Dạy và học xáo trộn vì cúm A/H1N1

Dạy và học xáo trộn vì cúm A/H1N1
Các bậc phụ huynh có con em đang học lớp cuối cấp thật sự lo ngại về sự xáo trộn học tập do cúm A/H1N1. Lãnh đạo ngành giáo dục, từ địa phương đến bộ, có phương án nào để giải quyết chuyện này?
Dạy và học xáo trộn vì cúm A/H1N1 ảnh 1

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) đã hoạt động bình thường trở lại sau một tuần tạm đóng cửa vì dịch cúm A/H1N1. Trong ảnh: học sinh trường này đeo khẩu trang thường trực để bảo vệ mình - Ảnh: MAI VINH (Tuổi Trẻ).

Chiều 26/8, thầy Lê Văn Linh, hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết, từ hôm tập trung đến nay, nhà trường phát hiện 38 ca sốt, trong đó có bảy ca dương tính.

Hiện, những học sinh dương tính đang được chăm sóc tại Bệnh viện quận 12, nhà trường cử bảo mẫu vào bệnh viện lo cơm nước, chăm sóc các em bởi phụ huynh nhiều em ở xa. Mọi hoạt động học tập tại trường đều ngưng đến ngày 3/9.

TP.HCM: nhiều trường thực học muộn

Tại trường này, ban đầu nhà trường chỉ cho nghỉ ba lớp có phát hiện học sinh bị sốt, sau đó lần lượt cho nghỉ toàn bộ khối tiểu học, THCS và khối 10. Số còn lại vẫn cố gắng cầm cự.

Đến sáng 22/8, trường đành thông báo phụ huynh đón toàn bộ số học sinh còn lại ra về để đảm bảo an toàn. Theo dự tính, đến 3/9, 3.500 học sinh của trường sẽ tựu trường.

“Kế hoạch học tập sẽ được linh hoạt tăng cường sao cho đảm bảo học sinh không bị mất chương trình. Nhà trường đã họp các tổ chuyên môn tổ chức lại kế hoạch học tập. Có thể sau khai giảng, tùy tình hình kế hoạch học tập sẽ phải thay đổi linh hoạt” - thầy Linh cho biết.

Tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, cơ sở số 3, trong số năm cơ sở đã phải tạm đóng cửa do phát hiện ba học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Trong khi, các cơ sở khác đã bước vào chương trình năm học mới, nhà trường phải lên lại thời khóa biểu với kế hoạch tăng tiết cho gần 1.000 học sinh nghỉ học ở cơ sở 3.

Cô Nguyễn Yên Chi, hiệu phó nhà trường, cho biết, trường đã thông báo để phụ huynh đưa con em đi học trở lại vào ngày 31/8, hi vọng mọi kế hoạch khai giảng và triển khai tăng tiết cho các học sinh ở cơ sở 3 sẽ diễn ra thuận lợi. Nhưng, nếu cúm phát sinh, kế hoạch học tập sẽ thay đổi tùy theo chỉ đạo của các cơ quan y tế.

Sống chung với... cúm

Đại diện nhiều trường phổ thông tại các đô thị có dịch cúm lan rộng đều cho rằng, không thể ngưng dạy học mãi được. Các trường, thay việc thắc thỏm chờ đóng cửa trường, phải tập cách “sống chung với cúm”, có nghĩa vừa dạy học vừa phòng chống cúm.

Ở Hà Nội, ông  Mai Sỹ Nhật, trưởng phòng Học sinh - Sinh viên Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết, sở sẽ kiến nghị Bộ GD-ĐT và UBND TP có các quyết định cụ thể về việc tạm ngừng hoặc ngừng hẳn việc tổ chức dạy học đối với các cơ sở giáo dục có nguy cơ dịch bùng phát mạnh.

