Dạy trước cho trẻ vào lớp 1: Đừng ép trẻ “chín non”

Học sinh vào lớp 1 chuẩn bị học trước chương trình tại nhà một giáo viên tiểu học nằm trong ngõ 236 đường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Q.Anh
Học sinh vào lớp 1 chuẩn bị học trước chương trình tại nhà một giáo viên tiểu học nằm trong ngõ 236 đường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Q.Anh
Mới sắp sửa vào lớp 1 nhưng nhiều trẻ đã bị bố mẹ ép đi học thêm tại nhà giáo viên với lịch kín cả tuần như... ôn thi đại học.

Học ngày học đêm

Mới sắp sửa vào lớp 1, thế nhưng nhìn lịch học của Trà My (SN 2008, ở ngõ 85, Hạ Đình, Hà Nội) không khác gì so với lịch ôn thi kín mít của các sĩ tử chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp tới.

Ban ngày học ở trường, các buổi chiều từ thứ Hai tới thứ Sáu, Trà My được bố mẹ đưa đón học thêm ở nhà cô giáo, tối về lại luyện chữ, tập đọc và làm toán. Ngày nghỉ, My cũng phải làm thêm một đống bài tập bố mẹ giao.

Chị Thu Hằng (mẹ Trà My) cho biết: “Cháu vừa thi ở vài trường tiểu học, giờ vẫn chưa biết kết quả. Hôm rồi tôi cho cháu thi vào Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm, cháu nói là hoàn thành tốt các bài kiểm tra, nhưng chưa có điểm, chưa biết đỗ hay trượt...

Từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, tôi đã cho cháu đi học thêm rồi bởi một số trường tiểu học có chất lượng đều phải qua kiểm tra mới vào được, không học thì không thể nào thi được. Không vào được các trường này, chỉ có nước về học ở phường, trường “làng” thôi”.

Không riêng gì Trà My, thời điểm hiện tại mới nghỉ hè để chuẩn bị sắp tới vào lớp 1, thế nhưng nhiều phụ huynh có con sinh năm 2008 ở Hà Nội đã tích cực cho con đi học trước, ôn luyện.

Đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh, lại đang trong giai đoạn nghỉ hè, nên một số giáo viên tiểu học cũng “tranh thủ” nhận dạy kèm học sinh tại nhà. Một số trung tâm luyện chữ đẹp, làm toán nhanh thu hút khá đông học sinh tới theo học.

Trong ngõ 236 đường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có một lớp học do giáo viên tiểu học mở cho trẻ năm nay vào lớp 1, thu hút khá đông học sinh. Lớp học có gần 20 học sinh, học phí 120.000 đồng/học sinh/buổi.

Một phụ huynh có con học tại đây chia sẻ: “Tôi cho con đi học trước bởi lo rằng nếu không học, khi vào lớp 1 cháu sẽ tụt lại so với các bạn. Tôi thấy, hầu hết các cháu đều đi học trước, có những cháu giờ đã biết làm toán, đọc báo vanh vách rồi. Con mình không học, viết bài chậm, cháu bị tự ti và còn bị các bạn trêu trọc vì học dốt”.

Phản khoa học?

Không đồng tình với cách dạy, cách làm đối với các bậc phụ huynh khi ép trẻ đi học sớm trước khi vào lớp 1, GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) cho biết, các bậc phụ huynh cho con đi học chữ quá sớm là phản khoa học, sẽ làm hại đến sự phát triển bình thường của trẻ. Việc “nhồi” con toán, chữ viết vào đầu sẽ khiến trẻ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi.

Cũng theo GS Phạm Minh Hạc: “Trẻ con ở nước ngoài ít được dạy chữ, mà để phát triển tự nhiên. Còn ở nước ta, các bậc phụ huynh thường muốn con mình phải hơn con nhà khác và tự hào về điều này. Một bộ phận khác lại mơ ước con mình trở thành thần đồng, giỏi giang…

Tuy nhiên, sự mong ước này khá ảo tưởng, vô tình đưa con em mình vào thế khó. Theo tôi, ở lứa tuổi này, chỉ cần các cháu biết những điều đơn giản như biết chào hỏi, biết giao tiếp, chuẩn bị sẵn sàng để vào lớp 1...”.

Dù đánh giá trẻ được học trước vào lớp 1 sẽ nhàn cho giáo viên bởi học sinh tiếp thu nhanh hơn, song bà Phạm Thị Minh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho rằng điều này sẽ gây bất lợi cho học sinh.

“Cái cần nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1, đó là dạy cho các cháu biết nề nếp, thói quen khi vào các trường tiểu học. Phụ huynh thì cứ tham vọng con mình học giỏi, nên ép học sớm mà không biết rằng trẻ học trước sẽ chủ quan, mất dần thói quen tự giác, ý thức học tập và sự cố gắng”, bà Minh chia sẻ.

Nhiều năm nghiên cứu về bậc học mầm non, tiểu học, PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng:

“Tác dụng của việc luyện chữ trước lớp 1 chưa biết lợi đến đâu, nhưng thấy rõ cái thiệt trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ bị thui chột hứng thú học vì mọi thứ đã biết, đã học và thấy sợ hãi vì bị ép học.

Hãy dạy trẻ những gì cần thiết vào lớp 1 như: sự tự tin, tập trung vào bài học, biết nghe lời giáo viên. Khi vào lớp 1, công việc dạy học đã có giáo viên lo rồi”.

Theo Theo Gia đình và Xã hội
MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.