ĐBSCL: Kiên cố hóa trường học, bao giờ xong?

ĐBSCL: Kiên cố hóa trường học, bao giờ xong?
Chương trình kiên cố hóa trường lớp ở  ĐBSCL tiến độ quá chậm với nhiều vướng mắc kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt.
ĐBSCL: Kiên cố hóa trường học, bao giờ xong? ảnh 1
Công trình xây dựng dở dang tại trường THPT Thuận Hòa (Mỹ Tú, Sóc Trăng)

Điểm trường ở ấp Trà Quít B, xã Thuận Hòa (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) ngổn ngang cây cối, gạch đá. Hàng rào khuôn viên trường cũ bị phá nham nhở mở lối vận chuyển vật tư. 12 phòng học đang tô tường.

Cạnh bên, trường THPT Thuận Hòa 20 phòng mới đổ xong bê tông khung sườn, xây tường gạch. Khu đất trung tâm xã Thuận Hòa gần 2 ha đón nhận 3 công trình xây dựng 44 phòng học kiên cố.

Thầy Đoàn Văn Tiễn - Hiệu trưởng trường THPT Thuận Hòa đang cùng các cán bộ, nhân viên làm việc trong phòng chứa dụng cụ thí nghiệm, đồ dùng dạy học ngẩng lên nói: “Tình trạng này diễn ra gần 2 năm rồi. Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở học sinh phải tránh xa nơi đang thi công. Tiến độ xây dựng quá chậm, chúng tôi chỉ biết năn nỉ cai thầu làm nhanh lên cho thầy trò chúng tôi nhờ”.

Công trình xây dựng trường THPT Thuận Hòa khởi công tháng 8/2003 do Cty xây dựng Hồng Hà (TP HCM) thi công, dự kiến đưa vào sử dụng năm học 2004 - 2005 nhưng đến nay mới đổ xong bê tông, tường gạch chưa tô. Nhà thầu ở xa nên công nhân về quê trước Tết nửa tháng, qua Rằm tháng Giêng vẫn chưa trở lại. 1.722 học sinh chia thành 43 lớp phải học trong những phòng tạm bợ, nắng nóng, mưa ồn. Các phòng chức năng như thư viện, thiết bị, thí nghiệm phải xếp xó.

Tôi đi dọc theo các phòng học lợp tôn, nóng hầm hập, cô giáo mặc áo dài màu xanh nước biển chuyển sang màu đen vì mồ hôi thấm ướt. Các em học sinh ngồi học phải vén tà áo phe phẩy cho đỡ nực. Chốc chốc có làn gió lùa qua thì lại phải cát bụi rát mặt. Và tôi đã chứng kiến vì nắng nóng ngột ngạt đã có học sinh ngất xỉu phải đi cấp cứu.

Công trình kiên cố hóa trường lớp nhưng kiên cố chưa thấy đâu chỉ thấy phát sinh những lớp học tạm bợ. Những dãy phòng dựng tạm bằng mọi thứ tận dụng trên nền đất của Trường tiểu học Lương Thế Trân 2 (Cái Nước, Cà Mau) trông thật thảm thương.

Khi tôi xuất hiện có em học sinh nhảy luôn lên bàn học nhìn khách lạ. Tôi giơ máy ảnh lên, thầy giáo trẻ xua tay xin đừng chụp, mắc cỡ lắm. Các phòng học thông thốc, đứng đầu dãy có thể nhìn thấy suốt nên cô giáo lớp này giảng bài thì học sinh ngồi cuối lớp bên cạnh nghe rõ hơn. Văn phòng trường tiểu học Lương Thế Trân 2 chỉ đủ chỗ cho vài giáo viên ngồi nghỉ giải lao, xem giáo án. Hiệu trưởng phải làm việc … ở nhà. Tôi đi tìm thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hoàng Nam.

ĐBSCL: Kiên cố hóa trường học, bao giờ xong? ảnh 2
Các em học sinh trường tiểu học Lương Thế Trân 2 (Cái Nước, Cà Mau) phải học trong phòng tạm bợ, rách nát để chờ phòng học mới

Thầy Nam cho biết : “Chúng tôi được ưu tiên xây dựng 8 phòng học thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp, khởi công tháng 4/2004, dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm học 2004-2005. Cán bộ quản lý đã mấy lần đến hiện trường lập biên bản, yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhưng hiện nay đang quét vôi tường, chưa lót nền. Chắc phải đợi năm nữa”.

Anh Út Lịch ở hội cha mẹ học sinh trường tiểu học Lương Thế Trân 2 nói : “Cty xây dựng Đời Tân ở Bạc Liêu trúng thầu, xây quá chậm. Nhưng tôi thấy cán bộ dự án huyện Cái Nước đến kiểm tra, lập biên bản, rồi rủ nhau đi lai rai thì mọi việc vẫn như cũ !”.

Trường xuống cấp…

Trường THPT Văn Ngọc Chính, xã Thạnh Phú (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) được xây dựng 8 phòng học thuộc chương trình kiên cố hóa trường lớp. Vừa khánh thành thì toàn bộ hệ thống điện hư hỏng, không sử dụng được và cũng không biết cách đấu nối thế nào nên quạt, đèn ở các phòng học tê liệt.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phước nói : “Chúng tôi phải kéo thêm đường dây điện khác để sử dụng tạm. Mới đây, đoàn cán bộ Sở GD-ĐT, Ban quản lý các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng đến kiểm tra, ghi nhận những đề xuất, hứa hẹn khắc phục sửa chữa nhưng mấy tháng rồi chưa thấy gì”.

Tình trạng chất lượng xây dựng kém rất dễ thấy trên các công trình xây dựng kiên cố hóa trường lớp. Trường THPT Mỹ Qưới (Ngã Năm, Sóc Trăng) được đầu tư 20 phòng học, mới đưa vào sử dụng, còn trong thời gian bảo hành nhưng đã lún nền, nứt tường.

Thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Thái cho biết : “Cán bộ Ban quản lý dự án các công trình xây dựng đã đến kiểm tra, lập biên bản hiện trạng nhưng đơn vị thi công đã giải thể mất tiêu rồi ! Để học sinh có thể ngồi học, chúng tôi phải bóc hết lớp gạch lót nền, cho thêm cát đá và chưa biết lấy kinh phí từ đâu để chi vào khoản này”.

Trường tiểu học xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) xây dựng 18 phòng học, mỗi phòng 39 triệu đồng theo phương thức “nhà nước và nhân dân” cùng làm để xóa phòng tre lá lụp sụp. DNTN Ngọc Thọ trúng thầu xây dựng nhưng chỉ đổ móng cọc rồi “sang tay” cho Cty Phú Thịnh. Sau đó, cả hai đơn vị này không thèm bén mảng tới, đẩy hàng trăm học sinh vào ca 3, phòng học tạm bợ.

Anh Võ Thanh Hùng-Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, bức xúc : “Chúng tôi đi vận động bà con muốn xỉu mới có số tiền hùn vô. Tiền đã lấy của dân, hơn 2 năm rồi, giờ không biết ăn nói làm sao”. Trớ trêu thay, khi huyện Ngọc Hiển tách ra thành huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển thì số vốn đó lại nằm ở Năm Căn.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.