ĐBSCL: Nhiều trường lo… sập

ĐBSCL: Nhiều trường lo… sập
TP - Năm học mới 2007-2008 sắp khai giảng nhưng nhiều ngôi trường ở ĐBSCL vẫn đang đứng trước nguy cơ sập bất cứ lúc nào do tình trạng quá tải.

Trường THCS xã Hòa An (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có danh nhưng chưa có phòng ốc gì, phải mượn tạm mấy phòng của một nông trường. Bước vào các phòng này, ấn tượng mạnh nhất là nhìn thấy trời xanh lồng lộng.

Mái lá đã rách nát đến mức không thể rách nát hơn, phải dùng tấm ni lông che trên tấm bảng đen, còn thầy trò nếu mưa thì phải mặc áo mưa. Càng nhìn càng nơm nớp lo… sập.

Cũng tại xã Hòa An có trường Tiểu học Hòa An 3 ở ấp Hòa Quới A, xây từ 30 năm trước nay tường đã nứt, mái dột, cột bể nhiều chỗ, đòn tay bằng gỗ bị mối mọt ăn nham nhở.

“Có gió to là rung rinh, sợ lắm” - Một thầy giáo tại đây nói.

Tại trường THCS Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang), Phó hiệu trưởng Đào Văn Hải cho biết:

“Trường có một điểm lẻ với 8 phòng học cột gỗ bạch đàn, đòn tay tre đã bị mối mọt ăn gần hết, mái tôn lủng nhiều nên mưa là dột, vách không có nên gió lồng lộng”.

Những phòng học tồi tàn này vẫn phải “gồng” trên 250 học sinh. Nỗi lo lớn nhất là trường sập vì không còn cây cột nào nguyên vẹn.

Trường THCS thị trấn Trà Ôn (Vĩnh Long) xây dựng từ thời điểm năm 1967-1968, có 38 lớp, vì nhiều phòng sợ sập nên phải sử dụng 6 phòng học tạm bợ.

Phó phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn Ngô Trí Đức kể: “Để tránh tai họa, chúng tôi đã chỉ đạo phá 4 phòng gần sập để xây lại, còn 4 phòng nữa đóng cửa. Kế hoạch của tỉnh là sẽ đầu tư khoảng 7 tỷ đồng để xây mới nhưng phải chờ sang năm 2008-2009”.

Trường lo sạt lở

Trường THCS xã Xuân Hiệp (Trà Ôn, Vĩnh Long) nằm bên bờ sông sạt lở mạnh nên đang lo bị sông “nuốt”. Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Vũ cho biết:

“Trường có 8 phòng học cho 20 lớp với 665 học sinh. Tất cả xây dựng từ năm 1960 và 1980, nay đã xuống cấp nặng nề. Đặc biệt có 2 phòng học nằm kề bờ sông bị sạt lở, không biết rơi xuống nước lúc nào.

Chúng tôi xin được ít tiền làm bờ kè tạm cho yên tâm chứ dạy và học trong 2 phòng đó cứ nơm nớp”.

Phòng làm việc của Ban giám hiệu, văn phòng nhà trường cũng đã hư hỏng nặng, buộc phải chuyển xuống một phòng tre lá chật chội, tối tăm.

Phó phòng GD&ĐT Trà Ôn, ông Ngô Trí Đức, than thở: “Chúng tôi đã tính xây dựng trường THCS Xuân Hiệp tại địa điểm mới ở ấp Hồi Xuân, xã Xuân Hiệp với qui mô 14 phòng học, 6 phòng chức năng và các công trình phụ trên diện tích 10.673m2, kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tiền chưa có và đất cũng chưa nên thầy trò trường THCS Xuân Hiệp còn phải học bên miệng... Hà Bá”.

Không những vậy, nhiều trường còn trong tình trạng quá tải.

Trường THCS thị trấn Long Hồ (Long Hồ, Vĩnh Long) rộng chỉ 762m2 nhưng có tới 1.330 học sinh. Bình quân mỗi học sinh chưa tới 0,6 m2. Hoàn toàn không có sân chơi, sân tập thể dục.

Muốn sinh hoạt ngoài giờ và học thể dục, trường phải mượn sân của UBND huyện và nhà văn hóa huyện. Hiệu trưởng Huỳnh Văn Năm thở dài: “Không chỉ chật mà nhiều phòng học xây dựng trước năm 1975, cần phải sửa chữa mới đảm bảo an toàn”.

Trường THCS Lương Thế Vinh ở phường 8 (TX Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) cũng vừa chật lại vừa ẩm thấp. 8 phòng học phải “gánh” tới 15 lớp, 571 học sinh, 39 giáo viên, sân chơi nhỏ bé và thấp nên hễ cứ mưa là ngập nước như cái ao.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.