Đẩy mạnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Học sinh lựa chọn sách giải bài tập Ngữ văn tại nhà sách Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.
Học sinh lựa chọn sách giải bài tập Ngữ văn tại nhà sách Tiền Phong. Ảnh: Như Ý.
TP - Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo đó, yêu cầu Bộ GD&ĐT phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp, đảm bảo yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực và khả thi.

Theo chỉ thị, Bộ GD&ĐT và các địa phương, bộ ngành liên quan đã hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, xây dựng các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, sắp xếp cơ sở đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình, việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu là do việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cần nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư với Bộ GD&ĐT chưa thực sự hiệu quả.

 Biên soạn sách giáo khoa đảm bảo giảm tải

Vì vậy, Thủ tướng chỉ thị Bộ GD&ĐT rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sử dụng trong nhà trường. Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông. Rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn, phát triển các khóa, tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.

Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên. Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên chủ động phối hợp với các địa phương để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 Rà soát giáo viên ở từng cấp học, môn học

Đối với UBND các tỉnh, TP trực thuộc, Thủ tướng yêu cầu, chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học. Chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Điều chỉnh, sắp xếp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa được lùi thời gian áp dụng chậm một năm ở cấp tiểu học, chậm 2 năm đối với cấp THCS và chậm 3 năm đối với THPT. Cụ thể, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2019-2020; năm tiếp theo áp dụng cho lớp 2 và lớp 6; năm thứ 3 áp dụng cho lớp 3 và lớp 7…

MỚI - NÓNG