Đào tạo ĐH: Quy mô tăng, DN vẫn thiếu người làm việc

Đào tạo ĐH: Quy mô tăng, DN vẫn thiếu người làm việc
TPO – “Phương pháp giảng dạy chậm đổi mới nên chất lượng còn hạn chế. SV ra trường kỹ năng thực hành yếu, phải đào tạo lại. Doanh nghiệp cần tuyển người không đủ, trong khi quy mô đào tạo vẫn tăng” – Thứ trưởng Bành Tiến Long nhận xét.
Đào tạo ĐH: Quy mô tăng, DN vẫn thiếu người làm việc ảnh 1
Sinh viên trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh

Phát biểu kết luận tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2007-2008, tổng kết năm học 2006 - 2007,với sự tham dự của lãnh đạo 91 trường đại học và 72 trường cao đẳng khu vực phía bắc ngày 16/8, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Giáo dục đại học phải hướng tới 2 mục tiêu là đào tạo nhân lực trình độ cao và sáng tạo tri thức mới cho đất nước.

Nếu chỉ đào tạo ra nguồn nhân lực có đủ bằng cấp nhưng không đủ khả năng và kiến thức để hành nghề sẽ gây lãng phí và chúng ta sẽ phải xấu hổ vì điều này. Việc cần thiết hiện nay là phải tạo động lực và nguồn lực để hệ thống các trường đại học phát triển.

Đối với giáo dục phổ thông, cuộc vận động “Hai không” trong năm học vừa qua đã tạo ra động lực lớn. Còn ở bậc đại học, muốn tạo động lực, từng trường và toàn ngành cần tăng cường quản lý bằng các quy chế, tiêu chí chất lượng, đưa công tác kiểm định chất lượng đi vào thực tế. Từ nay đến 2010 mỗi trường đại học sẽ trải qua ít nhất 1 lần kiểm định chất lượng.

Phó Thủ tướng gợi ý trước tiên mỗi trường cần xây dựng, quản lý đội ngũ giảng viên theo các tiêu chí chất lượng cao và hoan nghênh một số trường đã có các quy chế như: giảng viên trẻ phải có bằng thạc sĩ do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp (Đại học Thủy lợi); giảng viên trẻ sau 3 năm hợp đồng không vượt qua kỳ thi thạc sĩ hoặc tiến sĩ, không được tham dự các khóa đào tạo nước ngoài,.. sẽ bị cắt hợp đồng làm việc (Đại học Nông nghiệp 1),...

Trường đại học là nơi chỉ dành cho những người có năng lực trí tuệ cao nhất của quốc gia tham gia truyền đạt tri thức (mà tri thức trên thế giới không ngừng đổi mới) nên nếu mỗi giảng viên không ngừng nỗ lực và sáng tạo thì nên chuyển sang làm công việc khác.

Chúng ta phải tiến tới ban hành các quy định: Mỗi tiến sĩ, giáo sư trong một thời gian liên tiếp nhất định phải có các công trình nghiên cứu mới, các báo cáo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế,... Giảng viên đại học là nhân vật trung tâm của bậc học này cần được chăm sóc, đãi ngộ bằng các chính sách tốt hơn nhưng cũng cần được đòi hỏi và đặt yêu cầu cao hơn.

Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng là một mục tiêu ưu tiên hiện nay của toàn ngành để đến 2020 có thêm 20.000 tiến sĩ, 80% số giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ trở lên (ngang bằng các nước tiên tiến hiện nay). Từ nay đến 2010 tất cả hiệu trưởng các trường đại học sẽ đều được bồi dưỡng các khóa quản lý tại Nhật Bản.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, giáo dục đại học vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Báo cáo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, chương trình đào tạo một số ngành nghề ở bậc đại học còn chưa hợp lý (có trường vẫn sử dụng chương trình đào tạo xây dựng từ năm 2000 trở về trước); nhiều môn học không có giáo trình, sinh viên phải học chay; mất cân đối giữa thời lượng lý thuyết và thực hành.

