghệ phần mềm quản lý học tập LMS, quản lý nội dung học tập LCMS, tập huấn giảng viên, số hoá học liệu…

Các cơ sở giáo dục ĐH đều xác định đây là cơ hội thúc đẩy số hóa học liệu để tất cả giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý khai thác được các yếu tố tích cực trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập; linh hoạt được thời gian, không gian cho việc dạy và học mọi lúc mọi nơi.

Đào tạo ĐH qua trực tuyến được Bộ GD&ĐT kiểm soát thế nào ảnh 1 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc
Theo số liệu báo cáo nhanh về tình hình triển khai đào tạo từ xa của các cơ sở giáo dục ĐH về Bộ GD&ĐT, đến đầu tháng 4/2020, cả nước hiện có 98 cơ sở giáo dục ĐH đang tổ chức giảng dạy trực tuyến. Bức tranh đào tạo trực tuyến của giáo dục ĐH Việt Nam hiện có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm các trường đã có kinh nghiệm triển khai về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến. Đây là những trường đã sớm quan tâm đầu tư đến hình thức đào tạo này; đã cung cấp được đầy đủ nội dung học tập, quản lý được việc học và sự tiến bộ của người học, có phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách chính xác, khách quan bằng CNTT. Nhóm này chỉ là số ít các cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng điển hình là 2 trường đại học Mở; Nhóm các trường chưa có hệ thống quản lý học tập (LMS), nhưng bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy - học trực tuyến theo thời gian thực (Giảng viên giảng dạy qua mạng internet trực tiếp cho sinh theo đúng thời khóa biểu của CSĐT) khá hiệu quả như Zoom, Google Hangouts Meet, Webex, Micorsoft Teams,…; Nhóm các trường chưa triển khai, chưa sẵn sàng cho việc tổ chức đào tạo từ xa đối với sinh viên chính quy, mới chỉ ở diện cung cấp tài liệu sinh viên tự học.

Theo ông, khi triển khai dạy trực tuyến, các cơ sở giáo dục ĐH đang phải đối mặt với những khó khăn nào?

Khó khăn chung mà các cơ sở giáo dục ĐH đang phải đối mặt hiện nay là: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đầy đủ và đồng bộ; Thiếu học liệu phù hợp cho đào tạo trực tuyến; Thiếu kinh nghiệm quản lý và các quy trình quản lý phù hợp với đào tạo trực tuyến;

Sinh viên, giảng viên mới được bắt đầu tiếp cận về phương pháp, cách thức đào tạo, học theo hình thức trực tuyến, cần có thời gian thích ứng với công nghệ, phương pháp; Khả năng tự học, đọc tài liệu và lĩnh hội kiến thức của sinh viên còn hạn chế trên môi trường mạng; Hiệu quả chưa cao đối với những nội dung/học phần cần sự tương tác giữa giảng viên và người học; Kiểm tra, thi kết thúc học phần còn gặp khó khăn;…

Vấn đề chất lượng đào tạo qua hình thức trực tuyến sẽ được kiểm soát thế nào, thưa ông?

Việc đào tạo trực tuyến thời điểm này có thể chấp nhận như biện pháp tình thế để phòng chống dịch. Trước mắt, chúng tôi chưa đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, nhưng các trường phải có trách nhiệm thực hiện giải trình về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của các học phần dạy trực tuyến.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn chỉ đạo các trường căn cứ vào đặc điểm tình hình và yêu cầu chương trình đào tạo để lựa chọn dạy online đối với học phần phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo.

Các trường sau mùa dịch này sẽ thực sự quan tâm đến việc đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo, không chỉ để ứng phó trong mùa dịch mà còn là tiền đề để phát triển trong tương lai, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy hình thức đào tạo trực tuyến và xây dựng học liệu mở; tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy và học, về phát triển đào tạo từ xa và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.