Tuy nhiên, trước mắt, chủ trương của Hà Nội sẽ vẫn là tổ chức dập dịch tại chỗ khi có tình trạng học sinh bị nhiễm cúm để việc dạy học không bị gián đoạn quá nhiều. Các trường học luôn phải trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng các “kịch bản” dập dịch.

Trong khi đó, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý các trường phải báo cơ quan y tế ngay tất cả các trường hợp bị sốt, có dấu hiệu nhiễm cúm để được điều trị sớm nhất.

Những trường có điều kiện nên tổ chức hai phòng y tế, không giữ học sinh nhiễm cúm lâu tại trường, phải báo ngay cho phụ huynh. Riêng các trường có nội trú, sở đề nghị giảm số lượng học sinh nội trú; tận dụng cơ sở vật chất hiện có để mở rộng diện tích chỗ ở, giãn học sinh, chia nhóm nhỏ trong sinh hoạt để tránh lây lan.

Tuy nhiên, các trường không thể giảm số học sinh nội trú vì hầu hết học sinh trường nội trú đều đến từ các tỉnh, nếu không nội trú ở trường sẽ không biết ở đâu!

Việc bố trí lại chỗ ngủ cách xa khoảng 2m cũng rất khó thực hiện được vì các trường không thể ngay lập tức nới rộng mặt bằng trường, lớp, phòng ngủ. Vì vậy, hầu như các trường đều đang “sống chung với cúm”.

Sẽ bổ sung kiến thức

Dạy và học xáo trộn vì cúm A/H1N1 ảnh 2

Trường THPT dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) tạm đóng cửa do có học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Trường sẽ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 3/9/2009. Trong ảnh: đo thân nhiệt nhân viên vào làm công tác chuẩn bị cho việc hoạt động trở lại - Ảnh: A.Lộc (Tuổi Trẻ)

Hà Nội hiện có 34 học sinh, một sinh viên, một giáo viên bị nhiễm cúm thuộc 11 trường học và cơ sở giáo dục. Có 6/11 trường có học sinh bị cúm thuộc bậc giáo dục trung học.

Theo các trường trên, học sinh trong thời gian theo dõi và điều trị cúm sẽ phải nghỉ từ 1 - 2 tuần. Đối với học sinh tiểu học thì không đáng ngại vì chưa đến thời gian thực học, nhưng ở bậc trung học thì học sinh sẽ phải vắt chân lên cổ để đuổi kịp chương trình.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường phải có kế hoạch bố trí giáo viên, thời gian để bổ sung kiến thức cho những học sinh nghỉ học do cúm.

Ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, không thể biết trước mức độ lây lan cũng như không biết được chừng nào hết cúm, hiện tại sở hướng dẫn các trường tuyên truyền cho học sinh, giáo viên và phụ huynh các  biện pháp phòng ngừa, chống lây lan khi có người bị cúm.

Những trường đang tạm nghỉ vì cúm phải lên kế hoạch học tập để dạy bù cho quãng thời gian nghỉ, đảm bảo đưa chương trình vào đúng tiến độ.

Có thể tổ chức “phòng học cách ly”

Dạy và học xáo trộn vì cúm A/H1N1 ảnh 3
Ông Phùng Khắc Bình. Ảnh: Thanh Hà (Tuổi Trẻ).
Ông Phùng Khắc Bình - Phó Ban chỉ đạo công tác y tế trường học Bộ GD-ĐT: Các địa phương căn cứ vào những mốc thời gian năm học mà Bộ GD-ĐT đã quy định để điều chỉnh kế hoạch dạy học, tùy theo hoàn cảnh thực tế ở từng nơi, nhất là những trường học có nguy cơ bùng phát dịch.

Theo đó, ngày tựu trường do UBND các tỉnh, thành phố quyết định nhưng năm học sẽ kết thúc muộn nhất vào 31/5.

Trong thời gian diễn ra năm học, tùy tình hình thực tế (thời tiết khắc nghiệt, bão lũ, dịch bệnh hoặc nhu cầu phụ huynh HS giữa các vùng miền khác nhau), các sở GD-ĐT có thể đề xuất UBND  tỉnh, thành phố điều chỉnh thời gian thực học.

Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu các trường học đảm bảo thực hiện đúng chương trình. Trường hợp các trường phải đóng cửa kéo dài do cúm dẫn đến việc khó kết thúc năm học vào 31/5 phải xin ý kiến Bộ GD-ĐT và UBND các tỉnh, thành phố để có hướng khắc phục.

Hiện nay có nhiều HS đang phải nghỉ học do bị cúm hoặc nghi ngờ bị cúm, trong khi trường/lớp của các em vẫn tổ chức dạy học bình thường, vậy Bộ GD-ĐT có chỉ đạo thế nào đối với các cơ sở giáo dục trong việc bổ sung kiến thức cho những HS này, đảm bảo quyền lợi chính đáng của HS?

Những HS phải nghỉ học do cúm được đối xử như những HS bị ốm, tai nạn, chịu hậu quả của thiên tai. Ngay sau khi HS được cơ sở y tế xác nhận đã bình phục, trở lại trường học, lãnh đạo các nhà trường phải phân công giáo viên tổ chức phụ đạo cho HS, bổ sung kiến thức các em không được học trong quá trình điều trị, đảm bảo để HS được học tập  hoàn thành các yêu cầu của chương trình.

Cụ thể, các trường có thể tổ chức dạy học bù cho các lớp, nhóm HS vào thứ bảy, chủ nhật, bố trí dạy ngoài giờ (HS học thêm tiết/buổi, học thêm buổi/ngày), phân công HS khác giúp đỡ những HS bị cúm...

Hiện có tình trạng một lớp có 1 - 2 HS bị cúm nhưng cả lớp phải nghỉ học một tuần để cách ly, điều này khiến cha mẹ HS lo ngại các con sẽ không thể kịp bổ sung kiến thức nếu liên tục có những đợt cách ly như vậy? Theo ông, khắc phục tình trạng trên bằng cách nào?

Đây là việc mà các địa phương cần linh hoạt xử lý. Tùy tình huống, có thể chỉ cách ly một nhóm hoặc cả một lớp. Trên cơ sở tham khảo ý kiến cơ quan y tế địa phương và diễn biến của dịch cúm tại từng cơ sở giáo dục cụ thể, có thể yêu cầu cách ly hoàn toàn đối với HS và cho các em ngưng học. Nhưng cũng có thể tổ chức các “phòng học cách ly” ngay trong các nhà trường.

HS bị cách ly vẫn được dạy học bình thường, chỉ hạn chế tiếp xúc với số đông HS và những người khác trong cộng đồng.

Các trường tổ chức “phòng học cách ly” phải đảm bảo vệ sinh, được khử trùng, nhà trường nhắc nhở HS  trong diện phải theo dõi sức khỏe để có ý thức cao trong việc thực hiện những quy định về vệ sinh, khử trùng, tự giác hạn chế tiếp xúc với người khác.

Đối với những HS cuối cấp (lớp 9, lớp 12) ở những trường học xảy ra dịch cúm, bộ có chỉ đạo đặc biệt gì đối với các trường để đảm bảo HS đủ điều kiện về kiến thức để dự thi các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh không?

Với HS cuối cấp, dù bị gián đoạn, việc dạy học vẫn không được phép cắt xén chương trình, môn học. Cũng như những HS lớp khác, các trường phải có kế hoạch bổ sung kiến thức cho HS lớp 9, lớp 12 ngoài giờ học chính khóa.

Những trường hợp cả trường phải nghỉ học, lịch học bị xáo trộn thì các trường phải đặc biệt lưu ý và ưu tiên việc sắp xếp thời gian học bù cho HS cuối cấp để đảm bảo đủ kiến thức, kịp tham dự các kỳ thi cuối cấp và tuyển sinh đã được ấn định thời gian.

Theo P. Điền - L. Trang - T.V Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG