Đạt 22 - 27 điểm vẫn có thể trượt đại học

Đạt 22 - 27 điểm vẫn có thể trượt đại học
“Không tuyển NV2” - Đây là câu trả lời của những trường có kết quả điểm thi quá cao trong kỳ tuyển sinh năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thí sinh đạt từ 22 - 27 điểm trượt Đại học.
Đạt 22 - 27 điểm vẫn có thể trượt đại học ảnh 1
Hồi hộp xem điểm thi

Không chỉ các gia đình có con em tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH - CĐ 2005 mà toàn xã hội đang hồi hộp ngóng đợi các trường công bố điểm chuẩn chính thức.

Tuy nhiên, điểm chuẩn dự kiến của một số trường cũng đã đủ làm không ít các bậc cha mẹ và thí sinh choáng thực sự: ĐH Dược HN dự kiến chuẩn 27,5 - 28,0; ĐH Răng Hàm mặt dự kiến 25,5; ĐH Ngoại thương HN: ngành cao nhất hơn 27,0 điểm, khối A thấp nhất cũng khoảng 26,5, khối D khoảng 25-26, ngành thấp nhất là 24-24,5 điểm...

Theo một nguồn tin, trường ĐH Ngoại thương HN đang định đề nghị Bộ GD - ĐT cho tuyển thêm (nếu chỉ lấy đủ chỉ tiêu sẽ đánh trượt một số thí sinh điểm rất cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với điểm đậu vào các trường khác. Việc này sẽ gây phức tạp về mặt xã hội như một nhà tuyển sinh ở trường này bày tỏ.

Một GS của một trường ĐH lớn tại HN tiên lượng: tình hình điểm chác thế này sẽ gây ra một sự bối rối trong xã hội và hậu quả sẽ lớn hơn người ta tưởng rất nhiều.

“Không tuyển NV2” câu trả lời lạnh lùng này của những trường có kết quả điểm thi quá cao đồng nghĩa với việc sẽ có tương đối nhiều các thí sinh đạt từ 22 - 27 điểm trượt ĐH (theo tin từ ĐH Dược HN, trường hiện nay có điểm chuẩn dự kiến cao nhất, số thí sinh đạt 3 điểm 9 nhưng không thuộc diện ưu tiên nào bị trượt ĐH này khá nhiều).

“Thước đo năm nay không chính xác, điểm thì cao nhưng không tuyển được học sinh giỏi thực sự” là ý kiến chung của gần như 100% nhà tuyển sinh được hỏi.

Một GS và là nhà quản lý GD ĐH có tên tuổi bình luận: Chúng ta đang sử dụng chiếc máy đo chỉ đo cao nhất được 50km/giờ cho nhiều chiếc xe chạy được các tốc độ 100, 90, 80, 70 km/giờ và gặp các trường hợp như thế chiếc đồng hồ này đều chỉ “kịch kim” cả.

Cứ đà thi cử này, đề thi này, thước đo này, ngoài sự bức bối trong xã hội, kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ còn gây ra một hậu quả nguy hiểm hơn nhiều: học sinh giỏi thật sự sẽ không cần học, không cần sáng tạo.

Điều đáng buồn là hàng năm nhiều người hoan hỉ trước việc tốc độ đào tạo ĐH, CĐ tăng 5% (dư luận băn khoăn không biết dựa trên cơ sở khoa học nào mà cứ tăng đều như vậy). Lẽ ra, thay vì cố sức tăng về số lượng, nên tập trung làm tốt công tác tuyển chọn người tài và nâng cao chất lượng đào tạo.

Một vị GS cho biết đã nhiều lần trường ĐH của ông đề nghị thay đổi hình thức kiểm tra kiến thức mang tính học thuộc bằng kiểm tra năng lực nhưng Bộ không tiếp thu. Thành thử, chúng ta vẫn kiểm tra học sinh như kiểm tra những chiếc máy ghi âm hay photocopy.

Trong lúc, ở các nước, người ta đặt câu hỏi cho thí sinh kiểu: Hãy giải thích vì sao ở vùng X. Phát triển sản phẩm kia mà không phải là thứ khác thì chúng ta vẫn quanh quẩn với những câu hỏi kiểu: “Nhà thơ X. sinh năm nào”...

Tình trạng kỳ thi đại học năm nay và mấy năm gần đây cho thấy ta không có nhưng giải pháp khả dĩ giải quyết được vấn đề nên cứ vá víu theo lối “đẽo cày giữa đường”. Điểm thấp quá, người ta kêu thì lập tức cho đề dễ. Đề dễ quá, điểm quá cao thì chắc sang năm lại sẽ cho đề khó. Các thí sinh năm tới liệu hồn! 

MỚI - NÓNG