Đại học Quốc gia TPHCM:

Đào tạo theo chuẩn khu vực và thế giới

Đào tạo theo chuẩn khu vực và thế giới
TP - ĐH Quốc gia TPHCM đã thành lập được 15 năm. Mô hình này đã phát triển như thế nào, định hướng phát triển ra sao, sinh viên sẽ được tiếp cận những dịch vụ đào tạo mới nào? Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM về vấn đề này.
Đào tạo theo chuẩn khu vực và thế giới ảnh 1
PGS.TS Phan Thanh Bình

Việc mời AUN (Tổ chức đánh giá ngoài trong lĩnh vực giáo dục của Đông Nam Á) đánh giá một số ngành học của ĐHQG TPHCM được xem như lựa chọn đột phá của ĐHQG TPHCM để hòa nhập với giáo dục đại học khu vực. Sắp tới, ĐHQG TPHCM đưa ra những quyết định nào khác để nâng tầm chất lượng?

Trước hết phải khẳng định việc thành lập hai ĐHQG tại Việt Nam là một quyết sách đúng đắn. Mô hình ĐHQG phù hợp với khuynh hướng phát triển chung của ĐH thế giới.

Còn về kiểm định chất lượng thì: việc mời tổ chức kiểm định, đánh giá ngoài là thẩm định chất lượng giáo dục của ĐHQG TPHCM là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng và đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong quá trình này, chúng tôi hướng đến một công nghệ đào tạo tiên tiến và phù hợp với thông lệ quốc tế.

ĐHQG TPHCM đã triển khai những chương trình hoạt động chủ yếu nhằm thay đổi phương pháp giảng dạy, đào tạo và quản lý đào tạo: như hoàn thiện phương thức đào tạo theo tín chỉ, tiến hành thí điểm cải cách và xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO (Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành), hoàn thiện môi trường sống, sinh hoạt của sinh viên với việc hình thành Khu Đô thị ĐHQG…

Đào tạo tại ĐHQG TPHCM sẽ chuẩn hóa theo tiêu chuẩn AUN cũng như các chuẩn quốc tế khác. Ví dụ, Khoa Khoa học máy tính của Trường ĐHBK đang triển khai theo chuẩn ABET (American Board for Engineering and Technology - Hội đồng kiểm định kỹ thuật và công nghệ Hoa Kỳ).

Một trong những mục đích của quá trình chuẩn hóa, hội nhập là tạo sự liên thông với các trường ĐH trong khu vực và thế giới. Đây cũng là chủ đề năm 2010 của ĐHQG TPHCM.

Để hướng đến chủ đề này, từ ngày 18 đến 21-1-2010, ĐHQG TPHCM đã tổ chức Hội nghị ACTS (ASEAN Credit Transfer System - Hệ thống chuyển đổi tín chỉ Đông Nam Á) nhằm chuẩn bị cho việc chuyển đổi việc học tập và công nhận các tín chỉ đào tạo trong khối ASEAN.

Được biết, sắp tới, TPHCM sẽ có Khu đô thị ĐHQG TPHCM, mô hình này sẽ tạo ra diện mạo mới như thế nào, thưa PGS?

Theo quy hoạch sau năm 2013, khu đô thị ĐHQG TPHCM cơ bản sẽ hoàn thành, và để đáp ứng thời hạn này, hiện nay hàng loạt dự án, các công trình đã và đang triển khai quyết liệt như: KTX sinh viên 60.000 chỗ phải hoàn thành vào cuối năm 2011, nhà văn hóa sinh viên… Đây sẽ là những công trình tạo nên Khu đô thị ĐHQG TPHCM với nhiều thay đổi.

Cảm ơn PGS.

Đăng Khoa (thực hiện)

MỚI - NÓNG