Dạy, Dỗ, Dọa, Diệt: Chiêu thức 'ép' sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ

Học ngoại ngữ tại phòng Lab là mơ ước của nhiều sinh viên ĐH.
Học ngoại ngữ tại phòng Lab là mơ ước của nhiều sinh viên ĐH.
TPO - Để “ép” bằng được sinh viên đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra, nhiều trường Đại học phải sử dụng 4 chữ D: Dạy, Dỗ, Dọa, Diệt. Nhưng giải pháp này không phải lúc nào cũng có tác dụng.  

Theo chia sẻ của nhiều sinh viên, phương pháp giảng dạy tiếng Anh ở các trường ĐH vẫn thiên về dạy ngữ pháp, chưa có sự tương tác nhiều giữa giảng viên và người học.

Phương tiện hỗ trợ học ngoại ngữ  của sinh viên trên giảng đường vẫn là cassette.  Các trường đều có phòng Lab nhưng họa chăng hay chớ sinh viên đại trà mới được học. Phòng Lab chủ yếu để phục vụ sinh viên các chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế.

Lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội thừa nhận trường có phòng lab nhưng sinh viên đại trà chủ yếu vẫn  học bằng cassette. Chỉ một số bậc được vào học phòng Lab. Đó là những sinh viên học chương trình quốc tế, cần phải học nhanh ngoại ngữ.

Trước câu hỏi tại sao trường đã được tự chủ nhưng cơ sở vật chất để đào tạo ngoại ngữ vẫn không thay đổi so với cách đây cả chục năm, vị lãnh đạo này cho rằng tuy được tự chủ nhưng trường không thể lấy học phí giống như các trung tâm đào tạo ngoại ngữ. Vì học phí của trường được quy định theo tín chỉ và theo quy định nên lớp học không thể chia nhỏ cũng như rất khó đầu tư cơ sở vật chất.

Trong khi đó, khi sinh viên bắt đầu vào trường sẽ được kiểm tra đầu vào để chia lớp. Nhưng trình độ của sinh viên chủ yếu ở mức A1, A2 (theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam) nên đôi khi trường không đủ đội ngũ giảng viên, còn phải đi thuê.

Còn lãnh đạo phòng Đào tạo của một trường ĐH khác cũng thừa nhận vấn đề ngoại ngữ nhiều khi phải “ép” sinh viên học. Dù không muốn nhưng trường vẫn phải áp dụng giải pháp 4 chữ D: Dạy, Dỗ, Dọa, Diệt để ép sinh viên học ngoại ngữ.

Vừa ép vừa tạo điều kiện

Trong khi đó, PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho hay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn hàng năm đó cũng chỉ đạt 55-56%. Trong đó, một phần tại ngoại ngữ. Trường rất đau đầu. Nhà trường làm thế nào?

Từ năm 2013, trường gần như “ép” sinh viên phải học ngoại ngữ. Sinh viên vào trường đều phải trải qua một kỳ kiểm tra ngoại ngữ để xếp lớp. Những sinh viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn học. Lớp học được chia nhỏ khoảng 25 sinh viên.

“Trường chỉ tổ chức dạy cho đến khi sinh viên đạt xong TOEIC 300 điểm. Sau đó,  sinh viên sẽ tự học ở bất kỳ đâu. Nhưng phải đạt ngoại ngữ từng năm. Hết năm thứ ba phải đạt TOEIC 350, năm thứ 4 là TOEIC 400 và năm cuối là TOEIC 450. Nếu không đạt từng năm sẽ phải hạn chế đăng ký tín chỉ học” – PGS. Trần Văn Tớp nói.

Một mặt “ép” sinh viên nhưng mặt khác, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tìm mọi giải pháp để hỗ trợ sinh viên.

PGS. Trần Văn Tớp cho biết, trường có trung tâm khảo thí tổ chức thi ngoại ngữ cho sinh viên. Trước 2015, trung tâm chỉ tổ chức 5 lần/năm. Nhưng từ năm 2015, tổ chức 10 lần thi/năm. Nhưng cũng có điều kiện là không thí sinh nào được thi hai lần liên tiếp.  Một năm trung tâm tổ chức thi cho khoảng 20.000 lượt sinh viên. Giúp sinh viên có cơ hội nhiều hơn. Nó cũng được cải thiện trong 3 năm gần đây.

Mặt khác, trường cũng tăng cường động viên sinh viên học. Năm 2017, PGS. Trần Văn Tớp cho hay trường có  hơn 100 sinh viên không được nhận đồ án vì thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Trường mời từng sinh viên động viên, làm công tác tư tưởng, tạo điều kiện cho sinh viên học. Nhưng chỉ được 80% trong số này theo được, số còn lại thiếu động lực học ngoại ngữ.

Từ năm 2017, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chuyển sang đón đầu xu hướng mới, đào tạo kết hợp online và offline đối với môn Ngoại ngữ. Trường thí điểm 3 lớp học TOEIC theo hình thức này, kết quả khả quan. Bắt đầu từ năm học 2018 -2019, trường tổ chức  25 lớp buổi tối và 10 lớp ban ngày bằng hình thức kết hợp với tinh thần  hoàn toàn tự nguyện.

Trước băn khoăn về việc các trường mới chỉ yêu cầu chuẩn ngoại ngữ nội bộ (do các trường tự tổ chức thi), lãnh đạo một trường cho biết thực tế thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chi phí rất cao. Sinh viên phải thi đi thi lại nhiều lần cũng là một gánh nặng về kinh phí. Vì thế, các trường khuyến khích sinh viên thi chứng chỉ quốc tế chứ chưa bắt buộc.

MỚI - NÓNG