Đào tạo sư phạm như công an, quân đội: Hết lo thủ khoa về quê chăn lợn

Chuyện về thủ khoa Bùi Thị Hà gây xôn xao dư luận. (Ảnh: NVCC)
Chuyện về thủ khoa Bùi Thị Hà gây xôn xao dư luận. (Ảnh: NVCC)
TPO - Có ý kiến cho rằng, đào tạo theo đơn đặt hàng là cách tốt nhất đảm bảo ngân sách sử dụng có hiệu quả; đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm như công an, quân đội.

Luật Giáo dục năm 2019 (gồm 9 chương, 115 điều) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009, có điểm mới đáng chú ý là sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học, phải hoàn trả nếu không làm đúng ngành sau 2 năm tốt nghiệp.

Theo đó, học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Trước  quy định này, có ý kiến cho rằng, đào tạo theo đơn đặt hàng là cách tốt nhất đảm bảo ngân sách sử dụng có hiệu quả;  đảm bảo sinh viên sư phạm ra trường có việc làm như công an, quân đội.

Vậy liệu  sinh viên Sư phạm sẽ được bố trí việc làm như  Công an, Quân đội trong thời gian tới?

Nếu chỉ nghĩ đến học phí rồi lao vào học sẽ dẫn đến sự lãng phí

Trao đổi với phóng viên, TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, mỗi giai đoạn phát triển có chính sách phù hợp. Giai đoạn trước nhằm khuyến khích vào học sư phạm để đáp ứng nhu cầu giáo viên.

Theo TS Vinh, sau một số năm qui mô đào tạo sư phạm tăng nhanh dẫn đến dư thừa giáo viên ở nhiều bộ môn. Khi cung vượt cầu thì người ta phải cạnh tranh vị trí việc làm và tiêu cực trong tuyển dụng xuất hiện ở ngành giáo dục và nội vụ.

“Qua đây cũng thấy ngành học ngành sư phạm cũng không có sự cân nhắc về năng lực, sự đam mê mà chỉ nghĩ đến không phải đóng học phí rồi lao vào học dẫn đến sự lãng phí nếu không kiếm được việc làm đúng ngành đào tạo", ông Vinh nói.

Nếu đảm bảo đầu ra chắc chắn tuyển được nhân tài

TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc chủ động trong kế hoạch nhân lực nhà giáo thuộc về các trường và ngành giáo dục là chính. Đó là nơi biết mình cần gì cần bao nhiêu ở bộ môn học nào, mà không phải của ngành Nội vụ...

Tuy nhiên, theo TS Vinh, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và nội vụ không tốt dẫn đến kế hoạch bị phá vỡ. Việc "đặt hàng" (gọi nôm na là vậy) là nên làm và tăng tính tự chủ của nhà trường và tính chủ động của ngành giáo dục.

“Nếu đảm bảo đầu ra theo chất lượng yêu cầu như ngành công an, quân đội thì chắc chắn tuyển được nhân tài sư phạm cho ngành”- TS Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vinh, nếu làm được và triển khai thì sẽ gặp khó. Vấn đề cấn đề phải giải quyết là sự phối hợp giữa giáo dục và nội vụ cũng như tăng quyền trách nhiệm cho nhà trường nơi sử dụng trực tiếp đội ngũ nhân lực này..

Khó khăn duy nhất là các trường, ngành giáo dục và nội vụ địa phương không thống kê được số giáo viên sẽ đến tuổi nghỉ chế độ, qui mô học sinh theo cấp học và nhu cầu về số lượng giáo viên thay thế giáo viên  nghỉ chế độ và nhu cầu của việc đổi mới chương trình sách giáo khoa cũng như yêu cầu tiêu chuẩn trình độ giáo viên theo luật giáo dục có hiệu lực vào tháng 7/2020.

“Nếu có thống kê chuẩn và dự báo được số giáo viên sau 4 năm nữa rồi ký kết hợp đồng đào tạo với trường ĐH Sư phạm thì hoàn toàn khả thi”- TS Vinh nói.

MỚI - NÓNG