Về công tác xây dựng chương trình, giáo trình, lãnh đạo Bộ GD&ĐT dẫn ra nhận định của các chuyên gia Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) khi họ thực hiện đánh giá chương trình đào tạo của ngành Vật lý, Điện – Điện tử - Viễn thông và Công nghệ Thông tin.

Theo đó, “chương trình đào tạo gồm quá nhiều môn học, ít sự lựa chọn. Nội dung của nhiều môn học và chương trình đào tạo đã lỗi thời, đặc biệt ít dạy về các khái niệm và nguyên lý, quá nhấn mạnh vào kiến thức dữ kiện”.

Các chuyên gia của VEF cũng nhận định, giáo dục đại học còn mất cân đối giữa giờ học lý thuyết và giờ học thực hành; thiếu tính linh hoạt trong việc chuyển tiếp giữa các ngành học, các môn học. Chương trình đào tạo được thiết kế mà không dựa trên những mong đợi rõ ràng về kết quả học tập của sinh viên ở đầu ra.

Phương pháp giảng dạy kém hiệu quả, diễn thuyết, thuyết trình, ghi nhớ một cách máy móc, giao ít bài tập về nhà, ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên.

Đào tạo sau đại học còn nhiều bất cập

Đào tạo ĐH: Quy mô tăng, DN vẫn thiếu người làm việc ảnh 2

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 148 cơ sở đào tạo sau đại học, trong đó có 78 trường đại học và 70 Viện nghiên cứu. Số cơ sở đào tạo Tiến sĩ là 122, trong đó 54 cơ sở là trường đại học và 68 cơ sở là Viện nghiên cứu.

Tuy nhiên, hiện nay, “việc quản lý quá trình học tập và nghiên cứu khoa học của học viên, đặc biệt là nghiên cứu sinh còn lỏng lẻo…, không quản lý được tiến độ nghiên cứu của nghiên cứu sinh, đề tài luận án trùng lặp… Việc tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ của nhiều cơ sở chưa thực hiện đúng quy chế…”.

“Các luận án tiến sĩ kinh tế có nhiều điểm yếu giống nhau. Các nghiên cứu sinh không có điều kiện và thói quen khai thác, sưu tầm các công trình nghiên cứu cùng lĩnh vực trong và ngoài nước, không biết cách viết tổng quan, nhận xét kết quả của người đi trước, năng lực phân tích số liệu kém…” - Thứ trưởng Bành Tiến Long dẫn ví dụ.

Trước thực trạng này, để đạt được mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ gửi 10.000 người ra nước ngoài nghiên cứu chương trình Tiến sĩ. “Bộ sẽ ký hợp đồng với các nước để gửi giảng viên sang đào tạo như Hòa Kỳ: 2.500; Anh: 1.000 người; Đức: 1.000 người; Úc: 1000 người, Pháp: 700 người…” – Ông Long cho biết.

Cùng với việc hướng tới mục đích đào tạo đội ngũ trình độ tiến sĩ phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu, ngành giáo dục đào tạo cũng đề ra 9 định hướng để phát triển giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 7/2007, cả nước có 325 ĐH, Học viện, trường ĐH, trường CĐ, trong đó có 155 ĐH, Học viện, trường ĐH; 170 trường CĐ (gồm cả các trường thuộc khối an ninh quốc phòng). Có 54 trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

Tổng số sinh viên CĐ, ĐH năm 2006 – 2007 là 1.415.563 (tăng 10,21% so với năm 2005 – 2006). Tỉ lệ sinh viên/giảng viên bình quân trung của cả hệ thống giáo dục ĐH năm học 2006 – 2007 là 27,15 sinh viên/1 giảng viên. Khối các trường ngoài công lập, bình quân 31,1 sinh viên/giảng viên.  

MỚI - NÓNG