Dạy và học Lịch Sử: Thầy và trò đều thiếu “lửa”

Dạy và học Lịch Sử: Thầy và trò đều thiếu “lửa”
Kết quả thi ĐH môn Lịch sử năm nay đã gây sốc trong dư luận xã hội. Về nguyên nhân, đương nhiên số 1 là việc dạy và học Lịch sử trong nhà trường phổ thông. Nhưng tại sao lại nên nỗi?

Năm học tới, P.T.V là học sinh (HS) lớp 10 trường THPT Thăng Long (Hà Nội). Năm học vừa rồi, V đạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 9 của TP Hà Nội.

Thế nhưng ngay từ bây giờ, để chuẩn bị cho việc tìm một lối vào cổng trường ĐH, V đã bắt đầu đi ôn thi... khối D. V giải thích: “Cháu thi HS giỏi môn Sử chỉ vì muốn “kiếm” thêm điểm thưởng khi đăng ký xét tuyển vào lớp 10. Các bạn khác trong đội tuyển của quận cũng nói thế”.

Khi được hỏi, học Sử có khó lắm không, V trả lời: “Cũng không khó. Chỉ cần nghe giảng chăm chú thì sẽ nhớ được các sự kiện. Nhưng nhớ rồi, thi xong thì lại quên”!

Giải thích lý do này, V cho biết: “Môn Sử không giúp ích thiết thực cho HS khi vào đời sau này”!? Hỏi: “Cháu có ghét môn Sử không?”.

V suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Cháu không ghét. Có lẽ vì cô giáo dạy hay. Nhưng một số bạn ở trường khác thì không thích. Các bạn ấy kể, GV chỉ đọc trong SGK cho HS chép; có GV chỉ ghi các đề mục lên bảng rồi dặn HS về học thuộc SGK”.

Không dành thời gian môn Sử dù có khả năng học giỏi Sử, đã từng được học với những GV dạy Sử tốt... như V không phải là trường hợp cá biệt. Qua ghi nhận của chúng tôi, phần nhiều những HS khá, giỏi (đều các môn) đều không ghét môn Sử nhưng không đầu tư thời gian và tâm trí để học môn Sử chỉ vì không thi khối C, và môn Sử không phải là môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT.

Em Phạm Thị Thanh Minh (cựu HS trường THPT Nghĩa Đàn, Nghệ An, vừa mới dự thi khối A kỳ thi ĐH 2005) cho biết: “Cả trường cháu năm vừa qua có khoảng 600 bạn lớp 12, nhưng chỉ khoảng 30 bạn trong đó thi khối C – nghĩa là cũng chỉ từng ấy bạn quan tâm tới môn Sử”.

Tâm trạng của những giáo viên “môn phụ”

Với thời lượng: lớp 10 – 1 tiết/ tuần, lớp 11: 1 tiết/ tuần, lớp 12: 2 tiết/ tuần, Lịch sử Việt Nam quả là một “môn phụ”, “phụ” ngay cả với một môn cũng “phụ” khác trong các môn thi khối C (môn Địa lý). Môn Sử không phải là môn duy nhất nằm ngoài các môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm.

Nhưng trong nhà trường, chẳng hiểu sao đây lại là một môn hay bị cắt tiết, dồn tiết nhất mỗi khi chuẩn bị vào mùa ôn thi. Có thể “thị phần” của môn Sử quá ít khi mà số lượng thí sinh thi khối C ngày càng giảm cũng như ngày càng nhiều ngành xã hội mở rộng khối tuyển sinh (một số trường, ngành trước đây chỉ tuyển thí sinh thi khối C, sau tuyển thêm khối D và các khối khác).

Từ đó, HS coi thường và không chú tâm học Sử. Cô P. – GV trường THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội – nói: “HS thi khối A mà biết GV chủ nhiệm của mình dạy môn Sử thì buồn lắm. Ngay cả với HS thi khối C cũng thế – tâm lý các em thích GV chủ nhiệm là môn Văn, hoặc ít ra cũng phải là môn Địa”.

Nhiều GV thì phàn nàn về thái độ, ý thức học môn Sử của HS. Số lượng HS quan tâm tới môn Sử (thi khối C) vốn đã ít, chất lượng lại kém. Có một thực tế xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều HS không biết thi khối gì (vì môn nào cũng học kém) nên đã đăng ký dự thi khối C!?

Một trong những lý do để các HS “không biết thi khối gì” chọn khối C là do quan niệm “khối C còn quay cóp được”, đặc biệt là với môn Sử. Vì thế, năm nay “cái đuôi dốt Sử” của đa số HS thi khối C đã lòi ra khi kỷ luật phòng thi trong kỳ thi ĐH 2005 được thực hiện nghiêm.

Một GV Sử nói: “Nếu vẫn cứ làm “chặt” thế, tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra trong các kỳ thi ĐH tiếp theo”.

Rất nhiều GV đã bị quan niệm “môn phụ” đó ảnh hưởng. Không ít GV đứng trên bục giảng dạy theo lối “dạy khoán” thiếu lửa (như phản ảnh của nhiều HS).

Trong dư luận, nhiều ý kiến cho rằng chất lượng dạy – học môn Sử thấp là do chương trình, SGK. Nhưng một số GV nghĩ khác. Thầy Lê Đức Kiêm – cựu GV trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) – cho rằng, SGK chỉ là sườn để GV căn cứ vào đó giúp HS tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống.

Vấn đề môn Sử có hấp dẫn hay không là ở GV. Nhưng cho dù GV có tâm huyết mà HS và xã hội cũng như các nhà quản lý GD thờ ơ thì kết quả môn Sử vẫn là “môn phụ”.

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin nêu ý kiến thầy Nguyễn Hữu Sơn, GV Sử trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Tây): Việc đào tạo lại cho GV hầu như chưa được quan tâm. Lịch sử gắn liền với chính trị xã hội. GV cần được thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin, quan điểm. Đằng này không hề.

Có những GV đã không chịu đọc sách, lại chẳng được bồi dưỡng thêm nên lên lớp cứ phát đi phát lại một bản tin cũ trong khi thực tế đã khác lắm rồi”. 

MỚI - NÓNG