Dạy học tích hợp như... nấu lẩu thập cẩm

Không được đào tạo, nhiều giáo viên còn mơ hồ trước phương pháp dạy học tích hợp. Ảnh minh họa: Dân Trí.
Không được đào tạo, nhiều giáo viên còn mơ hồ trước phương pháp dạy học tích hợp. Ảnh minh họa: Dân Trí.
Không được đào tạo, chưa hiểu rõ tích hợp là gì, nhiều giáo viên dạy học tích hợp như chế biến "nồi lẩu thập cẩm". Đến hệ hậu quả ôm đồm các kiến thức không cần thiết, kiến thức trọng tâm lại bị loãng.

Cái gì cũng có

ThS Trương Thị Thanh Mai (ĐH Sư phạm Đà Nẵng) kể lại khi định hướng dạy tích hợp chủ đề “Ảnh hưởng của thuốc lá đối với sức khỏe con người”, có giáo viên (GV) tích hợp cả chục môn học khác nhau.

Khi tính số lượng người nghiện thuốc lá thì tích hợp môn Toán, xác định thành phần thuốc là tích hợp môn Hóa, ảnh hưởng của thuốc lá đến hô hấp (tích hợp Sinh học), hình thành thái độ tích cực không hút thuốc lá (tích hợp môn Giáo dục Công dân), viết bài trình bày (tích hợp môn Văn), tích hợp kỹ năng sống…

Một kết quả khảo sát đối với hơn 250 GV bậc THCS ở Đà Nẵng, có 91% GV với cơ sở lý thuyết liên quan đến dạy học tích hợp. Tuy nhiên, chỉ có hơn 44% GV định nghĩa đúng khái niệm tích hợp liên môn và đến 40% GV nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn và tích hợp đa môn.

TS Dương Thị Hồng Hiếu, ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, nhiều GV chưa hiểu rõ tích hợp, phân hóa là gì. Việc áp dụng dạy học tích hợp mới chỉ dừng ở mức độ lồng ghép, lồng vào nhiều liên hệ với nguy cơ làm loãng kiến thức trọng tâm và thừa thãi các kiến thức không phù hợp.

Dạy học tích hợp như... nấu lẩu thập cẩm ảnh 1

Học sinh Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM trong giờ học Văn theo dự án "Học Văn để sống" với phương pháp dạy học tích hợp.

Trường sư phạm “đi cuối”?

Dạy học tích hợp không chỉ là một xu thế giáo dục trên thế giới mà còn phù hợp với Việt Nam trong việc thực hiện giảm tải chương trình.

Tuy nhiên, hiện cản trở lớn nhất hiện nay chính là đội ngũ GV đang “lớ ngớ” trước việc đổi mới phương pháp dạy học, lại nằm ở vấn đề cốt lõi là họ không được đào tạo.

ThS Trương Thị Thanh Mai, việc không được đào tạo theo định hướng dạy học tích hợp để có thể áp dụng vào thực tế làm GV thiếu tự tin trong đổi mới việc dạy học. Việc dạy học tích hợp mới được chú trọng một vài năm gần đây trong khi, theo bà Mai, chương trình đào tạo Sư phạm của chúng ta đã “đóng khung”.

Một số GV đang hoang mang trước định hướng đổi mới, bà Mai còn cho rằng nguyên nhân là GV còn rất thụ động, ít sáng tạo, chủ yếu phải “cậy” hết vào sách giáo khoa (SGK) trong việc giảng dạy. Nên khi chưa có SGK cụ thể, họ trở nên lúng túng.

TS Phạm Thị Kim Anh (Viện Nghiên cứu Sư phạm, ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ ra thực trạng, trường Sư phạm vẫn đứng ngoài cuộc trong việc bồi dưỡng GV trong việc dạy học tích hợp. Các trường chỉ quen đào tạo GV dạy các môn học riêng rẽ.

TS Nguyễn Anh Dũng - nguyên Viện phó Viện nghiên cứu giáo dục, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới SGK của Bộ GD-ĐT cho hay, vấn đề đổi mới giáo dục không nằm ở chương trình SGK hay phương pháp dạy học mà vấn đề cốt lõi chính là GV. Các nhà giáo dục, khoa học ủng hộ nhưng quan trọng nhất là GV đã sẵn sàng chưa? Một khi GV chưa sẵn sàng thì không điều gì thực hiện được.

Bộ sẽ xây dựng một đề án về việc đào tạo GV và cơ sở vật chất cho việc đổi mới dạy học. Nhưng trước hết, ông Dũng nhấn mạnh, các trường Sư phạm phải xây lại cấu trúc chương trình và phương pháp giảng dạy đối với sinh viên sư phạm để có thể theo kịp chương trình đổi mới.

ThS Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM) nêu ra thực tế lâu nay GV của chúng ta còn hạn chế trong khả năng tự học, nghiên cứu đề tài khoa học nên họ khó tránh được luống cuống trước yêu cầu đổi mới.

Thêm nữa, trong việc này lẽ ra các trường Sư phạm phải đi trước hoặc cùng đi song hành thì lại có nghịch lý, các trường đào tạo lại đi sau.

Ông Anh ví von, con tàu giáo dục Việt Nam đang chuyển động phía trước thì các trường Sư phạm lại là “toa cuối” đào tạo GV theo kiểu lẽo đẽo theo sau. Trong khi các trường Sư phạm cần phải là “toa đầu”, việc đào tạo GV phải đi trước đổi mới giáo dục 5 -10 năm.

Với thực tế “theo sau” của các trường Sư phạm đẩy GV vào tình thế phải dạy học theo cách mà họ không được chuẩn bị hành trang. Rồi việc đào tạo còn “cứng nhắc” nên GV khó bắt nhịp, uyển chuyển trước yêu cầu đổi mới.

Trên 5 dưới còn 1

Do giáo viên không được đào tạo ở Trường sư phạm, dạy học tích hợp trông chờ vào tập huấn. Nhưng theo ThS Trương Thị Thanh Mai, các bộ quản lý tập huấn ở trên kéo dài 5 ngày vẫn chưa hiểu rõ thì về Phòng GD-ĐT, tập huấn cho giáo viên - người cần nắm chắc nhất - lại rớt xuống chỉ còn một ngày.

Theo Hoài Nam

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG