Dạy trẻ khuyết tật bằng… 'đồ, rê, mi…'

Dạy trẻ khuyết tật bằng… 'đồ, rê, mi…'
TP - Bà Marianne Wiersema, chuyên gia về Âm nhạc trị liệu người Hà Lan, vừa sang Việt Nam để truyền đạt phương pháp hết sức mới mẻ và đầy tính nhân văn này.
Dạy trẻ khuyết tật bằng… 'đồ, rê, mi…' ảnh 1
Bà Marianne Wiersema

Bà Marianne Wiersema đã 10 năm ròng đi khắp Hà Lan để truyền đạt cách giảng dạy đặc biệt của mình. Bà cũng là người từng được nhận huân chương của Nữ hoàng Hà Lan vì những đóng góp không mệt mỏi cho trẻ em khuyết tật.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, từ ngày 15/10-18/10, những giáo viên, giáo sinh khoa Giáo dục đặc biệt (ĐH Sư phạm TPHCM) và các giáo viên các trường chuyên biệt quận, huyện trong thành phố được tiếp cận với một phương pháp sư phạm hoàn toàn mới đối với Việt Nam.

Hẳn phải có lý do nào đấy khi bà lại chọn lựa âm nhạc để làm phương tiện giảng dạy cho trẻ em khuyết tật?

Con đường ảnh hưởng của âm nhạc lên con người có thể khái quát: Tác động vào não bộ, tạo ra sự cảm nhận, sau đó truyền đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Âm nhạc đi trực tiếp vào con người, thay đổi tình cảm bên trong, từ đó sẽ thay đổi hành động bên ngoài. Âm nhạc có sức hấp dẫn tự nhiên đối với mọi người. Với một đứa bé, âm nhạc có thể làm nó lắng nghe, yêu thích qua đó học tốt hơn, học được nhiều thứ hơn.

Đặc biệt, với những trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, âm nhạc có thể làm các em dễ dàng giao tiếp với môi trường xung quanh hơn, hiểu biết thế giới quanh mình hơn.

Tôi chọn lựa âm nhạc làm phương tiện giảng dạy cho những trẻ em khuyết tật bởi một lý do chính: Đến được gần với các em hơn.

Nhưng để cho giáo viên Việt Nam làm quen với phương pháp này và sau đó có thể truyền đạt cho các em, hẳn là không đơn giản. Bà đã truyền đạt phương pháp này như thế nào?

Tôi truyền đạt cho họ bằng cách giúp họ tự tìm tòi, suy nghĩ, dùng những bài hát, âm điệu của riêng Việt Nam để áp dụng vào công việc giảng dạy.

Lớp học vừa qua là một lớp học đặc biệt. Ở đó, tôi không ngại ngùng trình bày tất cả những cử động của cơ thể để có thể cảm nhận âm nhạc một cách tốt nhất. Khi giáo viên học được kỹ năng này, họ mới có thể truyền đạt lại cho học sinh mình tốt hơn.

Ban đầu ai cũng ngại ngùng, cả tôi cũng vậy. Nhưng càng về sau, lớp học càng trở nên sôi động. Chúng tôi đã cùng cử động, cùng lắc lư, cùng cảm nhận âm nhạc qua những động tác của cơ thể mình.

Trước khi đến Việt Nam, bà đã biết những gì về cách giảng dạy cho trẻ khuyết tật tại đây?

Thật sự khi chưa đến đất nước các bạn, tôi cũng không biết nhiều về cách giảng dạy trẻ em khuyết tật ở đây. Nhưng nghe bạn bè từng kể lại, tôi biết các bạn chưa có một phương pháp giảng dạy bằng âm nhạc đặc thù như thế này. Tôi chỉ mới xem một video clip về việc giảng dạy ở đây, nhưng tôi đã tin là mình sẽ giúp được các bạn.

Trong vài ngày tới, tôi sẽ kết hợp với một số giáo viên là học viên trong lớp này soạn một cuốn sách giáo dục âm nhạc để tặng các em. Tôi hi vọng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy của các bạn.

Cám ơn bà!

 Đăng Khoa
thực hiện

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.