Dạy học ở nơi xa nhất Mù Cang Chải

Dạy học ở nơi xa nhất Mù Cang Chải
TP - Trường Háng Tày nằm giữa đại ngàn của xã Chế Tạo (Mù Cang Chải, Yên Bái). Ngày mới lên, do bất đồng ngôn ngữ, thầy Nguyễn Trung Thành dậy học mà trò thì cứ như vịt nghe sấm... 
Dạy học ở nơi xa nhất Mù Cang Chải ảnh 1
Một thầy giáo dạy đồng thời… hai lớp học

Xã Chế Tạo (tiếng Mông là Chế Tẩu), nằm “chót vót” trên vùng núi cao huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Nơi đây nhiều học sinh chưa một lần được gọi tên cô giáo.

Bao gian nan vất vả của sự nghiệp trồng người cho người Mông trên đỉnh Chế Tẩu này đều đặt lên vai 18 thầy giáo trẻ.

Mù Cang Chải là huyện xa nhất, khó khăn và nghèo nhất tỉnh Yên Bái thì xã Chế Tạo cũng “lãnh trọn” những cái nhất đó. Để vào được Chế Tạo, người ta phải qua hơn 35 km đường dốc cao, vực sâu, cua tay áo, ta-luy sạt lở...

Giữa trưa, mây mù vẫn bảng lảng trong nhà dân. Sáng nào mây cũng bay cả vào lớp học của thầy giáo người Kinh. Mây sà trên vở của học sinh.

Thấy chúng tôi đi xe máy vào tận trường, mấy thầy giáo trẻ còn ra xem cái biển xe máy số 29 (Hà Nội) mới tin là mình... có khách. Lâu lắm rồi, các thầy mới có khách miền xuôi lên chơi.

Từ khi gặp chúng tôi, thầy Hà Xuân Hữu - giáo viên dạy tiểu học cứ cười mãi. Thầy Hữu bảo: Gặp các nhà báo đến thăm, mình vui lắm. Không vui sao được, khi mà một năm cả xã Chế Tạo đón khách phương xa đến thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói xong thầy Hữu nhẩm tính, hình như chúng tôi là đoàn khách thứ hai đến Chế Tạo. Đoàn trước đó đến nghiên cứu về Khu bảo tồn thiên nhiên. Có lẽ vì thế, chúng tôi vô tình trở thành thượng khách.

Căn nhà của các thầy nằm trên một đỉnh núi quanh năm gió thổi tứ bề. Ngôi nhà này được chia làm hai gian, mỗi gian có 5 thầy ở. Mỗi gian kê hai chiếc giường và một cái bàn soạn giáo án đã chiếm gần hết diện tích.

Từ chiếc giường ngủ, chạn bát, nền nhà đến góc bếp đều bừa bộn. Thầy Hoàng Anh Vượng, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Chế Tạo giãi bày: “Vắng đàn bà thì quạnh bếp. Toàn trường có 20 người, trong đó có 18 giáo viên, một bảo vệ, một kế toán đều là nam giới, nên mọi việc bếp núc các thầy tự đảm nhiệm hết”.

Giáo viên nào đã lên Chế Tạo đều phải kiên trì bám trường, bám lớp mới trụ lại được, bởi lẽ ở đây nói đến cái gì cũng khó khăn cả. Anh Vượng kể, trời nắng đi con đường này đã toát mồ hôi rồi. Những hôm trời mưa có việc muốn ra thị trấn phải có cách chống trơn ngã mới vượt được núi. Cách này các thầy giáo học được từ kinh nghiệm của những chàng trai người Mông.

Đầu tiên phải tháo hết hơi xe, buộc một cái xích xe vào lốp, sau đó bơm hơi căng hai lốp, chỉ những tay lái thuộc dạng “công phu tuyệt đỉnh” mới đi được. Thường thì ai đã vào Chế Tạo thì không muốn ra mà đã ra ngoài thì không muốn vào.

Thầy giáo như... mẹ hiền

Ở các trường tại bản thiếu thốn đủ thứ, nên các thầy giáo ở Chế Tạo cứ phải thay nhau đi “cắm” bản. Trường chỉ có 18 giáo viên nhưng dạy đủ ba cấp gồm mầm non, tiểu học, THCS.

Đặc biệt hơn, tất cả giáo viên của trường đều là nam giới nên dạy mầm non cũng do các thầy đảm nhiệm.

Xã Chế Tạo gồm 4 khu là Chế Tạo, Tà Dông, Khu 2 và Háng Tày, trong đó xa nhất là Háng Tày. Tính từ trung tâm xã vào đến đó phải mất 6 giờ đi bộ đường rừng.

