Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ:

Đầu tư theo sản phẩm cho giáo dục đại học

Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh
Sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Chương trình tiên tiến đã thực hiện được 8 năm, nhưng hai mục tiêu  mà đề án đưa ra không đạt, đó là thu hút sinh viên quốc tế và giảng viên quốc tế.

Tại hội nghị tổng kết chương trình vừa qua, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xung quanh câu chuyện này.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Một trong những mục tiêu để thực hiện chương trình tiên tiến (CTTT) là thu hút sinh viên, giảng viên nước ngoài, vì có nhiều lợi ích đối với giáo dục đại học (ĐH) của Việt Nam. Đó là ngoài chuyển giao công nghệ còn tăng cơ hội hội nhập giữa các sinh viên với nhau. Phải dạy bằng tiếng Anh, bởi có sinh viên quốc tế nên thầy cô không thể dạy được bằng tiếng Việt. Tiếp đến là thay đổi hình ảnh giáo dục Việt Nam với quốc tế. Mục tiêu này không đạt được vì còn rất nhiều điều khó khăn và là điều phải chấp nhận.

Muốn có sinh viên quốc tế đến học, chúng ta phải tạo ra môi trường đồng bộ mà trước hết là chất lượng đào tạo. Trong khi đó, chất lượng của chúng ta thì còn mức độ. Thứ hai là điều kiện để sinh viên nước ngoài sống và học tập còn nhiều khó khăn. Vì trong một trường chỉ có một đến hai CTTT còn lại là chương trình thường. Kiểu xôi đỗ như thế không thuận lợi với sinh viên quốc tế. Do vậy,  chúng ta phải chấp nhận trong giai đoạn đầu chỉ có một số sinh viên sang học một vài tín chỉ, hoặc giao lưu. Nhưng chúng ta phải có cách, có lộ trình tăng dần  tỷ lệ sinh viên quốc tế đến tham gia học tập tại Việt Nam. Họ không còn sang để học một vài tín chỉ hay là giao lưu nữa mà là sang để học toàn phần.

Thưa ông, có chuyên gia cho rằng với sinh viên quốc tế, họ quan tâm đến uy tín của một quốc gia rồi mới quan tâm đến uy tín của các trường ĐH. Vậy với Việt Nam, ngành giáo dục cần có biện pháp như thế nào để có thể tạo được uy tín đối với sinh viên quốc tế?

Đầu tư theo sản phẩm cho giáo dục đại học ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ 

Ý kiến này đúng nhưng chưa đủ. Uy tín quốc gia giải quyết được rất nhiều vấn đề không riêng  giáo dục. Xây dựng hình ảnh một quốc gia là một quá trình rất công phu. Nhưng nếu cứ đợi uy tín quốc gia rồi mới làm giáo dục thì không hiệu quả. Mà uy tín của một quốc gia được xây dựng từ uy tín của các hoạt động trong đó có giáo dục. Tiếp cận từ thực tiễn đó, chúng tôi chọn trong một mảng hơn 200 trường ĐH những trường khá hơn. Trong trường khá hơn, chọn một số ngành tốt hơn mà ngành này xã hội cần, doanh nghiệp cần, không phân biệt công lập, dân lập để đầu tư. Trước kia, chúng ta đầu tư theo kiểu dàn trải thì bây giờ đầu tư theo hướng giao nhiệm vụ. Ví dụ chương trình nào tốt thì trao học bổng, cần thu hút giảng viên nước ngoài thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Đầu tư như thế sẽ có hiệu quả hơn so với việc giao kinh phí về trường như hiện nay.

Nhưng giáo viên trong nước, đặc biệt là những người được học ở nước ngoài về không phải là không giỏi. Đừng nghĩ nhìn vào quốc tịch mà suy ra giáo viên giỏi.  Tôi  nghĩ chúng ta nên hài hòa. Một  chương trình tốt, theo tôi là một chương trình tự chủ được giáo viên cơ hữu, nếu không sẽ trở thành đi thuê. Về cơ bản, một chương trình tốt là chương trình chỉ có một tỷ lệ nhất định giáo viên quốc tế, họ không chỉ là tham gia giảng dạy mà họ còn tham gia vào quá trình kiểm định các chương trình của chúng ta. Chúng ta cũng phải dần dần để có được những giảng viên thuộc diện  “ngôi sao”.

Bộ dự định nhân rộng mô hình chương trình tiên tiến đến mức độ nào, thưa ông?

Nhân rộng đến mức độ nào thì không thể nói trước mà phụ thuộc vào tính hiệu quả và định hướng đầu tư bền vững. Với một chương trình phải 10 năm mới đánh giá được tính hiệu quả. Thời gian tới, tôi muốn nhấn mạnh đến khu vực ngoài công lập. Chúng ta cần tạo ra được môi trường tốt để họ tham gia cạnh tranh. Họ có tham gia thì khu vực công lập mới có động lực để phát triển. Như tôi đã nói ở trên, sắp tới, nhà nước sẽ không còn đầu tư dàn trải như hiện nay và sẽ đầu tư theo sản phẩm. Có như thế mới tạo được sự phát triển đối với các trường ĐH.

Xin cảm ơn ông!

Về những trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Về bậc mầm non, Bộ sẽ phối hợp các địa phương để đánh giá tình hình đào tạo giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng, phổ cập giáo dục mầm non. Bậc phổ thông, bộ đặc biệt ưu tiên việc xây dựng chương trình phổ thông mới, bao gồm chương trình học cụ thể và sách giáo khoa mới. Đến giữa năm 2017, Bộ sẽ hoàn thiện và công bố chương trình này. Về giáo dục ĐH, Bộ tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm định chất lượng, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, đặc biệt các trường sư phạm. 

MỚI - NÓNG