Điểm Háng Tày có hai giáo viên, trong đó một là người bản địa, người còn lại là thầy Nguyễn Trung Thành, giáo viên trường tiểu học Chế Cu Nha (cùng huyện Mù Cang Chải), được tăng cường lên đây từ đầu năm 2006.

Thầy Thành vừa dạy mầm non, vừa dạy tiểu học. Đang trò chuyện cùng những giáo viên ở điểm chính thì thầy Thành từ Háng Tày ra đến nơi. Lúc ấy là đầu giờ chiều.

Thầy Thành chỉ kịp hút xong điếu thuốc lào đã vội vã chuẩn bị để đi vào bản. “Nếu không nhanh, trời tối đi khổ lắm” - thầy Thành cười phân bua. Trường Háng Tày nằm giữa đại ngàn Chế Tạo. Thầy Sinh thông thạo tiếng Mông nên không gặp khó khăn gì về ngôn ngữ. Riêng thầy Thành, những ngày đầu, thầy và trò bất đồng ngôn ngữ, nên thầy thì cứ dậy mà trò thì cứ việc... vịt nghe sấm. Không còn cách nào khác, thầy Thành phải tự xóa mù chữ tiếng Mông cho mình trước.

Hàng đêm, Thành chong đèn dầu ngồi học tiếng Mông. Thầy Thành biết rõ, chỉ khi nào thầy nói được tiếng của người Mông thì mới tiếp xúc và vận động họ cho con em mình đi học.

Thầy Thành nói được tiếng Mông, mỗi tối đi vận động đến nhà thứ ba đã say khướt rồi. Nói đến chuyện dạy học của thầy Thành có lẽ chẳng nơi nào tin nổi.

Sáng đến thầy phải dậy rất sớm để đến từng nhà đón học sinh. Những ngày mùa đông giá rét mà không một học sinh nào có đủ quần áo rét mặc. Lớp học trống hoác gió thổi tứ bề khiến các em run cầm cập.

Thầy Thành đành đốt mấy đống lửa quanh lớp cho học sinh chống rét. Rồi “uốn” các em đánh vần từng chữ cái. Rồi thầy dạy cả các em múa, hát... Nhiều buổi đang ngồi học có em lại khóc ré lên vì nhớ bố, nhớ mẹ, thầy Thành lại phải dỗ dành, an ủi mãi mới nín.

“Tổ ấm” xa vợ

Chuyện khó nói nhất của các thầy ở Chế Tạo là hy sinh hạnh phúc riêng tư mới hoàn thành được nhiệm vụ. Hôm chúng tôi đến Chế Tạo, thầy Vượng vừa cưới vợ.

Người ta thì lo đi hưởng tuần trăng mật, còn thầy Vượng ở nhà với vợ chưa quen hơi ấm, đã phải khăn gói lên trường. Từ hôm cưới đến nay đã gần hai tháng mà thầy Vượng chưa về thăm vợ được, mặc dù vợ chồng chỉ cách nhau hơn trăm cây số.

Chẳng là từ trường về đến quê mất một ngày và một ngày để quay lại trường. Nếu anh Vượng muốn về với vợ thì ít nhất phải có hai ngày, trong khi mỗi tuần chỉ được nghỉ một ngày. Anh Vượng tâm sự: Nhiều khi nhớ vợ thì cứ chạy lên đỉnh núi hét một câu thật to rồi về.

Cũng giống như thầy Vượng, thầy Hữu có vợ ở xa. Tuy vợ chồng ở cùng một tỉnh, nhưng một năm anh chị chỉ gặp nhau vài lần. Phần còn lại của cuộc đời thầy Hữu là “cắm bản”.

Hết Suối Giàng (Văn Chấn), rồi các bản xa xôi Trạm Tấu và giờ đây là đến Chế Tạo. Nhiều khi thầy đi lâu không về, vợ thầy lại băng rừng lên thăm. Từ huyện Văn Chấn lên Chế Tạo có 150km đường mà chị phải chuyển xe mấy lần. Đầu tiên là đi ô tô, hết đường ô tô chuyển sang xe ôm, và hết đường đi xe ôm thì chuyển sang lội bộ.

Chị đi đường rừng mệt đến nỗi không nhấc chân lên nổi thì chống tay bò. Cả ngày trèo đèo, lội suối, chị Hồng mới vào đến Chế Tạo, chân tay phồng rộp. Khi chân bớt đau, chị không dám nghĩ đến chuyện về nữa.

Thấm thoát thế mà thầy Hữu đã dạy học ở Chế Tạo được gần 5 năm.

MỚI - NÓNG